07/09/2024 08:08 GMT+7

Cật lực chuẩn bị ứng phó bão số 3

Theo ông Hoàng Phúc Lâm - phó giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, lúc 22h đêm 6-9, một nửa vùng tâm bão số 3 đã xuống vịnh Bắc Bộ. Thời điểm này bão giảm từ cấp 15 xuống cấp 14, giật cấp 17.

Cật lực chuẩn bị ứng phó bão số 3 - Ảnh 1.

Ảnh chụp tại thành phố Hải Khẩu, tỉnh Hải Nam (Trung Quốc) khi siêu bão Yagi đổ bộ vào ngày 6-9, mang theo mưa lớn và gió mạnh - Ảnh: TÂN HOA XÃ

Như vậy sau khi vào đảo Hải Nam bão đã giảm 2 cấp và không còn là siêu bão.

Lúc 22h vị trí tâm bão cách Quảng Ninh khoảng 300km. Với tốc độ di chuyển 15-20km/h, theo hướng tây và Tây Tây Bắc, khu vực Móng Cái (Quảng Ninh) là nơi đón gió mạnh đầu tiên (cấp 6) từ 1-4h sáng 7-9.

Bão rất mạnh, gây mưa lớn tập trung

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cảnh báo khu vực trọng tâm chịu tác động gió mạnh trên đất liền là Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình với sức gió cấp 10 đến cấp 12, giật cấp 14. Sức gió này tàn phá rất lớn làm đổ cây cối, nhà cửa không kiên cố.

Do vậy, ông Mai Văn Khiêm - giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia - lưu ý trong phòng chống thiên tai cần sẵn sàng ứng phó với cấp độ cao hơn mức gió dự báo để đảm bảo an toàn các công trình.

Với Hà Nội, ông Khiêm nhận định bão số 3 có thể gây gió mạnh cấp 6 - 7, giật cấp 8. Hà Nội cũng là khu vực trọng tâm của mưa bão, liên tục và nhiều hơn trong ngày và đêm 7-9.

Ngoài gió mạnh, dự báo từ đêm 6 đến sáng 7-9 ở Bắc Bộ và Thanh Hóa xuất hiện mưa lớn 100 - 300mm, có nơi 500mm. Trọng tâm mưa lớn tập trung trong ngày và đêm 7-9 tại Đông Bắc Bộ, từ ngày 7 đến đêm 8-9 tại Tây Bắc Bộ.

"Hình thế mưa do bão nhiệt đới thường diễn ra tập trung nên lượng mưa 200 - 300mm xảy ra trong thời gian ngắn làm ảnh hưởng khả năng thoát nước của các công trình, dễ gây ngập úng tại đô thị" - ông Khiêm lưu ý.

Bên cạnh đó, khi mưa do bão mở rộng ra khu vực trung du và miền núi phía Bắc sẽ gây nguy cơ lũ quét, sạt lở đất tại các khu vực xung yếu. Theo ông Khiêm, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất không chỉ xảy ra trong mà kéo dài sau khi bão qua một hai ngày nên phải rất cảnh giác.

Cật lực chuẩn bị ứng phó bão số 3 - Ảnh 2.

Lực lượng chức năng tuần tra về việc cấm biển tại vùng biển Quảng Ninh - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Quảng Ninh: toàn bộ tàu cá, tàu du lịch đã neo đậu nơi an toàn

Ngày 6-9, người dân Quảng Ninh tiếp tục chằng chéo gia cố nhà cửa, cắt tỉa và chống đỡ cây cối... trước khi bão đổ bộ vào hôm nay (7-9).

Tại thành phố Hạ Long, từ sáng sớm, nhân viên công ty cây xanh đi dọc đường bao biển Trần Quốc Nghiễn để đóng cọc, gia cố các cây xanh có nguy cơ bị gió bão quật đổ. Các hàng quán ở gần ven biển cũng đã bắt đầu dọn dẹp, gia cố để chắc chắn an toàn.

Tại huyện Vân Đồn, nhiều nhà cấp 4 và nhà xưởng lợp mái fibro xi măng ở gần ven biển cũng được gia cố bằng cách chèn các bao tải cát lên mái. Ông Nguyễn Thanh Tùng (công nhân Công ty nước mắm Cái Rồng) cho biết trước dự báo bão số 3 đổ bộ vào Quảng Ninh, công ty đã triển khai cho cán bộ, nhân viên thực hiện công tác chằng chéo nhà xưởng, bể chứa nước mắm.

"Từ chiều 5-9, chúng tôi thực hiện việc cho cát vào các bao tải để xếp lên mái nhà, cùng với đó dùng những thanh xốp bịt kín những khe hở để tránh gió lùa vào gây tốc mái. Đến sáng nay, chúng tôi đã thực hiện xong việc chằng chéo, gia cố nhà cửa trước khi bão đổ bộ" - ông Tùng nói.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy cho biết đã phân công từng thành viên trong thường trực Tỉnh ủy, Ban thường vụ Tỉnh ủy và lãnh đạo tỉnh phụ trách xuống từng địa phương để chỉ đạo trực tiếp công tác ứng phó với bão.

Theo ông Huy, đến chiều 6-9, hơn 5.000 tàu cá, trong đó có 257 tàu cá xa bờ, đều đã vào các nơi neo đậu, tránh trú bão an toàn. Đối với các lồng bè nuôi trồng thủy hải sản, tỉnh đã yêu cầu khoảng 3.000 người về bờ tránh trú. Đến 16h chiều 6-9, những trường hợp không về bờ bị cưỡng chế. Đối với tàu du lịch đều đã về các âu tàu ở Hạ Long, Vân Đồn và Cẩm Phả neo đậu, hiện không còn khách du lịch trên các đảo. Còn các tàu hàng đều đã được đưa vào các vị trí an toàn.

Đại tá Khúc Thành Dư, chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Ninh, cho biết trước dự báo bão lớn đổ bộ vào các tuyến đảo thì việc chỉ huy, chỉ đạo và chi viện hiệp đồng rất khó khăn nên quân đội đã kiểm tra, chỉ đạo các địa phương chuẩn bị lực lượng, phương tiện, hậu cần tại chỗ đầy đủ và cụ thể. Ví dụ như các công trình, nhà dân ở gần biển thì lực lượng quân đội cùng người dân đã dọn dẹp, che chắn, chằng bạt để bảo đảm an toàn.

"Chúng tôi cũng dự báo tình huống thông tin liên lạc, viễn thông mất do bão lớn đổ bộ. Do đó, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh đã chỉ đạo lực lượng thông tin liên lạc bảo đảm mạng thông tin quân sự, sóng ngắn và sóng cực ngắn để bất kỳ tình huống nào mà các địa phương bị chia cắt trong đất liền thì vẫn có thể lãnh đạo, chỉ đạo phòng chống bão. Lực lượng vũ trang đã rà soát hết lại lực lượng, phương tiện cao nhất để bảo đảm phòng chống bão, như quân đội đã sẵn sàng xe lội nước trong tình huống chia cắt" - đại tá Dư nói.

Cật lực chuẩn bị ứng phó bão số 3 - Ảnh 3.

Hiện trường cây xanh ngã đè người đi đường làm 1 người chết - Ảnh: NGUYỄN ĐỊNH

Người dân làng chài ven biển cảnh giác cao

Chiều tối 6-9, mưa đã xuất hiện tại nhiều khu vực ven biển ở tỉnh Nam Định và Thái Bình. Ghi nhận của phóng viên Tuổi Trẻ cho thấy người dân địa phương đã hoàn thành xong công việc chằng chống nhà cửa, neo đậu thuyền bè vào nơi tránh trú an toàn trên bờ biển cũng vắng lặng người.

Ông Đặng Văn Tuyển (41 tuổi, thôn Hải Tiền, xã Giao Hải, huyện Giao Thủy, Nam Định) cho biết người dân làng chài ven biển thôn Hải Tiền chủ yếu sinh sống bằng nghề đánh bắt cá, nuôi ngao trên biển.

"Nghe dự báo đây là trận bão lớn nên người dân làng chài rất lo lắng và cảnh giác cao. Không chỉ người dân sống bằng nghề đánh bắt cá biển mà cả những người trông coi ở chòi canh ngao ở khu vực biển cá Giao Hải cũng đã di chuyển vào trong bờ từ nhiều ngày trước", ông Tuyển nói.

UBND huyện Giao Thủy cho biết đến chiều 6-9, 734 tàu với hơn 2.600 lao động ở huyện đã vào nơi tránh trú an toàn. Bên cạnh đó để giảm thiểu thiệt hại cho các đầm nuôi trồng thủy sản, huyện Giao Thủy đã hướng dẫn các hộ dân tranh thủ thu hoạch tôm cá.

Chiều cùng ngày, ông Phạm Đình Nghị (chủ tịch UBND tỉnh Nam Định) và đoàn đã đi kiểm tra thực tế tại tuyến đê kè biển Quất Lâm và khu neo đậu tránh trú bão kết hợp bến cá cửa Hà Lạn (huyện Giao Thủy).

Tại buổi kiểm tra, ông Nghị đã yêu cầu huyện Giao Thủy tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp chủ động ứng phó; tổ chức theo dõi chặt diễn biến của bão, mưa lũ, ngập lụt để chỉ đạo ứng phó kịp thời và phù hợp tình hình cụ thể tại địa phương, bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân.

Là một trong những địa bàn giáp biển của tỉnh Thái Bình, huyện Thái Thụy có 494 phương tiện với 1.797 lao động đang hoạt động trên biển. Tất cả số phương tiện trên đều đã liên lạc được với gia đình, không có phương tiện hoạt động ở vùng nguy hiểm và đã vào bờ tránh trú.

Kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống bão số 3 tại huyện Thái Thụy, ông Ngô Đông Hải, bí thư Tỉnh ủy Thái Bình, yêu cầu huyện Thái Thụy tuyệt đối không được chủ quan, lơ là trong công tác ứng phó với bão.

"Đặc biệt chú trọng đến việc bảo đảm an toàn cho người lao động trên biển, tại các chòi canh ngao, bãi đầm nuôi trồng thủy hải sản. Tuyên truyền bằng nhiều hình thức, lưu ý các hình thức tuyên truyền lưu động, tuyên truyền trực tiếp để người dân nắm được diễn biến bão, không chủ quan trong phòng chống", ông Hải nói.

Duy trì cường độ siêu bão hiếm thấy

Theo thống kê của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, các siêu bão trước đây chủ yếu hình thành ở vùng biển tây bắc Thái Bình Dương. Sau đó bão đi vào Biển Đông và thường giảm cường độ, hiếm khi có bão hình thành siêu bão ngay trên Biển Đông, chẳng hạn cơn bão RAI (bão số 9) vào tháng 12-2021, cơn bão SAOLA (bão số 3) vào cuối tháng 8 đầu tháng tháng 9-2023.

Tuy vậy, bão Yagi (bão số 3) có quá trình mạnh lên rất nhanh, từ cấp 8 thời điểm vào Biển Đông (ngày 2-9), hơn hai ngày sau đã mạnh thêm tới 8 cấp, đạt cấp siêu bão vào ngày 5-9. Theo ông Khiêm, điều này tương đối hiếm gặp. Bão số 3 có thời gian duy trì cường độ siêu bão hơn một ngày là hiếm thấy, chưa có trong danh sách các cơn bão từng xuất hiện ở Biển Đông.

Chưa ảnh hưởng trực tiếp đã có người chết

Từ đêm 5 và ngày 6-9 đã xuất hiện mưa dông tại một số khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, trong đó có Hà Nội. Tuy nhiên, theo ông Mai Văn Khiêm, các trận dông này chưa phải là ảnh hưởng trực tiếp từ bão số 3. Bởi vì trong hoàn lưu bão có nhiều xoắn mây được tổ chức khác nhau. Bão số 3 có hoàn lưu rất rộng, ngoài vùng lõi của bão, phía rìa hay xuất hiện hệ thống mây đối lưu gây các trận mưa dông nói trên.

Hình thế mưa dông này có gió mạnh nhưng các trận mưa rời rạc, không liên tục. Nhưng cường độ gió trong các trận dông lốc này có khi ngang bằng cơn bão, làm đổ cây cối.

"Đến ngày 6-9, bão số 3 chưa ảnh hưởng trực tiếp tới đất liền nước ta nhưng với cường độ mạnh, hoàn lưu rộng đã gây mưa dông, lốc xoáy xuất phát từ các ổ mây dông do hoàn lưu bão. Các ổ mây này gây dông với gió rất mạnh có thể ngang bằng gió bão" - ông Khiêm giải thích.

Chính vì ảnh hưởng này, tại một số địa phương đã có gió rất mạnh làm đổ cây cối. Trong đó, vụ cây phượng đổ trong cơn dông vào khoảng 15h30 ngày 6-9 trên đường Nguyễn Hữu Thọ (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội) đã đè trúng 2 người đi xe máy khiến 1 người chết, 1 người bị thương.

Cật lực chuẩn bị ứng phó bão số 3 - Ảnh 5.Huyện đảo Bạch Long Vĩ đang mưa to, gió rất mạnh

Lúc 7h sáng nay, thông tin từ huyện đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) cho biết hiện tại huyện đảo đang có gió rất mạnh kèm theo mưa lớn do ảnh hưởng từ bão số 3.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên