20/10/2021 11:10 GMT+7

Căng thẳng quan hệ Nga - NATO: Không 'già néo', vẫn 'đứt dây'

HẢI MINH
HẢI MINH

TTO - Những động thái đáp trả qua lại giữa Nga và NATO những ngày gần đây dù gây chú ý song có lẽ không làm ai bất ngờ, sau hàng loạt trục trặc trong quan hệ song phương những năm qua.

Căng thẳng quan hệ Nga - NATO: Không già néo, vẫn đứt dây - Ảnh 1.

Apphich cuộc tập trận chung “Người bảo vệ châu Âu 2021” giữa Mỹ, NATO và Albania vào tháng 5-2021 - Ảnh: exit.al

Ngày 18-10, Nga tuyên bố đã đóng cửa phái bộ liên lạc của liên minh quân sự Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Matxcơva và đình chỉ hoạt động của cơ quan đại diện Nga tại NATO. Tuyên bố đưa ra sau khi NATO trục xuất 8 thành viên của phái bộ Nga tại tổ chức này với cáo buộc làm gián điệp vào tuần trước.

Hai phía đã chẳng thật sự trao đổi gì nhiều - chắc chắn ở mức hoạt động thực tế thì không. Và tất nhiên, do Nga không cho thấy dấu hiệu gì họ sẽ sớm rút khỏi Crimea - vốn là điều kiện của NATO để trở lại quan hệ bình thường, tình thế này có vẻ sẽ còn kéo dài.

Cựu quan chức cấp cao NATO Jamie Shea nói với đài Đức DW

Bế tắc

Trước tiên, phải nhắc lại lần dự Hội nghị thượng đỉnh NATO đầu tiên với tư cách tổng thống Mỹ của ông Joe Biden vào tháng 7 năm nay tại Geneva, Thụy Sĩ. Khi đó, ông Biden tuyên bố đảo ngược chính sách "nước Mỹ trên hết" của người tiền nhiệm Donald Trump để tái khẳng định "những cam kết mạnh mẽ của Mỹ với quan hệ xuyên Đại Tây Dương".

Ông cũng hứa hẹn Washington sẽ ủng hộ các đồng minh NATO trước "những thách thức mới". Ông Biden không ngại nói thẳng: "Tôi nghĩ có sự thừa nhận gia tăng trong vài năm qua rằng chúng ta đang có những thách thức mới. Và chúng ta có một nước Nga không hành động nhất quán với những gì chúng ta hy vọng, cũng như Trung Quốc".

Quan hệ châu Âu - Mỹ và Nga, một phần thể hiện qua quan hệ NATO - Nga, chưa bao giờ là sự đồng thuận tuyệt đối và dễ dàng, nhất là trong thời ông Trump. Người tiền nhiệm của ông Biden đòi các đồng minh châu Âu phải "trả đúng, trả đủ" khoản đóng góp quân sự cho NATO nếu muốn tiếp tục được đảm bảo an ninh.

Ngay cả khi ông Biden tìm cách sửa sai, lợi ích của châu Âu và Mỹ khi đối phó với Nga không phải lúc nào cũng trùng khớp. Điển hình như vụ Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2) đưa khí đốt từ Nga sang thẳng EU không qua Ukraine, trong khi Mỹ phản đối thì Đức và nhiều nước châu Âu khác ủng hộ, và nay đã sắp khánh thành.

Tuy nhiên, thời gian qua có nhiều dấu hiệu cho thấy hai bờ Đại Tây Dương đã xích lại gần nhau hơn. Cũng ở Hội nghị thượng đỉnh NATO nói trên, Thủ tướng Đức Angela Merkel xác nhận: "Những vấn đề trên nghị trình hôm nay khiến tất cả chúng ta quan ngại. Trước hết là thách thức mà chúng ta đang đối mặt: nước Nga".

Tiếp đó là vấn đề các nước Balkan gia nhập EU. Mới hôm 11-10 diễn ra Hội nghị thượng đỉnh EU - Tây Balkan, khi Slovenia, hiện giữ ghế chủ tịch EU, hối thúc khối này sớm kết nạp Bosnia và Herzegovina, Serbia, Kosovo, Montenegro, Bắc Macedonia và Albania, nếu không muốn các nước này ngả vào vòng tay Nga.

Nói cho ngay, việc Nga phản đối NATO mở rộng là hợp lý, khi tổ chức quân sự này không chỉ không chịu giải thể sau chiến tranh lạnh mà còn ngày một mở rộng và giờ đã ở sát nách nước Nga với thành viên mới nhất là Bắc Macedonia được kết nạp tháng 3-2020.

Rồi còn vấn đề giá khí đốt tăng mạnh thời gian qua có nguy cơ làm một số nước EU khốn đốn, khi Nga vẫn là nước cung cấp hơn 40% nhu cầu khí đốt nhập khẩu của EU (2019).

"Giá nhiên liệu tăng có những gốc rễ địa chính trị sâu xa - Cao ủy Ngoại giao EU Josep Borrell nói trên politico.eu vào ngày 18-10 - Đó là một phần của cuộc chiến địa chính trị".

Đã quá hiểu nhau

Tất cả giải thích cho những tiếng bấc tiếng chì mới nhất. "Bởi những động thái cố tình của NATO, chúng tôi thấy thực tế chẳng còn điều kiện gì cho các công tác ngoại giao sơ đẳng nhất, và đáp lại điều đó, chúng tôi sẽ đình chỉ hoạt động của phái bộ thường trực tại NATO" - Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nói.

Ông Lavrov cũng cho rằng "NATO chẳng màng tới thương lượng ngang bằng hay hợp tác (với Nga)". Theo ông, vì giờ quan hệ song phương coi như đã chấm dứt, NATO có thể liên hệ với Nga qua đại sứ quán nước này ở Brussels.

Người phó của ông Lavrov, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko, có vẻ đã biết trước tình hình khi ông phát biểu vào đầu tháng này với Đài Nga RIA Novosti: "Lãnh đạo NATO nói tới tầm quan trọng của việc xuống thang căng thẳng trong quan hệ với Nga, kêu gọi nối lại đối thoại trong Hội đồng Nga - NATO, cử đại sứ tới Brussels. Nếu trước kia từng có người tin sự thành thật của những tuyên bố đó thì hiện giờ không còn ai".

Phương Tây có vẻ cũng đã lường trước phản ứng của Nga, khi câu trả lời từ NATO chỉ ở mức gần giống một cái nhún vai. Cựu quan chức cấp cao NATO Jamie Shea nói với Đài Đức DW: "Tất nhiên sẽ dễ hơn nếu có người (đại diện của Nga) ở Brussels mà họ (NATO) có thể trao đổi. Nhưng bởi tình hình quan hệ xấu như hiện giờ, cũng chẳng có khác biệt gì mấy".

Quan hệ hợp tác thực tế Nga - NATO bị đình chỉ từ năm 2014, khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea, trong khi Hội đồng Nga - NATO, thành lập năm 2002, họp lần gần đây nhất là vào năm 2017.

Nga ngừng hoạt động phái bộ nước này tại NATO từ ngày 1-11 Nga ngừng hoạt động phái bộ nước này tại NATO từ ngày 1-11

TTO - Ngày 18-10, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov thông báo phái bộ ngoại giao nước này tại NATO sẽ ngừng hoạt động từ ngày 1-11, sau khi NATO trục xuất 8 thành viên phái bộ Nga. Nga cũng cho biết phái bộ quân sự của NATO tại Matxcơva phải tạm dừng.

HẢI MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên