Một nghiên cứu đột phá mới đây được công bố trên tạp chí The Astrophysical Journal Letters cho thấy mỗi nguyên tử carbon trong cơ thể chúng ta đều có một hành trình kỳ diệu.
Trước khi trở thành một phần của con người, những nguyên tử carbon này không chỉ tồn tại trong các sinh vật sống khác, mà còn trôi nổi trong không gian bao la giữa các vì sao.
Nhóm nghiên cứu do Samantha Garza, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Washington dẫn đầu, đã phát hiện ra rằng các nguyên tử carbon không đơn thuần trôi dạt vô định trong vũ trụ. Chúng là một phần của hệ thống tái chế khổng lồ của thiên hà, giúp duy trì hoạt động của các "nhà máy" tạo sao trong vũ trụ.
Carbon là khối xây dựng cơ bản của sự sống, chiếm khoảng 18% trọng lượng cơ thể con người. Nguyên tố này tạo nên xương sống của tất cả phân tử hữu cơ, bao gồm protein, chất béo, carbohydrate và axit nucleic như DNA. Không có carbon, không một phân tử sống nào có thể tồn tại.
"Hãy tưởng tượng môi trường xung quanh thiên hà như một nhà ga khổng lồ", Garza chia sẻ. "Nó liên tục đẩy vật chất ra ngoài và kéo chúng trở lại. Các nguyên tố nặng do các ngôi sao tạo ra được đẩy ra khỏi thiên hà chủ qua các vụ nổ siêu tân tinh, sau đó có thể được kéo trở lại để tiếp tục chu trình tạo sao và hành tinh".
Quy mô của hệ thống này thực sự đáng kinh ngạc. Sử dụng Kính phổ nguồn gốc vũ trụ trên Kính viễn vọng không gian Hubble, nhóm nghiên cứu đã phát hiện carbon trải dài gần 400.000 năm ánh sáng trong không gian - gấp bốn lần đường kính toàn bộ thiên hà của chúng ta.
"Chính những nguyên tử carbon trong cơ thể chúng ta rất có thể đã dành một thời gian đáng kể bên ngoài thiên hà!", Jessica Werk, giáo sư và chủ nhiệm khoa thiên văn học tại Đại học Washington, đồng tác giả nghiên cứu, nhấn mạnh.
Nghiên cứu này mở ra những hướng đi mới trong việc tìm hiểu sự tiến hóa của các thiên hà. Mỗi khi bạn hít thở, bạn đang hít vào những nguyên tử carbon có thể đã từng là một phần của hệ thống tái chế vũ trụ khổng lồ này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận