Status Việt Nam nói là làm của một thanh niên trên facebook |
Năm 356 trước Công nguyên, đền thờ nữ thần Artemis, một trong 7 kì quan của thế giới cổ đại đã bị đốt cháy bởi một thanh niên muốn trở nên nổi tiếng bằng mọi giá.
Tên này đã bị kết án tử hình sau đó và đã trở thành một điển tích miêu tả những kẻ muốn nổi tiếng bất chấp hậu quả và cái nhìn của xã hội.
Trong cơn bão mạng truyền thông
1. Vào thời đại số, khi mọi người đều có thể tung thông tin lên mạng toàn cầu, số lượng những “kẻ đốt đền” đang tăng lên đột biến.
Không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới, số lượng những người làm việc điên rồ chỉ để được nhắc đến ngày càng nhiều.
Sự phát triển của mạng xã hội ở Mỹ và các nước phương Tây trong thập kỷ 90 và tại Việt Nam từ khoảng năm 2005 đã tạo cơ hội cho thông tin được truyền tải với tốc độ nhanh hơn, gạch bỏ các rào cản về không gian, thời gian. Văn hoá đọc thụt lùi trên quy mô toàn cầu.
Guồng quay của cuộc sống hậu công nghiệp ở nhiều nước phát triển đã sinh ra các sản phẩm truyền thông, giải trí ngày càng đơn giản, dễ hiểu, hình thức hấp dẫn (đơn cử như Gangnam style hay Pinnaple pen) nhưng thiếu chiều sâu và trong nhiều trường hợp là thiếu độ chân thực, chính xác.
Các sản phẩm dạng này dần dần thu hút sự chú ý của những người sử dụng internet nhiều và ngưỡng mộ lối sống và các sản phẩm văn hoá phương Tây.
Các thông tin mang tính chất giật gân (tạm gọi là 4S: sốc, sex, sến, scandal) hoặc kì dị thường được giới truyền thông chú ý và đưa tin và thế là một điệu nhảy kì dị ở Hàn Quốc hay một nhóm nhảy với động tác kì quái ở Mỹ được cả thế giới biết đến sau vài ngày.
Cơn sốt một trò chơi điện tử nào đó cũng dễ dàng lan truyền như vi rút trên toàn cầu.
Mạng xã hội đã len lỏi vào từng lát cắt nhỏ nhất trong cuộc sống của người đô thị tại nhiều nơi trên thế giới có internet.
Với hơn 57 triệu người dùng internet hiện có, (theo thống kê mới nhất) và hơn 30 triệu người đang hàng ngày tiếp nhận thông tin qua các loại mạng xã hội, Việt Nam đang nằm trong xoáy bão thông tin trên mạng xã hội.
2. Các thiết bị điện tử cầm tay đã trở thành nguồn vào internet nhiều nhất tại Việt Nam và việc các thiết bị này có giá ngày càng rẻ đã tạo ra những điều kiện phát thông tin ngày càng dễ dàng.
Một người nông dân trẻ có phong cách ngồ ngộ, một cô gái có thân hình gợi cảm, một kẻ thất thế không có việc gì làm cũng dễ dàng trở thành một giám đốc một kênh truyền hình, một đài phát thanh, một tờ báo, một người có ảnh hưởng.
Chỉ cần có lượng theo dõi lớn trên mạng xã hội là ai đó có khả năng sẽ kiếm được tiền, được ve vuốt cái “TÔI” và sở hữu một “QUYỀN LỰC ÁO”, trong nhiều trường hợp là một “ẢO TƯỞNG VỀ QUYỀN LỰC”.
Khi các con đường dễ dàng để nổi tiếng đã được đi hết, những người muốn nổi tiếng bằng mọi giá sẽ chọn con đường khác bằng cách đánh vào tính hiếu kì của “cư dân mạng”.
Điều này đặc biệt hay xảy ra trong nhóm những người rảnh rỗi, thất bại trong cuộc sống thực, không có nhiều điều để nói, không có tài năng đặc biệt, nhiều người trong lứa tuổi vị thành niên muốn khẳng định mình nhưng không có nhiều sự lựa chọn.
Khi đã có nhiều sự chú ý, ‘‘người trong cuộc’’ sẽ quen dần với niềm vui sướng là trở thành ai đó.
Cảm giác này nguy hiểm như sử dụng ma tuý vì nó gây ảo giác và hoàn toàn có thể gây nghiện. Người đang được tung hô trên mạng sẽ dễ bị trầm cảm, đau buồn khi các status, hình ảnh, video của mình không thu hút được sự chú ý của nhiều người.
3. Câu chuyện trở nên nguy hiểm khi các trường hợp này được báo chí đưa tin, có thể với ý tưởng ban đầu là ngăn chặn cái xấu nhưng vô hình trung lại tiếp tay và kích thích kẻ phát ra thông tin.
Nhiều nghiên cứu tâm lý tội phạm đã chỉ ra rằng việc đưa tin về tội ác, miêu tả tỉ mỉ tội ác thường mang lại một cảm giác thoả mãn cho tội phạm và kích thích tội phạm mới.
Đưa tin về những hành động kì dị, phản cảm này cũng vô tình kích thích sự thoả mãn của những người làm việc đó.
Các lời kêu gọi như sao không dùng câu “Nói là Làm” này để làm những việc có ích cho xã hội, cho đất nước, cho thế giới sẽ không thu hút được sự chú ý của công chúng bởi nó không có tính mới và lạ như các việc kì dị này.
Giải pháp gì?
Về nguồn gốc, những “kẻ gây rối” trên mạng xã hội cần nhất là được đưa tin trên báo chí và được nhiều lượng like – share – tương tác.
Nếu xã hội và cộng đồng tỉnh táo và hiểu rằng mình không xem, không like, không share, không tương tác (kể cả đả kích hay thậm chí chửi rủa) thì “tác phẩm” của những kẻ gây rối này không đạt được mục đích và họ sẽ không làm nữa, những người có ý định tương tự cũng sẽ không làm nữa vì họ “chả được cái gì”.
Nếu không ai đưa tin thì cũng không phát tán thông tin xấu ra xã hội, không đặt các kênh thông tin cạnh tranh với mình vào thế phải đưa tin thì thông tin ấy cũng không lan toả được.
Mất nguồn kích thích, các thông tin giật gân gây rối thế này cũng không có cơ hội được ra đời và lan toả.
Trong rất nhiều trường hợp, các hành động thu hút sự chú ý bằng mọi giá này thường dẫn đến rối loạn trật tự công cộng, đe doạ sự an toàn của người dân và xã hội.
Ngay cả khi kẻ gây rối loạn có thiệt mạng hay thương tật thì điều đó cũng tiêu tốn các nguồn lực của xã hội đáng lẽ phải được dành cho những người xứng đáng hoặc đang cần đến.
Cần trừng phạt nặng vì tội gây rối trật tự công cộng hoặc phá hoại có chủ đích để răn đe những trường hợp có ý định tương tự trong tương lai.
Có một chi tiết đáng chú ý là trong phiên toà kẻ đốt đền Artemis năm 356 trước Công nguyên, các vị nguyên lão Hy Lạp thời đó đã yêu cầu không được nêu tên tội phạm, không để hắn đạt được mục đích là nổi tiếng.
Một vị sử gia thời đó đã “sơ suất” ghi lại và phổ biến tên hắn ta nên hơn 2.000 năm sau người ta vẫn còn nhắc đến tên này.
Mong rằng các cơ quan báo chí và người dùng mạng xã hội có ý thức sẽ nói không với việc tương tác với các sự kiện như thế này để “diệt tận gốc” các hành động gây rối này.
* Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả. Bạn đọc có thể trao đổi về các nội dung trên trong ô bình luận phía dưới bài.
|
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận