Từ vụ em Bùi Đoàn Quang Huy (học sinh lớp 8 Trường THCS Âu Lâu, TP Yên Bái) tự tử sau khi bị một nhóm người đánh, bắt quỳ gối và quay clip tung lên mạng, dư luận đặt câu hỏi: vì đâu chỉ từ mâu thuẫn lứa tuổi học trò lại dẫn đến cái chết đau lòng của em Huy?
Hình phạt quá nhẹ
Theo luật sư Lê Trung Phát, thực tế xét xử hình sự tội làm nhục người khác là không nhiều.
“Cái khó là người bị hại không có chứng cứ đề nghị công an khởi tố vụ án. Công an điều tra dựa trên clip phát tán trên mạng cũng khó xác định nhanh chóng người thực hiện hành vi, nên số lượng lớn các vụ này bị lãng quên” - luật sư Phát nói.
Trong khi đó, thạc sĩ Nguyễn Minh Sơn - Viện KSND cấp cao tại TP.HCM - cho rằng hành vi làm nhục người khác xảy ra ngày càng nhiều nhưng việc xử lý của cơ quan chức năng còn hạn chế. Điều này còn phụ thuộc vào điều 105 Bộ luật TTHS vì tội này chỉ khởi tố khi có yêu cầu của người bị hại. Công an cũng không xử lý hình sự được nếu người bị hại đã rút yêu cầu khởi tố vụ án.
Theo các chuyên gia pháp lý, hiện nay khung hình phạt với tội làm nhục người khác là 2-3 năm tù. Trong vụ việc em Huy, theo thạc sĩ Sơn, hành vi làm nhục em Huy đã gây hậu quả rất nghiêm trọng, nhưng tình tiết “phạm tội đối với trẻ em” và “phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng” (Bộ luật hình sự 1999) chỉ là tình tiết tăng nặng chứ không phải là tình tiết định khung hình phạt.
Điều này cho thấy Bộ luật hình sự 1999 chưa dự đoán được tính nguy hiểm của tội phạm này. Đến nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể thế nào là “xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác” dẫn đến việc vận dụng mỗi nơi mỗi khác.
Điều 155 Bộ luật hình sự 2015 (chưa có hiệu lực thi hành) quy định về tội làm nhục người khác đã khắc phục những nhược điểm trên bằng cách phân cấp ba khung hình phạt. Khung 1 có mức phạt tiền từ 10-30 triệu đồng, hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.
Khung 2 tăng nặng với các tình tiết mới như phạm tội từ hai lần, đối với hai người trở lên, sử dụng công nghệ mạng phạm tội, gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11- 45% sẽ bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Khung 3 bổ sung gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 46% trở lên, làm nạn nhân tự sát sẽ bị phạt tù từ 2-5 năm.
Bài học đau lòng
Dưới góc độ tâm lý, thạc sĩ tâm lý Lan Hải cho rằng vụ việc của em Huy là bài học cho các phụ huynh khi con rơi vào tình huống tương tự.
Đầu tiên, Huy lo sợ vì bị đánh, không tự bảo vệ được bản thân trước nhóm người có hung khí. Tâm lý em không ổn định, uất ức vì từ một người can ngăn ẩu đả giữa anh họ và bạn mình lại trở thành người bị đánh. Em bị bỏ rơi, bất lực, bị tổn thương vì không có sự can ngăn của bạn bè hay trợ giúp từ người đi đường.
Sau đó, Huy bị sang chấn tâm lý, ám ảnh dai dẳng bởi chỉ cần lên mạng, clip quay cảnh mình quỳ gối lại hiện ra.
“Thêm vào đó, cha của em đi làm xa, mẹ chưa tìm ra hướng giải quyết, chưa gặp gia đình học sinh kia trao đổi nên Huy hoàn toàn bế tắc. Từ đó Huy mất phương hướng, sợ hãi và có ý định tự sát” - thạc sĩ Lan Hải phân tích.
Theo thạc sĩ Lan Hải, đôi khi việc muốn tự sát như một “tiếng cầu cứu” chứ không phải thật sự muốn chết.
“Chỉ cần có người bạn tốt ở bên cạnh, gia đình quan tâm hỏi han và đề ra cách giải quyết, thầy cô hỏi thăm, hoặc bác sĩ dặn dò gia đình không để nạn nhân một mình... là có thể ngăn chặn được” - thạc sĩ Lan Hải cho biết.
Còn theo thạc sĩ xã hội học Vũ Thái Hà, không chỉ việc đánh và bắt quỳ gối, việc lan truyền clip làm nhục em Huy là việc làm thiếu ý thức.
“Thay vì gặp gỡ trao đổi, nói chuyện giữa hai phụ huynh hoặc báo với nhà trường, giáo viên để cùng giáo dục thì họ lại hành xử theo kiểu giữa người lớn với nhau mà chưa lường hết được hậu quả của sự việc” - thạc sĩ Hà phân tích.
Thạc sĩ Hà kiến nghị cần đưa môn học về tâm lý trẻ em tới từng cấp học. Duy trì môn giáo dục công dân trong nhà trường ở các cấp học sẽ giúp các em có ý thức đối với cộng đồng, trong cách cư xử với bạn bè, gia đình. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận