Rừng đang là nơi hấp thụ và lưu giữ carbon ở thân, cành, dưới đất (ảnh chụp tại rừng nguyên sinh ở Phia Oắc, Cao Bằng) - Ảnh: NAM TRẦN
Ngày 14-5, Tuổi Trẻ đã có cuộc trao đổi với ông Tăng Thế Cường - cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên - môi trường) - về lộ trình triển khai thị trường carbon của Việt Nam.
Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp
* Thưa ông, lộ trình phát triển thị trường carbon trong nước đang được triển khai ra sao?
- Lộ trình có hai giai đoạn, từ nay đến năm 2027 sẽ tập trung xây dựng quy định quản lý tín chỉ carbon, hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính. Xây dựng quy chế vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon, triển khai thí điểm cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong các lĩnh vực tiềm năng, hướng dẫn thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon.
Thành lập và tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon kể từ năm 2025, dự kiến cho một số lĩnh vực có các doanh nghiệp gây phát thải lớn như thép, xi măng, nhiệt điện… Triển khai các hoạt động tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức về phát triển thị trường carbon.
Giai đoạn hai sẽ tổ chức vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon chính thức trong năm 2028. Đồng thời quy định các hoạt động kết nối, trao đổi tín chỉ carbon trong nước với thị trường carbon khu vực và thế giới.
* Hiểu thế nào cho đúng về mua bán tín chỉ carbon?
- Trước hết phải nói về định giá carbon bao gồm thuế carbon, thị trường carbon và cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon. Đến nay đã có 46 quốc gia và 35 vùng lãnh thổ đã áp dụng định giá carbon với sự tham gia của hàng chục ngàn tập đoàn, doanh nghiệp lớn. Nguồn thu năm 2020 lên khoảng 50 tỉ USD và đặc biệt đã quản lý được khoảng 13 tỉ tấn CO2, tương đương khoảng 23% tổng phát thải toàn cầu.
Song, mục tiêu lớn nhất của định giá carbon và thiết lập thị trường carbon nhằm giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu và đạt được các mục tiêu phát triển bền vững khác.
Tín chỉ carbon là chứng nhận hay đại diện cho quyền phát thải ra 1 tấn CO2 hoặc 1 tấn CO2 tương đương (quy đổi từ tấn khí nhà kính khác sang tấn khí CO2), gắn liền với giá trị giảm hay đền bù cho lượng khí nhà kính phát thải.
Tín chỉ carbon là một loại mặt hàng mới được tạo ra khi thực hiện các hoạt động cắt giảm phát thải hoặc hấp thụ khí nhà kính trong quá trình thực hiện, được theo dõi và giao dịch giống như các loại hàng hóa khác, do đó trao đổi tín chỉ carbon còn được gọi là thị trường carbon.
Thông qua thị trường carbon có thể tăng cường giảm phát thải khí nhà kính với chi phí của doanh nghiệp và xã hội thấp, thúc đẩy phát triển công nghệ phát thải thấp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Quảng Nam địa phương được chọn thí điểm bán tín chỉ carbon rừng. Trong ảnh một khu rừng ở huyện miền núi Nam Trà My - Ảnh: LÊ TRUNG
Cơ hội lớn
* Người dân, doanh nghiệp phát thải, nhà nước được hưởng lợi ra sao, giá trị kinh tế thế nào khi thị trường này sôi động?
- Với sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới trong giai đoạn 2015-2020 Việt Nam đã tham gia chương trình chuẩn bị sẵn sàng cho xây dựng thị trường carbon (gọi tắt PMR).
Hiện Việt Nam đang tham gia chương trình sẵn sàng thực hiện thị trường carbon cho giai đoạn từ nay đến năm 2030. Chúng ta sẽ hoàn thiện thể chế, triển khai thí điểm một số lĩnh vực để sau năm 2027 sẽ vận hành được thị trường carbon trong nước.
Hàng hóa thị trường carbon trong nước chủ yếu là hạn ngạch phát thải khí nhà kính được phân bổ cho các cơ sở phát thải khí nhà kính lớn và một phần tín chỉ carbon từ các dự án thuộc các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon.
Các chủ rừng được khuyến khích tham gia xây dựng và triển khai các chương trình, dự án thuộc các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon để thu được tín chỉ carbon và bán cho các doanh nghiệp cho nhu cầu sử dụng bù đắp cho lượng phát thải vượt quá hạn ngạch được giao cũng như bán trên thị trường carbon quốc tế.
Trong thời gian qua, các doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng tốt cơ hội và thu được nhiều lợi ích trong thực hiện các cơ chế khi nhận được hơn 15.000 tỉ đồng thông qua bán tín chỉ carbon từ các dự án cơ chế phát triển sạch (CDM) và gần 35 triệu USD hỗ trợ cho các dự án cơ chế tín chỉ chung (JCM) để áp dụng các công nghệ, sản phẩm, hệ thống, dịch vụ carbon thấp tiên tiến của Nhật Bản.
Trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên - môi trường cùng các bộ, ngành liên quan phải chuẩn bị cho việc vận hành thị trường carbon. Điều quan trọng là hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước có cơ hội triển khai các chương trình, dự án giảm nhẹ phát thải khí nhà kính tạo tín chỉ carbon để tham gia thị trường.
Đồng thời góp phần đạt được mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính mà Việt Nam đã cam kết với quốc tế.
Khi nào Việt Nam xuất khẩu carbon?
Theo đại diện Bộ Tài nguyên - môi trường, đến năm 2028 sẽ vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon chính thức để kết nối, trao đổi tín chỉ carbon trong nước với thị trường carbon khu vực và thế giới.
Trên thực tế Việt Nam đã triển khai thực hiện nhiều cơ chế tạo tín chỉ như cơ chế phát triển sạch (CDM), cơ chế tín chỉ chung (JCM) trong khuôn khổ hợp tác về tăng trưởng carbon thấp giữa Nhật Bản và Việt Nam.
Đã có gần 300 chương trình, dự án CDM được Liên Hiệp Quốc cho đăng ký và triển khai tại Việt Nam, có 14 dự án theo cơ chế JCM hợp tác với Nhật Bản.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận