06/12/2018 17:38 GMT+7

Cận thị, nguyên nhân và điều trị

Nguồn: Cổng thông tin Y học Cộng đồng
Nguồn: Cổng thông tin Y học Cộng đồng

Trong cận thị, các đối tượng nhìn gần thì rõ nhưng nhìn xa thì mờ. Cận thị là một rối loạn tập trung của mắt, không phải là một bệnh về mắt.

Cận thị, nguyên nhân và điều trị - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: gotelee.co.uk

Cận thị là một tật khúc xạ, có nghĩa là mắt không điều chỉnh hoặc khúc xạ ánh sáng đúng cách để tập trung vào một vật để cho hình ảnh rõ ràng. Trong cận thị, các đối tượng nhìn gần thì rõ nhưng nhìn xa thì mờ. Cận thị là một rối loạn tập trung của mắt, không phải là một bệnh về mắt.

Cận thị trẻ em

Cận thị là do di truyền và thường được phát hiện ở trẻ em ở độ tuổi từ 8 đến 12 tuổi. Trong những năm thiếu niên, khi cơ thể phát triển nhanh chóng, cận thị có thể tăng nhiều hơn. Trong độ tuổi từ 20 đến 40, thường có rất ít thay đổi. Cận thị cũng có thể xảy ra ở người lớn.

Cận thị nặng

Nếu cận thị nhẹ thì còn được gọi là cận thị thấp. Cận thị nặng được gọi là cận thị cao. Cận thị cao thường sẽ ổn định trong độ tuổi từ 20-30 tuổi. Với cận thị cao, bạn có thể nhìn rõ và dễ dàng khi sử dụng mắt kính, kính áp tròng hoặc đôi khi với phẫu thuật khúc xạ.

Những bệnh nhân bị cận thị có nguy cơ cao phát triển thành bệnh bong võng mạc. Hãy hỏi bác sĩ nhãn khoa của bạn để được tư vấn về những dấu hiệu cảnh báo về bong võng mạc nếu bạn nằm trong nhóm nguy cơ này. Nếu võng mạc không tách rời và được phát hiện sớm, phẫu thuật thường có thể điều trị được. Điều quan trọng là bạn phải được các bác sĩ nhãn khoa kiểm tra mắt thường xuyên để xem các thay đổi ở võng mạc có thể dẫn đến bong võng mạc không.

Những người bị cận thị cao có thể phát triển bệnh tăng nhãn áp và đục thủy tinh thể nhiều hơn so với cận thị trung bình và không cận thị.

Nguyên nhân gây cận thị

Để cho mắt của chúng ta có thể nhìn được, tia sáng phải bị bẻ cong hoặc khúc xạ bởi phim nước mắt, giác mạc và thể thủy tinh để hình ảnh có thể tập trung vào võng mạc nơi các lớp tế bào nhạy cảm ánh sáng nằm dọc theo mặt sau của mắt. Võng mạc nhận được các hình ảnh được hình thành bởi các tia ánh sáng và gửi hình ảnh đến não thông qua các dây thần kinh thị giác cũng là một phần thực sự của bộ não.

Cận thị xảy ra khi mắt dài hơn bình thường hoặc giác mạc quá cong. Kết quả là, các tia sáng tập trung vào phía trước võng mạc thay vì trên võng mạc. Điều này cho phép bạn nhìn gần rõ ràng, nhưng nhìn ở xa sẽ mờ.

Triệu chứng của cận thị

Một số dấu hiệu và triệu chứng của cận thị bao gồm mỏi mắt, nhức đầu hoặc nheo mắt để nhìn và khó nhìn thấy đối tượng ở xa như là biển báo đường bộ hoặc khi nhìn lên bảng lúc ngồi học.

Các triệu chứng cận thị có thể biểu hiện rõ ở trẻ em trong độ tuổi từ 8 đến 12 tuổi. Trong những năm thiếu niên, khi cơ thể phát triển nhanh chóng, cận thị có thể tăng độ nhiều hơn. Trong độ tuổi từ 20 đến 40, thường có rất ít thay đổi.

Chẩn đoán cận thị

Bác sĩ nhãn khoa có thể chẩn đoán cận thị khi kiểm tra mắt toàn diện. Bác sĩ sẽ xác định xem bạn có cận thị hay không bằng cách sử dụng một bài kiểm tra thị lực tiêu chuẩn, nơi mà bạn được yêu cầu đọc chữ trên một bảng chữ được đặt ở đầu kia của căn phòng.

Nếu kiểm tra thị lực cho thấy bạn đang bị cận thị, bác sĩ sẽ sử dụng các thiết bị kiểm tra nhất định để tìm nguyên nhân đang gây ra cận thị. Bằng cách chiếu ánh sáng đặc biệt vào mắt của bạn, một đèn soi võng mạc sẽ được sử dụng để xem cách ánh sáng phản chiếu từ võng mạc của bạn. Khi ánh sáng được phản xạ trở lại từ bên trong mắt, nó có thể cho biết một người bị cận thị hoặc viễn thị.

Bác sĩ sẽ sử dụng máy đo khúc xạ phoropter, một thiết bị có thể đo được chỉ số tật khúc xạ và giúp xác định đúng chỉ số đó để điều chỉnh độ cận thị.

Điều trị cận thị

Không có phương pháp tốt nhất để điều trị cận thị. Điều quan trọng nhất cho đôi mắt là phụ thuộc vào lối sống của bạn. Bạn nên thảo luận về lối sống của mình với bác sĩ nhãn khoa để đưa ra những điều chỉnh có hiệu quả nhất cho đôi mắt.

Kính mắt gọng hoặc kính áp tròng là những phương pháp phổ biến nhất để điều chỉnh các triệu chứng cận thị. Chúng có tác dụng tập trung các tia sáng trên võng mạc. Kính mắt cũng có thể giúp bảo vệ mắt khỏi tia cực tím có hại (UV). Khi đó chúng được phủ một lớp màng đặc biệt để sàng lọc ánh sáng tia cực tím

Trong nhiều trường hợp, người ta có thể chọn phẫu thuật để chữa cận thị với phẫu thuật lasik hoặc một hình thức tương tự như phẫu thuật khúc xạ. Các phương pháp phẫu thuật được sử dụng để điều trị hoặc cải thiện tầm nhìn của bạn bằng cách định hình lại giác mạc, điều chỉnh hiệu quả khả năng tập trung của mắt bạn.

Bạn có thể đã nghe nói về một phương pháp gọi là điều chỉnh giác mạc (orthokeratology) để điều trị cận thị. Nó sử dụng một loạt các kính áp tròng cứng để làm dẹt giác mạc và làm giảm các tật khúc xạ. Orthokeratology chỉ điều chỉnh độ cận tạm thời. Sau khi ngừng sử dụng các kính áp tròng giác mạc sẽ trở lại hình dạng ban đầu của nó và không có bằng chứng khoa học cho thấy rằng các bài tập về mắt, vitamin hoặc thuốc có thể ngăn ngừa hoặc chữa bệnh cận thị./.

Nguồn: Cổng thông tin Y học Cộng đồng
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên