Ông Nguyễn Thanh Bình - chủ tịch UBND tỉnh An Giang khảo sát việc thi công cầu Châu Đốc và tuyến N1 kết nối vùng từ Đồng Tháp, An Giang và Kiên Giang - Ảnh: BỬU ĐẤU
Trước đó, ngày 28-3, UBND tỉnh An Giang tổ chức lễ khởi công xây dựng cầu Châu Đốc thuộc dự án xây dựng tuyến đường liên kết vùng (N1) đoạn từ thị xã Tân Châu đến TP Châu Đốc, kết nối với tỉnh Kiên Giang và Đồng Tháp với tổng mức đầu tư trên 2.130 tỉ đồng.
Dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp tỉnh An Giang làm chủ đầu tư, thời gian thực hiện là bốn năm. Đây là công trình giao thông cấp I với tổng chiều dài tuyến gần 21km, trong đó tuyến chính dài hơn 17km với điểm đầu tại nút giao với đường tỉnh 954, phường Long Sơn (thị xã Tân Châu) và điểm cuối tại nút giao với quốc lộ 91, phường Vĩnh Mỹ, TP Châu Đốc. Riêng công trình cầu Châu Đốc có tổng mức đầu tư dự kiến hơn 500 tỉ đồng.
Công trình cầu Châu Đốc là một dấu ấn quan trọng, kết nối thông thương với cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương. Khi dự án hoàn thành sẽ kết nối theo trục ngang các tỉnh Tây Nam Bộ nằm trên trục biên giới Long An, Đồng Tháp, An Giang và Kiên Giang. Hiện nay, công trình cầu Châu Đốc và tuyến N1 đang được các nhà thầu tập trung nỗ lực để thi công nhanh, theo đúng tiến độ kế hoạch đề ra.
Công nhân đang thi công cầu Châu Đốc - Ảnh: BỬU ĐẤU
Sống bên cạnh dòng sông Hậu cả đời người, ông Nguyễn Văn Thành, ngụ phường Vĩnh Mỹ, TP Châu Đốc - cho biết việc khởi công xây dựng cầu Châu Đốc đã đáp ứng nguyện vọng của hàng ngàn người dân Tân Châu và Châu Đốc.
"Cầu Châu Đốc là mong ước mấy chục năm nay của bà con Châu Đốc - Tân Châu. Bà con Châu Đốc đi Tân Châu sẽ không còn lụy phà nữa, vận chuyển hàng hóa sẽ thông thương và phát triển kinh tế biên giới nhanh hơn nhiều. Tôi tin rằng, sắp tới sẽ có nhiều doanh nghiệp về đầu tư ở Tân Châu, vì đường đã thông", ông Thành nói.
Còn ông Nguyễn Đắc Tài - cựu bí thư thị xã Tân Châu - cho hay cầu Châu Đốc là niềm mơ ước hàng chục năm nay của cán bộ và nhân dân Tân Châu để kết nối liên vùng phát triển kinh tế cho đất cù lao Tân Châu.
"Tuy nhiên, niềm vui chưa trọn vẹn, vì cầu Tân Châu - Hồng Ngự (Đồng Tháp) vẫn chưa được thực hiện. Nếu Chính phủ tạo điều kiện giúp An Giang xây dựng thêm cầu Tân Châu - Hồng Ngự thì chắc chắn kinh tế vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ phát triển vượt bậc, doanh nghiệp cũng đổ về đầu tư nhiều hơn ở biên giới này", ông Tài nói.
Ông Nguyễn Ngọc Vệ - chủ tịch UBND thị xã Tân Châu - cho rằng Tân Châu là thị xã biên giới và cù lao, các tuyến giao thông huyết mạch, quan trọng nhưng các đường này còn hẹp, cầu phà liên tục bị tắc nghẽn và gặp nhiều khó khăn...
Sau khi dự án được khởi công, địa phương đã lập và điều chỉnh quy hoạch để mời gọi các doanh nghiệp. Đơn vị đã làm việc và mời gọi một số doanh nghiệp đến tìm hiểu đầu tư như: tập đoàn Novaland; Liên hiệp Hợp tác xã Việt Nam; tập đoàn Sao Mai An Giang…
"Dự án đường N1 và cầu Châu Đốc rất quan trọng để giúp cho thị xã Tân Châu phát triển về mọi mặt. Sau khi dự án hoàn thành sẽ phá thế phụ thuộc vào phà và giới hạn tải trọng hàng hóa vận chuyển bằng đường bộ. Tạo điều kiện thuận lợi cho thị xã mời gọi đầu tư các dự án trên địa bàn", ông Vệ nói.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online ông Trần Anh Thư - phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang - khẳng định TP Châu Đốc - Tân Châu - Tịnh Biên là nơi giao thoa giữa hai hành lang kinh tế. Để phát triển được ở những nơi giao thoa này phải xây dựng hạ tầng giao thông đồng bộ để thu hút các nhà đầu tư. Hiện nay, An Giang đang có cầu Châu Đốc, N1, tỉnh lộ 947 và 945 là điều kiện quan trọng đề kết nối liên vùng với Đồng Tháp và Kiên Giang.
"Hiện nay đường cao tốc đã phê duyệt, cầu Châu Đốc đang làm và cảng ở khu vực đang bắt tay vào làm. Như vậy, các tỉnh sẽ cho cơ chế, chính sách để thu hút nhà đầu tư chiến lượt vào. Đối với các dự án không thuộc an ninh quốc phòng thì tỉnh sẽ cho doanh nghiệp tự thỏa thuận với người dân. Tôi tin có cầu Châu Đốc sẽ bứt phá phát triển kinh tế vùng biên mạnh hơn", ông Thư chia sẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận