21/04/2022 13:00 GMT+7

Cầu Đại Ngãi sẽ hoàn thành vào năm 2026 nếu dùng vốn ngân sách

TUẤN PHÙNG
TUẤN PHÙNG

TTO - Nếu sử dụng vốn ngân sách trong nước, cầu Đại Ngãi nối quốc lộ 60 vượt sông Hậu sẽ hoàn thành năm 2026, trường hợp sử dụng vốn vay ODA thì năm 2028 mới có thể hoàn thành cầu Đại Ngãi.

Cầu Đại Ngãi sẽ hoàn thành vào năm 2026 nếu dùng vốn ngân sách - Ảnh 1.

Phối cảnh cầu Đại Ngãi vượt sông Hậu - Nguồn: Bộ Giao thông vận tải

Bộ Giao thông vận tải lý giải như vậy khi trình Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng cầu Đại Ngãi trên quốc lộ 60 thuộc địa phận tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng.

Theo Bộ Giao thông vận tải, tháng 10-2019 Thủ tướng đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án cầu Đại Ngãi sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản. Tuy nhiên, đến nay phía Nhật Bản chưa có cam kết vốn chính thức cho dự án. Thời gian thực hiện dự án cầu Đại Ngãi là 5 năm kể từ khi hiệp định vay vốn có hiệu lực nên việc vay vốn ODA nếu thuận lợi đến năm 2028 mới có thể hoàn thành cầu Đại Ngãi.

Do xúc tiến đầu tư vốn vay ODA quá chậm nên cử tri, hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân và tỉnh ủy các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng có văn bản gửi Chính phủ, các bộ liên quan đề nghị quan tâm sớm đầu tư dự án cầu Đại Ngãi.

Theo Bộ Giao thông vận tải, cầu Đại Ngãi là dự án rất quan trọng nhằm nối thông quốc lộ 60. Sau khi hoàn thành, cầu Đại Ngãi sẽ rút ngắn thời gian đi lại, giảm chi phí vận tải lưu thông hàng hóa, mở rộng giao thương và phân luồng, giảm tải cho quốc lộ 1, rút ngắn khoảng cách 80km so với sử dụng tuyến quốc lộ 1 khi đi từ Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu về TP.HCM, giảm thời gian đi lại khoảng 1,5 đến 2 giờ chờ và đi qua 2 phà vượt sông Hậu.

Nếu dự án cầu Đại Ngãi được chuyển đổi sang hình thức đầu tư công sử dụng vốn trong nước và áp dụng cơ chế đặc thù (của Quốc hội) sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện, khởi công cuối năm 2022 hoặc đầu năm 2023, hoàn thành vào năm 2026, đưa vào khai thác sử dụng sớm hơn khoảng 2 năm.

Do vậy, Bộ Giao thông vận tải kiến nghị Thủ tướng xem xét, chấp thuận không tiếp tục đề xuất sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản để xây dựng cầu Đại Ngãi; giao Bộ Kế hoạch và đầu tư thông báo cho phía Nhật Bản, chính thức đưa dự án vào Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội để chuyển đổi sang thực hiện theo hình thức đầu tư công sử dụng vốn trong nước.

Về quy mô đầu tư dự án, tiêu chuẩn kỹ thuật của cầu Đại Ngãi, Bộ Giao thông vận tải đề nghị vẫn giữ nguyên như phương án đã được Thủ tướng phê duyệt năm 2019.

Theo đó, dự án cầu Đại Ngãi do Bộ Giao thông vận tải làm chủ đầu tư, có điểm đầu giao với quốc lộ 54 tại huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh; điểm cuối giao với đường Nam Sông Hậu, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng.

Dự án sẽ xây dựng cầu Đại Ngãi 1, cầu Đại Ngãi 2 và đường dẫn (bao gồm một số cầu trung và cầu nhỏ trên tuyến). Tổng chiều dài toàn tuyến là 15,2km. Trong đó phần cầu dài 3,42km, bao gồm: cầu Đại Ngãi 1 dài 2,56km, cầu Đại Ngãi 2 dài 860m, 4 làn xe rộng 17,5m; phần đường (bao gồm một số cầu trung và cầu nhỏ) dài 11,78km, thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, vận tốc thiết kế 80km/h.

Sơ bộ tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của dự án cầu Đại Ngãi khi sử dụng vốn trong nước là 8.014 tỉ đồng, giảm gần 26 tỉ đồng so với đầu tư bằng vốn ODA...

Đề xuất dùng vốn trong nước xây cầu Đại Ngãi thay vì vay vốn ODA Đề xuất dùng vốn trong nước xây cầu Đại Ngãi thay vì vay vốn ODA

TTO - Bộ Giao thông vận tải kiến nghị Thủ tướng chấp thuận không tiếp tục đề xuất sử dụng vốn vay ODA Nhật Bản để xây dựng cầu Đại Ngãi, thay vào đó sử dụng 8.000 tỉ đồng vốn trong nước để đẩy nhanh việc xây cây cầu này.

TUẤN PHÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên