11/04/2016 08:25 GMT+7

Câu chuyện hòa bình: Những “cầu nối” văn hóa Việt - Nhật

QUỲNH NGUYỄN
QUỲNH NGUYỄN

TTO - Từ kỹ sư Hoàng Minh Hiệp đến MC Maiko Bikkey Mizubayashi và nghệ sĩ Oguri Kumiko, những người tham gia Câu chuyện hòa bình 4 tại Tokyo thật sự là những “cầu nối” văn hóa Việt - Nhật.

Oguri Kumiko

 

Maiko Bikkey Mizubayashi chính là MC tiếng Nhật cho Câu chuyện hòa bình số 4. “Thật hạnh phúc và bất ngờ khi tôi được mời vào vị trí này.

Tôi không phải là một MC chuyên nghiệp nên rất hồi hộp và lo lắng nhưng tôi tin những trải nghiệm của tôi tại Việt Nam trong nhiều năm, tình yêu của tôi dành cho đất nước và con người Việt Nam và cả với báo Tuổi Trẻ nữa (Maiko từng được giới thiệu trên Tuổi Trẻ trong số báo ngày 2-1-2011 - PV) sẽ giúp tôi hoàn thành nhiệm vụ.

Tôi cũng tin tưởng chương trình sẽ thành công tốt đẹp khi phần dẫn của tôi còn có sự hỗ trợ từ MC tiếng Việt Hoàng Thảo của Đài truyền hình VN” - Maiko thổ lộ.

Cô gái Nhật này đến Việt Nam lần đầu theo chương trình Tàu thanh niên Đông Nam Á SSEAYP 2008. Để rồi từ đó, cô quyết định quay lại Việt Nam lập nghiệp trong sự ngỡ ngàng của nhiều người thân, bè bạn ngay khi vừa tốt nghiệp đại học.

Công việc mà Maiko chọn là quản lý du lịch cho các công ty du lịch chuyên giới thiệu tour Việt Nam cho khách Nhật và gắn bó với nó cho đến tận hôm nay.

Cô cũng là gương mặt xuất hiện trên clip cuối của Câu chuyện hòa bìnhsố 3 vừa diễn ra hôm 20-3 tại Hà Nội, hát một đoạn ca khúc Tình yêu hòa bình bằng tiếng Nhật để gợi mở cho chương trình Câu chuyện hòa bình số 4 sẽ diễn ra tại Nhật sắp tới.

Một cô gái Nhật khác yêu say đắm Việt Nam là Oguri Kumiko. Mẹ của Oguri từng là ca sĩ, giảng viên thanh nhạc tại Đại học Âm nhạc Kunitachi, nên từ 3 tuổi Kumiko đã bắt đầu học đàn piano với mẹ.

Năng khiếu âm nhạc và đam mê các loại nhạc cụ khiến cô bé ngày càng tò mò muốn khám phá cả một thế giới âm nhạc rộng lớn xung quanh. Chơi kèn trombone và trở thành thành viên của câu lạc bộ âm nhạc tại trường cấp III, vài năm sau cô lại chuyển niềm say mê sang cây đàn marimba và vẫn đang là thành viên Hiệp hội marimba “Những ngôi sao phương Bắc” của Nhật Bản.

Dẫu vậy, tim Oguri Kumiko như thót lại khi lần đầu thấy và chạm vào cây đàn T’rưng của Việt Nam trong một chuyến du lịch của năm đầu đại học. Để rồi từ đó, cô đã quay lại Việt Nam nhiều lần để học đàn T’rưng và cả tiếng Việt.

Bảo vệ thành công luận án thạc sĩ với đề tài “Tìm hiểu văn hóa Việt Nam qua nhạc cụ dân tộc cổ truyền”, hình ảnh Oguri gần như gắn liền với cây đàn T’rưng và tà áo dài Việt Nam trong các buổi diễn của mình. Dáng vẻ yểu điệu của Oguri rất dễ nhận ra trong các cuộc giao lưu văn hóa Nhật - Việt tại Nhật Bản nhiều năm qua nên cũng dễ hiểu khi Oguri hiện diện trong chương trình Cánh hoa hòa bình.

“Chọn bản nhạc Trở về Tây nguyên, tôi muốn khán thính giả nghe và thấy được hết nét đẹp, âm thanh tuyệt vời của cây đàn đặc sắc này. Tôi cũng muốn khán giả Nhật được thấy đàn T’rưng trong đúng cái nôi của nó là vùng Tây nguyên của Việt Nam đẹp tươi” - cô gái Nhật bộc bạch.

Hoàng Minh Hiệp

Kỹ sư Hoàng Minh Hiệp, là cựu học sinh Trường chuyên Lê Hồng Phong, từng có thời học sinh ca hát rất sôi nổi cùng đàn em đồng môn, ca sĩ Hà Anh Tuấn. Sau này khi qua Nhật học, Minh Hiệp vẫn nuôi giữ niềm đam mê ca hát bằng cách tham gia ban nhạc trong trường và sau là công ty mình làm việc.

Cuối tuần, anh cũng thường hát ở các sự kiện, trong đó có những dịp hát lễ tết tại lãnh sự quán (ở Osaka), nhờ đó được giới thiệu hát quốc ca cho Kirin Challenge Cup 2011 trận Việt Nam - Nhật Bản ở SVĐ Kobe.

Và những gì Hiệp làm cho đam mê của mình còn nhiều hơn thế.Tham gia Câu chuyện hòa bình, chẳng hạn. Ngoài việc biểu diễn, Hoàng Minh Hiệp còn đứng ra kết nối với các đối tác phía Nhật cho ban tổ chức. Hiệp cũng tìm kiếm và giới thiệu đến ban tổ chức nguồn ca khúc tiếng Nhật phù hợp với chủ để của chương trình.

Dù chỉ rảnh sau 19g các ngày trong tuần nhưng Hiệp vẫn đeo bám công việc hậu cần giúp ban tổ chức hơn một tháng qua với lý do: “Là chương trình giao lưu văn hóa Việt - Nhật, lại khơi gợi được lòng yêu nước, yêu hòa bình trong bối cảnh thế giới có quá nhiều bạo động chiến tranh nên Câu chuyện hòa bình thật sự mang một ý nghĩa lớn lao. Và tôi thấy vinh dự khi được là một phần trong đó”.

Minh Hiệp tham gia dịch song ngữ bốn ca khúc gần như là “chủ lực” của chương trình là Sekai ni hitotsu dake no hana - Hãy là đóa hoa duy nhất, Genki wo dashite - Hãy vui lên, Tự nguyện và ca khúc chủ đề Tình yêu hòa bình. Riêng bài Genki wo dashite là một bài hit của Nhật với giai điệu đẹp và nhẹ nhàng.

Tuy ca khúc nhắn nhủ rằng hãy tìm niềm vui trong những nỗi buồn về... tình yêu, nhưng trong khi đang chọn một ca khúc cho chương trình có đề tài về hòa bình, giai điệu ca khúc này lại ngẫu nhiên dội về cùng với hình ảnh những đứa bé bị thương tật vì đạp phải bom hay mất cha mẹ vì chiến tranh khiến Hiệp quyết định viết lại lời Việt cho ca khúc này. Rằng: “Đêm nằm chú bé mơ mình được đến lớp, trên đường có bạn cõng theo (thật vui). Đêm nằm cô bé mơ cha về trong nắng, cha nắm tay cùng em đón ngày mới về...”.

Đồng hành cùng chương trình Câu chuyện hòa bình số 4 - Cánh hoa hòa bình - diễn ra lúc 19g ngày 14-4 tại Tokyo International Forum Hall C, Tokyo, Nhật Bản - là Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, Công ty tư vấn kinh doanh hội nhập toàn cầu GIBC, báo Mainichi, Công ty Tempo Primo, Tổ chức VYSA cùng các nhà tài trợ VietinBank, Yến sào Khánh Hòa, Suntory Pepsico, Công ty Thái Bình và Vietnam Airlines.

Câu chuyện hòa bình số 4 - Cánh hoa hòa bình có sự tham gia của các ca sĩ: Hồng Nhung, Tấn Minh, Đoan Trang, Hà Anh Tuấn, Phương Linh, Uyên Linh, Hoàng Quyên, nhóm Oplus, Hải Triều, Minh Hiệp, Oguri Kumiko, nhóm Arabesque... Toàn bộ chương trình sẽ được Đài truyền hình Việt Nam quay hình và phát sóng lại trên VTV.

Chương trình nghệ thuật Câu chuyện hòa bình số 4 - Cánh hoa hòa bình sẽ lần đầu giới thiệu những người bạn Nhật, nghệ sĩ Việt sống tại Nhật.
QUỲNH NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên