18/12/2016 22:50 GMT+7

​Cấp cứu trong tâm lũ dữ

MAI VINH
MAI VINH

TTO - “Trời ơi, tìm cách nào đưa xuồng vô đi, nước chảy dữ quá không đưa ông già ra được. Chắc là đau ruột thừa. Đợi nữa chắc chết người ta”. Cả kíp trực cứu hộ bên bờ sông Côn khựng lại mấy giây khi tiếp nhận thông tin này.

Cháu Trương Nguyễn Hoàng Huy (5 tuổi) được Lực lượng PCCC&CNCH tỉnh Bình Định đưa lên ca nô chở vào Trung tâm y tế huyện Tuy Phước tỉnh Bình Định điều trị - Ảnh: M.Vinh
Cháu Trương Nguyễn Hoàng Huy (5 tuổi) được Lực lượng PCCC&CNCH tỉnh Bình Định đưa lên ca nô chở vào Trung tâm y tế huyện Tuy Phước tỉnh Bình Định điều trị - Ảnh: M.Vinh

Lúc này, nước ngập phong toả hết tất cả các con đường dẫn vào các xã Phước Thuận, Phước Nghĩa, Phước Thắng... huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Gió lớn làm nước đồng dậy sóng như nước sông.

“Tổ 3 ngưng chuyển hàng cứu trợ, tập trung đưa người đi cấp cứu, thôn Đông Điền - Phước Thắng”, ông Hồ Văn Thuỷ, Phó chỉ huy trưởng huyện đội Tuy Phước, nói như hét vào điện thoại để bạt đi tiếng gió ù ù.

Chiếc ca nô chở người bệnh vừa trờ tới, xe Chiến Thắng (một loại xe tải) đợi sẵn trên đường xâm xấp nước để chở bệnh nhân thẳng lên trung tâm y tế huyện.

Đẻ rớt xuống nước

Ông Thuỷ bảo: “Ca này dễ, cũng gần chỗ đang trực nên ứng cứu nhanh chứ còn ở xa hơn nữa chắc khó cứu lắm. Càng gần ra phía biển càng khó cứu, vì nước chảy siết. Nói gì thì nói chứ cứ nghe cấp cứu là phải tìm đủ cách để đi vào. Đồ ăn tiếp tế chậm cũng được nhưng cứu người không được chậm chút nào hết. Cần kíp nhất là đưa người đi đẻ với người bị tai biến”.

Thời điểm đỉnh lũ cao nhất là ngày 16-12. Ngày này, lực lượng cứu hộ ở huyện Tuy Phước cứu được gia đình chị Hồ Thị Mỹ Hận (sinh năm 1990, xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước) bị lật sõng (thuyền nhỏ chuyên dùng đi câu, chăn vịt).

Trên sõng, ngoài chị Hận còn có 3 người gồm mẹ ruột, chồng và anh chồng. Cả nhà đang đưa chị lên Phòng khám đa khoa khu vực Phước Hoà vì chị đang chuyển dạ.

Bà Hồ Thị Bảy (sinh năm 1961, mẹ chị Hận) kể: “Con Hận nó đau bụng từng đợt từ sáng sớm rồi, nấn ná đợi nước rút rồi đưa đi nhưng mưa càng lúc càng to. Đến chiều cả nhà đánh liều bỏ nó lên sõng rồi chèo đi. Nước đồng mà có sóng nên sõng chao đi chao lại. Ai cũng run bắt chết. Nhìn thấy được cọc tiêu ở đường lớn thì sõng lật úp. Tui chới với uống nước rồi không biết gì hết”.

Anh Nguyễn Kim Quang, Trợ lý quân lực (Huyện đội Tuy Phước), là người lái ca nô tham gia cứu người kể, anh mới vừa đưa một ca chuyển dạ được chỉ định phải mổ lên bệnh viện huyện. Trên đường quay về thì gặp sõng bị lật. 

“Lúc này chị Hận tím tái, thở không nổi, mẹ chị cũng vậy, ngạt nước hết rồi. Anh em sơ cứu mãi chị mới tỉnh dậy. Lạ thiệt, tỉnh xong chị kêu tới ngồi tựa cọc tiêu cho đỡ mệt. Tui mới quay mặt đi thì nghe tiếng trẻ con khóc rồi”. 

Những người trong xóm chạy ra, có người biết đỡ đẻ mang theo kéo cắt rốn. Chiếc ca nô đang làm nhiệm vụ ngay lập tức thành “xe” cứu thương đưa mẹ con chị Hận đến điểm cấp cứu. Chỗ đường ngập thì đi ca nô, chỗ đường ít ngập thì dùng xe tải chở. Cứ chuyển qua chuyển lại 5 lần cho đến khi chị Hận được bác sĩ chăm sóc tại phòng khám.

Bác sĩ Nguyễn Mỹ Huy, Phòng khám đa khoa khu vực Phước Hoà, cho biết: “Chỉ cần tới trễ chừng 30 phút nữa thôi, tôi không biết mẹ con sẽ thế nào đây. Mẹ con chị ấy yếu lắm rồi”. 

Chị Hồ Thị Mỹ Hận đã mạnh khoẻ cùng con gái mới sinh. Hiện chị đang được chăm sóc ở Phòng khám đa khoa khu vực Phước Hoà (huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định) - Ảnh: M.Vinh
Chị Hồ Thị Mỹ Hận đã mạnh khoẻ cùng con gái mới sinh. Hiện chị đang được chăm sóc ở Phòng khám đa khoa khu vực Phước Hoà (huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định) - Ảnh: M.Vinh

Cứu người trước, cứu đói sau

Ghi nhận nhanh của Cơ quan quân sự tỉnh Bình Định, Lực lượng PCCC&CNCH tỉnh Bình Định, có hơn 20 trường hợp được cấp cứu tại chỗ ngay trên những xuồng cứu hộ trước khi chuyển đến các cơ sở y tế. Các trường hợp này đều đã trở bệnh nặng, tai biến, hoặc có dấu hiệu sắp sinh mà cần hỗ trợ của bệnh viện không thể nấn ná chờ nước rút.

Chị Nguyễn Thị Mỹ Huy (1986, quê Phước Hoà) hiện đang được chăm sóc tại Bệnh viện huyện Tuy Phước cùng với con trai mới sinh nặng hơn 3 kg. Chị bảo: “Ở trạm xá xem rồi bảo em phải sinh mổ và phải lên bệnh viện huyện. Nhìn từ trạm xá mưa trắng trời, nước đã dâng lên qua nửa chân giường nên em sợ quá”.

Chồng chị Huy đi mượn sõng, lấy áo mưa lót đẩy lên huyện. Chị Huy bảo chị sợ lắm nhưng không còn cách nào khác. Chồng chị Huy thì lội nước đẩy sõng, bảo đi được tới đâu hay tới đó. Lò dò đẩy đi được vài chục thước thì sõng bị nước tạt vào cọc tiêu đường.

Chị Huy bảo: “Tôi sợ quá khóc um lên. Vừa lúc đó tiếng ca nô tới”. Ca nô đưa chị Huy lên đến bệnh viện huyện thì chị đã vỡ ối. Ông Thuỷ là người tham gia cấp cứu ca này bảo: “Sản phụ đau đẻ kêu la, người nhà nóng ruột nên chửi um lên. Tụi tôi vừa tức mà lo cho người ta nên bấm bụng bấm dạ cầu trời đi sao cho thiệt nhanh. Cấp cứu trên ca nô lòng dạ rối như canh hẹ”.

Cháu Trương Nguyễn Hoàng Huy (5 tuổi) sốt cao nhưng bị kẹt trong vùng lũ dữ nhất là thôn Đông Điền (xã Phước Thắng, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định). Anh Trương Trọng Hiếu, bố cháu Huy, bảo cháu sốt “phỏng tay”. Người quen cho số của lực lượng cứu hộ.

Đầu dây bên kia nói: “Không vô được đâu, anh biết nước nôi rồi đó, nặng không?”. “Tôi nghe buồn quá nên tắt máy, chưa kịp bỏ máy thì đầu dây bên kia gọi lại hỏi han từng xíu rồi hướng dẫn hạ sốt. Sáng sớm hôm sau thì lực lượng cứu hộ vào nhà đưa con tôi lẫn tôi cùng lên bệnh viện”, anh Hiếu xúc động.

Ông Trần Ngọc Thanh, Giám đốc Lực lượng PCCC&CNCH tỉnh Bình Định, bảo: “Cứu đói là nhiệm vụ thường xuyên lúc này nhưng nhận được tin cấp cứu là phải ưu tiên hàng đầu. Phương tiện tại chỗ không đảm bảo an toàn cho lực lượng cứu hộ và người cần được cứu thì phải đề xuất ngay để từ cấp tỉnh hỗ trợ phương tiện ngay”.

Ông Thanh cho biết, ngoài những phương tiện đang hoạt động làm nhiệm vụ ở các điểm đã định trước thì rất nhiều phương tiện dự phòng của nhiều đơn vị khắp nơi được chuyển về rốn lũ Tuy Phước để ứng phó khi cần.

Thượng tá Nguyễn Văn Dư, Chỉ huy trưởng Huyện đội Tuy Phước, tham gia nhiều ca cấp cứu trong lũ ngậm ngùi: “Có nhiều lúc nghe người này người kia bị nước cuốn mà tội, phải chi hồi đó mình đi tuần qua. Thiệt tình chứ, sợ nhất là những ca nằm quá sâu trong vùng lũ, vào thì khó bảo toàn tính mạng cho anh em, mà không vào thì tội người bệnh. Đành phải nhờ bác sĩ hướng dẫn qua điện thoại cách tự cấp cứu trước rồi mình canh gió nhẹ xuống hoặc nước lui chút là ứng cứu ngay”.

MAI VINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên