11/04/2012 07:48 GMT+7

Cần Thơ tìm giải pháp chống ngập

DƯƠNG THẾ HÙNG - NGỌC PHỤNG thực hiện
DƯƠNG THẾ HÙNG - NGỌC PHỤNG thực hiện

TT - Người dân TP Cần Thơ đang lo lắng bị ngập lụt sau mỗi cơn mưa. Giải pháp nào để chống ngập cũng đang là nỗi đau đầu của các nhà quản lý. Ông Kỷ Quang Vinh, chánh Văn phòng công tác biến đổi khí hậu (CCCO, thuộc UBND TP Cần Thơ), cho biết:

iH12os4o.jpgPhóng to
Nội ô TP Cần Thơ ngập sau cơn mưa ngày 24-3 - Ảnh: Ngọc Phụng

- Tháng 4 là tháng cao điểm mùa khô, thông thường không xảy ra ngập lụt. Tuy nhiên, ngày 24- 3 vừa qua, sau cơn mưa trái mùa với lượng mưa khoảng 15mm trong hơn một giờ đã gây ngập sâu 2-4 tấc trên nhiều tuyến đường chính ở TP Cần Thơ như: Mậu Thân, Trần Hưng Đạo, Hòa Bình, Trần Văn Hoài... Hầu như Q. Ninh Kiều và Q.Bình Thủy đều bị ngập, hàng quán đều ngưng buôn bán, nhà trong hẻm đều bị ngập sâu tới đầu gối. Toàn thành phố có khoảng 30 điểm bị ngập rất đáng lo ngại.

Hiện nay mức độ bêtông hóa ở nội ô khá cao, khả năng thoát nước của hệ thống cống không đáp ứng được yêu cầu. Ngày 24-3, lượng mưa trung bình đã gây ngập như vậy nên khi thủy triều lên hoặc vào mùa mưa lũ, mưa nhiều hơn thì mức độ ngập càng nghiêm trọng hơn. Trong vòng hai năm trở lại đây, nạn ngập lụt đã ảnh hưởng ngày càng xấu đến sinh hoạt và sinh kế của người dân.

* TP đã có nhiều cuộc họp bàn, trong đó có cả kêu gọi nước ngoài tham vấn, hoạch định chiến lược, kế hoạch chống ngập cho TP. Ông có thể cho biết cụ thể là những công việc gì?

- Trong khuôn khổ hoạt động của CCCO, chúng tôi đã phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) thực hiện sáng kiến quản lý lũ lụt bền vững tại Cần Thơ và các vùng phụ cận VN đến năm 2030. Đã có dự án “Xây dựng kế hoạch ứng phó toàn diện cho quản lý rủi ro lũ lụt tổng hợp”, được nhà tư vấn là Công ty SCE (Pháp) thực hiện, dưới sự tài trợ của Chính phủ Úc thông qua WB. Dự án này nhằm xây dựng kế hoạch ứng phó với lũ lụt cho TP Cần Thơ, bao gồm: phân tích đánh giá các nguyên nhân gây ngập lụt và quản lý các rủi ro do ngập lụt tại TP Cần Thơ. Ví dụ như nghiên cứu lượng nước lũ ở thượng nguồn, lượng mưa, mức độ bêtông hóa, hiện trạng của việc bồi lắng và san lấp kênh rạch tự nhiên... Xây dựng kế hoạch tổng hợp để quản lý ngập lụt cho TP Cần Thơ và kêu gọi đầu tư vào các dự án ngăn nước, thoát nước, trữ nước.

Bên cạnh đó là những hoạt động bảo vệ sức khỏe người dân do ảnh hưởng ngập lụt, các tiện ích điện, nước cấp trong điều kiện bão lụt... Đảm bảo thông tin và tham vấn với các bên liên quan, cơ quan chức năng địa phương và cộng đồng dân cư. Việc thông tin này phải được thông suốt, mọi người đều được tham gia ý kiến để soạn thảo và thực hiện kế hoạch.

Ngoài ra, CCCO Cần Thơ cũng đang cùng tổ chức tư vấn ISET (Viện Chuyển đổi môi trường và xã hội) soạn thảo một đề xuất xin tài trợ từ Quỹ Rockefeller (Mỹ) để thực hiện các biện pháp chống ngập dựa vào cộng đồng: nâng nền đường, trồng cây bảo vệ bờ sông, nạo vét kênh mương, hướng dẫn cộng đồng dân cư tự soạn thảo và cùng thực hiện các hương ước bảo vệ môi trường, ngăn cấm các hành động làm bồi lấp và ngăn cản dòng chảy, hạn chế và không sử dụng nước ngầm.

habKD8mo.jpgPhóng to

Ông Kỷ Quang Vinh - Ảnh: Ngọc Phụng

* Các công việc cụ thể như thế nào, thưa ông?

- Khoảng tháng 9 tới dự án sẽ kết thúc, lúc đó sẽ có câu trả lời cần chống ngập ở đâu và như thế nào. Dự án nghiên cứu và đề xuất những biện pháp quản lý một cách tổng hợp các rủi ro do lũ lụt cho TP Cần Thơ (có thể không chỉ là đắp đê hay đào hồ trữ nước mà còn là xử lý rác, nước, xây dựng những khu vực sinh thái, cải tạo nhà ở, cầu cống, đường sá...).

Khi dự án đã nghiên cứu xong, WB sẽ tiếp tục tài trợ những dự án công trình và phi công trình để chống ngập, sau nghiên cứu này sẽ là hàng loạt dự án cụ thể.

* Có ý kiến cho rằng việc chống ngập phải đồng bộ với các tỉnh lân cận như An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Hậu Giang... Ý kiến ông thế nào?

- ĐBSCL là một khu vực mà giữa các địa phương có mối liên hệ mật thiết với nhau trên các mặt thời tiết, khí hậu, chế độ thủy văn, địa hình mặt đất... Do đó, bất cứ hoạt động nào của một địa phương trong khu vực sẽ trực tiếp hoặc gián tiếp ảnh hưởng đến các địa phương khác. Trong ứng phó với ngập lụt và biến đổi khí hậu ở ĐBSCL, cần có sự thống nhất kế hoạch chung cho toàn vùng nhằm tránh những hoạt động của địa phương này gây tổn hại cho địa phương khác, rồi lại mất thời gian và công sức điều chỉnh.

* Việc chống ngập có gặp khó khăn, vướng mắc gì không?

- Khó khăn thứ nhất là đến nay vẫn chưa xác định được đầy đủ và chính xác các nguyên nhân gây ngập. Đây là vấn đề cần nghiên cứu cẩn thận và toàn diện để các biện pháp đề xuất thật sự đáp ứng được yêu cầu chống ngập. Thứ hai là về mặt tổ chức, hiện chưa có cơ quan điều phối cấp vùng cho tới cấp tỉnh, huyện để có các quy định, chính sách hỗ trợ mạnh mẽ cho các hoạt động ứng phó với ngập lụt.

Thứ ba là việc huy động, sử dụng nguồn vốn. Cần huy động thêm nhiều nguồn lực từ cộng đồng, doanh nghiệp, chính phủ, các nhà tài trợ quốc tế. Muốn được như thế cần có những dự án khả thi, hiệu quả, thậm chí có khả năng sinh lợi để thu hút các nhà đầu tư tư nhân.

DƯƠNG THẾ HÙNG - NGỌC PHỤNG thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên