04/05/2010 06:03 GMT+7

Câu chuyện tìm cha - Kỳ cuối: Cuộc chiến cuối cùng

THANH TUẤN
THANH TUẤN

TT - Suốt mấy chục năm tìm thông tin về cha, bà Minh Vân luôn mang theo những câu hỏi về cái chết của cha mình. Chuyến đi tới trung tâm Vietnam Archive tại Texas phần nào giải đáp được câu hỏi đó.

GLIZ7aX5.jpgPhóng to
Bà Minh Vân trao đổi cùng cựu binh Billy Kelly, người lính từng tham chiến ở Đức Phổ, Quảng Ngãi - Ảnh: T.Tuấn

Kỳ 1: Vị khách kỳ lạ tại Lubbock, TexasKỳ 2: Người cựu binh và chiếc vali kỷ vậtKỳ 3: Cha tôi là như thế!

Cuộc chiến cuối cùng của cha

Một đêm tháng 12-1969, đoàn công tác của ông Hoàng Minh Đạo trên đường từ phân khu I về họp Trung ương Cục không may sa vào ổ phục kích của giặc trên sông Vàm Cỏ Đông. Trung tướng Tám Lê Thanh, nguyên phó tư lệnh bộ đội biên phòng, là một trong những người cuối cùng được gặp mặt ông Đạo trong chuyến đi đó. Ông kể: “Đến Vàm Trảng, nơi có hai chiếc thuyền lớn, mỗi người đi riêng một chiếc. Nguyên tắc không cho hai thuyền qua sông cùng lúc nên tôi bảo anh Đạo chờ khi nào thấy thuyền tôi qua hai phần ba sông thì anh bắt đầu qua”.

Khi thuyền ông Tám Lê Thanh qua được bờ bên kia, quay lại thì thấy đoàn thuyền gồm ba chiếc của ông Đạo đã qua hơn nửa sông. Đúng lúc này thì ba tàu Mỹ không nổ máy đang thả trôi trên sông bật đèn sáng. Ông kể: “Vừa thấy thuyền của anh Đạo, súng máy trên tàu bắt đầu xả... Chúng tập trung tất cả hỏa lực vào chiếc thuyền đang loay hoay giữa dòng. Lửa đỏ cháy rực cả khúc sông Vàm Cỏ. Một lúc sau máy bay địch cũng tới, bật đèn rọi bắn rocket và đại liên tự động dọc theo hai bờ sông vào mấy chiếc thuyền giữa dòng...”.

Tin dữ bay về, Trung ương Cục đã cho lực lượng bí mật tìm kiếm dọc bờ sông nhiều ngày liền nhưng không tìm được gì... Đó là tất cả chi tiết cuối cùng mà bà Minh Vân biết về cái chết của cha mình.

Rồi những ngày cuối tháng 4-2010, tại trung tâm Vietnam Archive, bà mừng rỡ khi tìm được tài liệu hải trình xác nhận những thông tin về trận chiến cuối cùng của cha và đồng đội trên sông Vàm Cỏ. Hải trình của hải quân Mỹ ghi vào tháng 12-1969:

“... Lực lượng tuần tra sông (PBR) thuộc sư đoàn hải quân RIVDIV 552 phục kích tại một địa điểm mà Việt cộng hay qua lại trên sông Vàm Cỏ, cách khu Trà Cừ khoảng 14,4km về phía tây nam. Lúc 19g44 ngày 14-12 phát hiện thuyền địch và bị một thuyền địch bắn khi đang vượt sông từ bờ tây sang bờ đông. Khi khu vực được rọi sáng, phát hiện thêm ba tàu cùng với chín Việt cộng bơi dưới nước.

Khi các lực lượng nã đạn vào tàu và Việt cộng dưới nước, họ bị bắn trả bằng đạn B-40 và súng tự động từ bờ tây và đạn tự động từ bờ đông. Vị trí hỏa lực của địch mở rộng trong phạm vi 75m dọc bờ sông. Thuyền chủ lực PBR bị dính 2-3 phát đạn B-40 khiến đội trưởng bị bắn văng sang một bên và làm bị thương ba thành viên thủy thủ đoàn.

Thuyền bị thương mất phương hướng và bắt đầu bốc cháy. Trong khi đó các thuyền yểm hộ tiếp tục lĩnh đạn B-40 và súng tự động với khoảng ít nhất 12 phát rocket. Đến lúc này viện binh gồm pháo, các lực lượng hải quân trực thăng Seawolf, Black Ponies, lính lục quân và lực lượng không quân chiến lược TACAIR cùng đến hợp lực.

Lúc 19g52, phát hiện thêm sáu lính Việt cộng và ba tàu chiến tiếp tục nhả đạn. Lúc 22g02, lực lượng phóng hỏa Zippo và tàu cứu hộ CSB tới chiếc PBR để dập lửa. Quân đội và các lực lượng thủy đảm bảo an ninh qua hết đêm. Tới buổi sáng, các lực lượng tìm thấy hai tàu địch dính đầy đạn M-60. Một chiếc có súng AK-47, bảy viên pháo 75mm và vết máu tươi.

Lực lượng cứu hộ đánh giá chiếc tàu PBR chìm dính ít nhất bốn phát pháo 75mm, thân tàu đã chìm xuống sông. Số lính Mỹ bị thương là bốn người (một bị thương nặng) và một tàu PBR bị phá hủy...”.

Vậy là đã rõ. Cha bà đã chiến đấu tới hơi thở cuối cùng. Trong suốt ba năm cuối bà có viết thư nhiều cho cha mà thư không đến được với ông. Bạn bè ông kể rằng chỉ hai ngày trước khi mất, ông nhận được vài lá thư của con gái Minh Vân trong đó có một lá thư dài tới bảy trang. Ông chưa kịp đọc hết những lá thư của con thì đã hi sinh trên dòng sông Vàm Cỏ...

“Cuộc chiến” của con

Năm 1971, hai năm sau khi ông mất, một lá thư của ông gửi từ chiến trường về đã tới tay con gái Minh Vân, khi cô đang học năm thứ 2 đại học.

Cô khóc thật nhiều, đọc mà tưởng như cha đang còn đâu đó cạnh mình: “Biết tin con đã học xong trung học và vào được trường đại học, ba má rất mừng. Trước kia ba và má chỉ ao ước được học đến trung học mà không có điều kiện... Ba vẫn hi vọng con gái ba sẽ đi học thêm đàn piano để sau này khi có điều kiện đất nước thống nhất, gia đình ta sum họp thì trong nhà sẽ có tiếng đàn vang lên và đó là điều ba ao ước ở con...”.

Chiến tranh và cuộc vật lộn mưu sinh thời điểm ấy đã khiến người con chưa bao giờ thực hiện ước muốn được nghe đàn của cha mình...

“Tôi đã mất mát rất nhiều từ các cuộc chiến. Cuộc chiến chống Pháp lấy mất đi của tôi người mẹ, kháng chiến chống Mỹ thì bốn chị em tôi mất người cha. Thật sự lúc đầu tôi chỉ nghĩ nếu tôi biết người lính nào đã sát hại cha tôi, tôi sẵn sàng trả thù”. Tháng 4-2010, 35 năm sau chiến tranh, bà Vân nói với Maxner tại trung tâm Vietnam Archive một cách đầy cảm xúc.

Thật ra sự hòa giải trong tâm hồn không đến nhanh chóng như lý thuyết. Với bà Minh Vân, nó chỉ đến dần dần sau hàng trăm chuyến đi, hàng trăm câu chuyện chiến tranh mà bà đã lắng nghe từ các đồng đội của cha, từ các cựu binh cả Mỹ và Việt. Mỗi câu chuyện, sự mất mát, đau thương khốc liệt... khiến lòng bà chùng lại.

Ông Jim Reckner - người sáng lập Vietnam Archive, nơi đang lưu giữ Nhật ký Đặng Thùy Trâm và hàng chục triệu trang tư liệu về cuộc chiến - tâm sự với bà: “Tôi trước từng là cựu chiến binh tại VN nhưng sau chiến tranh tôi nghĩ tất cả nên cởi mở tấm lòng. Trung tâm của tôi không mang hơi hướng chính trị mà chỉ là những lưu giữ rất trung thực cho mọi người, dù là phía này hay phía kia, đến tìm hiểu về cuộc chiến”. Thật lạ là bà có thể nghe những lời nói ấy từ chính đối phương của cha bà ngày xưa.

Bà từng nói với những người đại diện Vietnam Archive mà như nói với chính mình: “Dần thì tôi cũng bình tâm lại và hiểu rằng đó là chiến tranh và ai ở hai phía đều có những mất mát. Tôi đã bốn lần tới khu tưởng niệm Bức Tường ở Washington DC và lần nào nhìn vào danh sách những người lính chết trận, nhìn tuổi của họ tôi vẫn luôn tự hỏi: “Tại sao vô lý vậy? Tại sao những người trẻ này phải đến một đất nước xa xôi đến thế bắn giết để rồi phải tử trận...”.

Hơn 30 năm tìm kiếm, cuối cùng bà đã nhận diện rõ hình ảnh người cha đáng kính của mình. Sứ mạng, lời hứa với chính mình bà gần như hoàn thành khi tóc bạc trắng. Phần còn lại là một trải nghiệm khác thuộc về tương lai: nhắn nhủ với mọi người rằng đừng bao giờ để chiến tranh xảy ra lần nữa!

___________________

Khởi đăng: Sơn La trước khi “núi biến thành hồ”

Ngày 8-5, tại công trình thủy điện Sơn La, những khối bêtông khổng lồ sẽ đổ xuống chặn đứng dòng sông Đà. Đây là cột mốc chuẩn bị cho tổ máy đầu tiên của nhà máy thủy điện lớn nhất Đông Nam Á vận hành cuối năm 2010. Tuổi Trẻ trở lại lòng hồ Sơn La vào những ngày cuối cùng khi “núi sẽ biến thành hồ”...

THANH TUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên