Phẫu thuật ngay tại nhà bệnh nhânPhẫu thuật tại nhà bệnh nhân
Phóng to |
Ca mổ tại nhà bệnh nhân ở Vũ Thư, Thái Bình ngày 4-12 - Ảnh do ThS Lê Hải Dương cung cấp |
Đồng nghiệp của ThS Lê Hải Dương ở Thái Bình cũng từng có ca cấp cứu như vậy để cứu sống bệnh nhân tại nhà. Những ca cấp cứu đặc biệt này giúp cứu sống bệnh nhân đang nguy cấp, không thể vận chuyển đến cơ sở y tế cấp cứu.
Khi bệnh nhân không thể di chuyển
Đề nghị khen thưởng kíp phẫu thuật ở Thái Bình Ngày 5-12, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã có văn bản gửi Sở Y tế Thái Bình, ĐH Y Thái Bình hoan nghênh tinh thần làm việc hết lòng vì bệnh nhân của kíp phẫu thuật do ThS Lê Hải Dương (ĐH Y Thái Bình) làm trưởng kíp. Đồng thời đề nghị Sở Y tế Thái Bình, ĐH Y Thái Bình khen thưởng kíp phẫu thuật... |
Một ngày sau ca phẫu thuật cứu một phụ nữ nghi có thai ngoài tử cung đang ở tình trạng sốc mất máu, ThS Lê Hải Dương cho biết ngoài ca mổ hôm 4-12, ông từng có một bệnh nhân tương tự ở Thái Thụy, Thái Bình năm 2012.
Đặc điểm chung của những bệnh nhân là chảy máu liên tục, không thể vận chuyển đến cơ sở y tế và cần kíp cấp cứu tại chỗ.
“Cách đây hai năm, đồng nghiệp của tôi ở Bệnh viện Phụ sản Thái Bình cũng gặp một bệnh nhân tương tự. Bệnh nhân này sống ở Hà Nội, về quê ở Thái Bình ăn tết, đúng mồng 2 tết thì bị nhau bong non, chảy máu nhiều và cần cấp cứu gấp. Kíp phẫu thuật đến nhà bệnh nhân và mượn chiếc bàn bên nhà hàng xóm, dùng dây kéo qua bancông đưa bàn vào phòng tầng hai, nơi bệnh nhân đang nằm để phẫu thuật, mà không thể đưa bàn qua đường cầu thang vì cầu thang quá hẹp” - ThS Dương chia sẻ.
Với sản khoa, các bệnh lý như băng huyết, rau bong non, có thai ngoài tử cung... là những bệnh lý hay gặp, nhiều tình huống sẽ nguy hại đến bệnh nhân nếu phải vận chuyển đến cơ sở y tế để cấp cứu. Trong đó, trường hợp mới nhất được phẫu thuật tại nhà hôm 4-12 khi các bác sĩ tiếp cận bệnh nhân đã ở trong tình trạng lơ mơ, huyết áp và mạch tụt thấp, chảy máu liên tục mất khoảng 3 lít máu, không thể vận chuyển đến cơ sở y tế.
“Có lẽ điều kiện địa lý của tỉnh Thái Bình là dễ di chuyển giữa các địa bàn, khiến các kíp cấp cứu và Trung tâm vận chuyển cấp cứu 115 có mối liên hệ tốt. Mỗi khi có ca khó, bệnh nặng khó vận chuyển thì trung tâm sẽ thông báo cho các kíp cấp cứu. Trong điều kiện di chuyển 1-2 giờ có thể tiếp cận bệnh nhân thì bệnh nhân sẽ được cứu sống, nhất là với sản khoa do phần lớn bệnh nhân đều khỏe mạnh trước tai biến, không có các bệnh lý khác kèm theo” - ThS Dương cho biết.
Theo ông Lương Ngọc Khuê - cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), “hiện mỗi bệnh viện đều có kíp cấp cứu ngoại viện. Trong nhiều tình huống cần cấp cứu, đặc biệt là tại các sự kiện lớn như SEA Games, hội nghị APEC, ASEM hay tình huống cháy nổ, thảm họa đều cần sự có mặt của các kíp cấp cứu ngoại viện này”.
Tuy nhiên làm sao để các kíp cấp cứu ngoại viện và Trung tâm vận chuyển cấp cứu có sự liên thông như trường hợp ở Thái Bình, và có sự sàng lọc, chẩn đoán ban đầu tốt để Trung tâm vận chuyển cấp cứu gọi chi viện đúng chuyên khoa thì rất cần có bàn tay điều phối của ngành y tế.
“Ước mơ của ngành cấp cứu”
Cấp cứu tại nhà để cứu sống bệnh nhân, trong các trường hợp tối cần thiết khó vận chuyển bệnh nhân là ước mơ của ngành cấp cứu. Đây là ý kiến của GS Phạm Gia Khải, phó trưởng Ban chăm sóc và bảo vệ sức khỏe T.Ư, nguyên viện trưởng Viện Tim mạch quốc gia.
Theo GS Khải, ở Mỹ mỗi khi khẩn cấp, người bệnh gọi đến trung tâm y tế thì trung tâm sẽ trao đổi ngay với người bệnh về tình huống họ gặp phải, hướng dẫn người bệnh các biện pháp sơ cứu tại nhà, bởi nếu chờ đợi nhân viên y tế đến nơi thì tính mạng bệnh nhân có thể nguy kịch. Theo GS Khải, các trường hợp bệnh nhân phỏng, đuối nước, sốc, nhồi máu cơ tim... đều cần cấp cứu tại chỗ trước khi vận chuyển đến cơ sở y tế.
“Sơ cứu tại nhà là rất quan trọng, nếu cứ chờ bệnh viện có khi là muộn quá rồi” - GS Khải cho biết. Tuy nhiên, theo GS Khải, nguy cơ nhiễm trùng do khu phẫu thuật không đảm bảo vô trùng hay thiếu thiết bị chẩn đoán có thể là trở ngại với cấp cứu tại nhà. “Trong nhiều điều kiện phẫu thuật tại chỗ kết quả không đảm bảo bằng ở bệnh viện. Tuy nhiên các kíp cán bộ có đủ chuyên môn để đánh giá sẽ phân loại chỉ sơ cứu rồi vận chuyển đến bệnh viện hay điều trị tại chỗ” - GS Khải cho biết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận