Thông tin về lãi suất, tỉ giá... càng rõ ràng sẽ giúp doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư dài hạn. Trong ảnh: Công ty CP nhựa Sao Việt (Vĩnh Long) sản xuất linh kiện ôtô - Ảnh: Đình Dân |
Theo GS.TS Trần Ngọc Thơ - trưởng khoa tài chính ĐH Kinh tế TP.HCM, trong bối cảnh kinh tế có những diễn biến khác thường như giá dầu giảm, lạm phát thấp... cơ quan chức năng cần có những thông tin mang tính định hướng để giúp doanh nghiệp, người dân có cơ sở tính toán làm ăn.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, GS Thơ nói:
- Theo tôi, giá dầu giảm sâu và lạm phát thấp dù tích cực nhưng vẫn là một cú sốc. Cú sốc này ngược lại với cú sốc tiêu cực do lạm phát cao của năm 2008 và thắt chặt tiền tệ năm 2010.
Cả hai cú sốc dù ngược nhau nhưng cùng làm mọi người bỡ ngỡ, không biết sau đó diễn ra chuyện gì và mình cần phải làm gì. Câu hỏi đó càng khó hơn khi giá dầu giảm và lạm phát thấp đang tiếp sức đà phục hồi kinh tế đã manh nha từ nhiều tháng trước, mở ra nhiều cơ hội kinh doanh.
Vấn đề là công chúng cần có đủ thông tin để tận dụng cơ hội này. Ai cũng hỏi lãi suất tiết kiệm còn giảm nữa hay những năm sau lãi suất vay có tăng trở lại. Không có câu trả lời, tất cả đều phản ứng như nhau: co cụm, phòng thủ.
Trước diễn biến phức tạp của giá dầu, lạm phát, Chính phủ đã bàn nhiều lần, đưa ra các kịch bản cho nền kinh tế. Điều quan trọng là các thông tin này cần phải được chuyển tải đến công chúng để họ chuẩn bị cho mình những kịch bản nhằm khai thác được cơ hội, thay vì đứng ngoài hoặc nhảy vào thị trường không đúng lúc, dẫn đến thất bại.
* Theo ông, thông tin nào cần nhất cho mọi người?
- Khi ra làm ăn, doanh nhân phải nắm nhiều thông tin, hiểu rõ, hiểu sâu thì càng thuận lợi trong làm ăn. Ngoài thông tin pháp luật, thuế, quy hoạch... họ cũng cần thông tin sát sườn về xu hướng của lãi suất, tỉ giá, rồi ngân hàng đang khuyến khích và ưu đãi cho vay ngành nghề nào, hạn chế lĩnh vực nào...
"Thông tin định hướng chính sách tiền tệ ở nước ta tốt nhất cần phải dễ hiểu, đồng thời phải truyền thông tốt để mọi người ai cũng có khả năng hiểu. Điều này cần thiết vì tham gia thị trường không chỉ có doanh nhân mà còn là hàng triệu người gửi tiền ở ngân hàng, người khởi nghiệp" |
Theo tôi, thuế được xem là khá ổn định; riêng lãi suất, tỉ giá, điều kiện vay vốn còn nhiều biến động trong khi vấn đề này lại quyết định sự thành bại của doanh nghiệp.
Như kinh tế hồi phục thì nên đầu tư thế nào cho hợp lý, vay ngân hàng hay gọi vốn cổ phần, nếu vay thì vay ngắn hạn hay trung - dài hạn...
Quyết định thế nào thì mọi người cần biết xu hướng lạm phát, lãi suất, tỉ giá kỳ vọng một vài năm tới ra sao và Nhà nước làm gì để thực hiện các cam kết này.
Không chỉ doanh nhân, từng người dân cũng cần tính toán cho khoản tích lũy của mình. Nhiều gia đình đau đầu khi tiền tiết kiệm cứ teo tóp dần. Có người khuyên gửi dài hạn hơn để có lãi cao hơn. Nhưng họ đâu quên mấy năm trước cũng gửi dài hạn, ai ngờ lãi suất sau đó vọt lên, gửi cả năm không bằng kỳ hạn một tháng.
* Ngân hàng Nhà nước cũng có thông tin định hướng về tỉ giá, lãi suất nhưng có vẻ người dân chưa coi trọng thông tin này?
- Muốn mọi người coi đó là thông tin quan trọng thì trước hết thông tin đó phải rõ ràng và có độ tin cậy cao.
Theo tôi, trong định hướng chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước cần có những thông điệp mạnh mẽ hơn nữa về xu hướng lãi suất thời gian tới. Ngân hàng Nhà nước tuy thời gian qua kiểm soát tốt lạm phát nhưng có lẽ chưa thể lường hết được sự bất thường của lạm phát nên chưa công khai khẳng định xu hướng của lãi suất những năm tới.
Vì vậy để an toàn cho mình, nơi này chỉ nói chung chung “ổn định mặt bằng lãi suất”. Theo tôi, lẽ ra phải rõ ràng là: với mục tiêu lạm phát 5% thì lãi suất tiền gửi dao động 7-8%/năm, lãi suất cho vay 9-10%/năm. Hoặc nếu đó là con số nào khác thì phải giải thích sao cho thuyết phục.
Chính thông tin đưa ra mang tính phòng thủ cho ngành ngân hàng “giữ ổn định mặt bằng lãi suất” mà mọi người phải vất vả đoán già đoán non về xu hướng của lãi suất.
* Để mọi người tin vào các thông tin định hướng, theo ông, phải bắt đầu từ đâu?
- Thông tin định hướng từ Ngân hàng Nhà nước mang tính chủ quan của nhà quản lý nên cần được soi xét trong cuộc sống. Do vậy tuyệt đối không để xảy ra khoảng cách giữa thực tế và lời cam kết, nếu không người dân mất niềm tin vào các cam kết.
Mọi người sẽ hành xử riêng, thậm chí hùa theo tâm lý đám đông rất bất lợi. Cả xã hội là một nền kinh tế hành vi mà không dựa trên bất kỳ quy luật nào cả, thử hỏi điều gì sẽ xảy ra?
Như trước đây nói không tăng tỉ giá nhưng rồi vẫn tăng, thế là người dân chẳng những không tin mà sau đó còn hiểu ngược lại: nói không tăng là sẽ tăng, liền tranh thủ thu gom USD.
Hay gần đây là giảm lãi suất nhưng lãi suất tiền gửi luôn giảm trước, giảm rất sâu, còn lãi suất cho vay lại đủng đỉnh giảm cho có. Ngược lại, khi thắt chặt tiền tệ thì lãi cho vay tăng nhanh trong khi lãi suất tiền gửi chỉ tăng lấy lệ.
Giải quyết chuyện này không thể một sớm một chiều. Trước mắt, Ngân hàng Nhà nước nên xác lập nguyên tắc mọi thứ phải được cam kết, được tuân thủ rõ ràng và rành mạch, cho mọi người hiểu mình nghĩ gì, muốn làm cái gì và làm bằng cách nào.
Chẳng hạn có thể phát đi thông điệp nếu lạm phát giảm (hoặc tăng) 1% thì lãi suất tiền gửi và cho vay phải dao động trong biên độ cụ thể là bao nhiêu. Đồng thời phải làm đến cùng như đã cam kết với những giải pháp mang tính thị trường, còn nếu là giải pháp hành chính thì phải công bố lộ trình thực hiện và kết thúc.
Chí ít cũng phải làm được những điều này mới tạo được niềm tin, khi đó mọi người sẽ lắng tai nghe các thông điệp của cơ quan quản lý thay vì ngờ vực trước các thông tin này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận