Đây là biểu hiện của tình trạng rối loạn nhịp tim, thường liên quan đến chế độ ăn uống và sinh hoạt trong những ngày nghỉ lễ.
Loạn nhịp tim thường gặp gồm nhịp nhanh xoang, nhịp nhanh kịch phát trên thất, cơn rung nhĩ kịch phát và cuồng nhĩ.
Bình thường, nhịp tim duy trì từ 60 - 90 nhịp/phút đều đặn do nút xoang là nút chủ nhịp điều khiển. Khi bị loạn nhịp tim, điển hình là rung nhĩ, nhịp tim có thể dao động từ 140 - 160 nhịp/phút, có khi lên tới 200 nhịp/phút.
Lúc này cơ tâm nhĩ co bóp không hiệu quả và có cảm giác chỉ "rung". Tình trạng này có thể xảy ra vào bất kỳ thời điểm nào trong năm, nhưng thường gia tăng vào dịp cuối năm - dịp mỗi người thường có những bữa ăn thịnh soạn và tiêu thụ nhiều rượu bia, đặc biệt ở những người có tiền sử bệnh tim mạch từ trước.
Tuy nhiên, ngay cả những người trẻ tuổi, khỏe mạnh khi gặp tình trạng này cũng có thể gây biến chứng nguy hiểm như rối loạn huyết động, đột quỵ, thậm chí ngừng tim và tử vong.
7 dấu hiệu thường gặp
Cảm giác hồi hộp đánh trống ngực (cảm giác tim đập lúc nhanh, lúc chậm, lúc mạnh, lúc hẫng nhịp), ngay cả lúc bạn nghỉ ngơi. Mỗi cơn kéo dài vài phút, sau đó tự hết và quay trở lại.
Cảm giác hụt hơi kèm khó thở ngay cả lúc nghỉ hoặc khi bạn làm một vài hoạt động nhỏ.
Đổ mồ hôi lạnh.
Cảm giác mệt mỏi bất thường mà không có lý do.
Đau tức hoặc khó chịu vùng ngực (cảm giác bị đè ép hoặc đầy lên…) kéo dài vài phút sau đó tự hết.
Cảm giác hoa mắt, chóng mặt đột ngột khiến bạn sắp ngất xỉu hoặc ngã quỵ.
Trường hợp loạn nhịp tim nặng, có thể gây rối loạn huyết động hay hình thành cục máu đông sẽ dẫn đến ngừng tim hoặc đột quỵ não (méo miệng, liệt tay chân…).
Nguyên nhân là sự kết hợp của nhiều yếu tố
- Lạm dụng rượu: Nhiều nghiên cứu cho thấy uống quá nhiều rượu gây độc cho tế bào cơ tim, làm suy yếu khả năng co bóp của tim và tăng nguy cơ rối loạn nhịp.
Nguyên nhân là do rượu gây kích thích hệ thần kinh giao cảm khiến nhịp tim tăng lên; tăng nồng độ axit béo tự do trong máu; rối loạn các chất điện giải như kali, natri, magie và thay đổi hoạt động điện của các kênh ở màng tế bào cơ tim.
Ngoài ra, khi uống rượu say sẽ gây rối loạn nhịp thở khi ngủ (hội chứng ngưng thở khi ngủ) đều làm tăng nguy cơ gây loạn nhịp tim. Trường hợp uống rượu ở mức độ thấp hoặc vừa phải trong thời gian dài cũng làm tăng nguy cơ bị rung nhĩ do rượu tham gia vào quá trình tái cấu trúc và chức năng tâm nhĩ (do làm giãn nở và xơ hóa tâm nhĩ).
Đối với người Việt Nam, theo quy định của Bộ Y tế năm 2020, 1 đơn vị cồn ≈ ¾ lon bia 330ml (5%), hoặc một ly rượu vang 100ml (13,5%), hoặc một ly nhỏ/chén nhỏ rượu mạnh 40ml (30%), hoặc 1 cốc bia 330ml (4%).
Uống rượu ở mức độ nào cũng gây nguy hại cho sức khỏe. Trong trường hợp bắt buộc phải sử dụng, khuyến cáo uống không quá 2 đơn vị cồn/ngày ở nam giới và 1 đơn vị cồn/ngày ở nữ giới và không quá 5 ngày 1 tuần.
Nghiên cứu cho thấy khi uống trên 5 ly/lần sẽ khiến rung nhĩ dễ xảy ra hơn. Uống rượu từ mức độ trung bình đến nặng là yếu tố nguy cơ mạnh nhất để tiến triển từ rung nhĩ kịch phát thành rung nhĩ dai dẳng.
- Caffeine: Vào dịp lễ, nhiều người có thói quen sau khi ăn uống sẽ cùng nhau uống cà phê và trò chuyện. Mặc dù cà phê được cho là không ảnh hưởng đến nhịp tim và có tác dụng bảo vệ sức khỏe tim mạch, tuy nhiên với một số người nhạy cảm, caffeine có thể gây mất nước, dẫn đến tăng nhịp tim và gây khó chịu cho người dùng.
Ngoài ra, một nghiên cứu mới trên chuột hồi tháng 7-2023 trên tạp chí Heart Rhythm O2 cho thấy việc tiêu thụ đồng thời caffeine và uống rượu say làm tăng nguy cơ bị nhịp nhanh thất tự phát - một dạng rối loạn nhịp thất rất nguy hiểm, có thể gây đột tử nhanh chóng.
- Chế độ ăn quá nhiều chất béo và thừa muối: Trong dịp lễ Tết, các món ăn nhiều muối như dưa muối, hành muối…, hay các món nhiều chất béo, đồ chiên, xào có thể khiến huyết áp tăng cao. Ở những người có tiền sử tăng huyết áp, bệnh van tim và suy tim, điều này làm giãn các buồng nhĩ và gây rung nhĩ.
Ngoài ra còn do các yếu tố khác như tâm lý căng thẳng, mệt mỏi do thay đổi nhịp điệu sinh hoạt trong những ngày nghỉ lễ cùng với sự thay đổi thời tiết (thời tiết giá lạnh đột ngột hoặc hanh khô nắng nóng) khiến cơ thể bị stress, làm gia tăng các hormon căng thẳng như cortisol, catecholamine… dẫn đến tăng nhịp tim và tăng gánh nặng cho tim.
Xử trí thế nào nếu loạn nhịp tim?
Khi đang trong cuộc nhậu hoặc sau khi say, mà xuất hiện các triệu chứng như trên và không có dấu hiệu thuyên giảm, thì bạn cần nhanh chóng nhập viện (nhiều người có tâm lý cố gắng chịu đựng hoặc đợi sau kỳ nghỉ mới nhập viện).
Hầu hết các trường hợp nhẹ, người bệnh khỏe mạnh, không có bệnh lý tim trước đó, thì bệnh sẽ khỏi sau 24 giờ và sau khi được bác sĩ điều chỉnh nhịp tim bằng thuốc và thải trừ rượu.
Tuy nhiên, trong trường hợp loạn nhịp tim nặng, kéo dài sau 24 giờ hoặc gây rối loạn huyết động thì bác sĩ phải sử dụng máy sốc điện để đưa nhịp tim trở về bình thường, sau đó sử dụng thuốc ổn định nhịp tim và hướng dẫn theo dõi. Trường hợp nguy hiểm nhất, có thể gây ngừng tim hoặc đột quỵ do hình thành cục máu đông.
Để phòng ngừa tình trạng trên và có dịp nghỉ lễ an toàn, nên hạn chế tối đa việc sử dụng rượu bia. Những người có tiền sử loạn nhịp tim hoặc bệnh tim mạch khác phải dừng tuyệt đối.
Lựa chọn loại rượu có nguồn gốc rõ ràng, kiểm soát lượng rượu uống. Ăn một vài món ăn nhẹ trước khi uống rượu.
Tránh uống rượu kết hợp với caffeine.
Hạn chế ăn các đồ ăn mặn, đồ ăn chiên rán.
Cố gắng duy trì nhịp độ sinh học của cơ thể gồm ăn uống, nghỉ ngơi, tập luyện theo giờ giấc giúp cơ thể tránh bị căng thẳng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận