25/07/2014 08:22 GMT+7

Cần thận trọng với di sản

THÂN HOÀNG - HÀ HƯƠNG ghi
THÂN HOÀNG - HÀ HƯƠNG ghi

TT - Sau khi thông tin Tập đoàn Bitexco đề xuất được giao khai thác, quản lý vịnh Hạ Long trong 50 năm, nhiều chuyên gia cho rằng cần thận trọng do vịnh Hạ Long không chỉ là khu du lịch mà còn là di sản thiên nhiên thế giới.

Bitexco đề nghị khai thác, quản lý vịnh Hạ Long 50 năm

J5zbCqK1.jpgPhóng to
Du khách mua vé và làm thủ tục lên tàu tham quan vịnh Hạ Long - Ảnh: Trường Giang

Trong khi chính quyền địa phương cho biết chỉ giao mảng phát triển dịch vụ và chưa quyết định thời hạn, các chuyên gia và doanh nghiệp du lịch lo ngại điều này sẽ tạo ra thế độc quyền, chưa kể có nguy cơ phá vỡ tính nguyên vẹn của di sản cũng như môi trường thiên nhiên của vịnh Hạ Long.

* Ông Nguyễn Văn Đọc (chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh):

Không giao 50 năm

Không có chuyện giao Bitexco quản lý, khai thác vịnh Hạ Long trong 50 năm như dư luận hiểu nhầm. Thực tế, Tập đoàn Bitexco đề xuất giao 50 năm nhưng UBND tỉnh đã bác và yêu cầu phải xem lại, tiếp tục nghiên cứu, bổ sung. Dự kiến đến tháng 8-2014 mới quyết định. Cũng xin nói thêm không phải Quảng Ninh giao toàn bộ quyền quản lý và khai thác cho phía tư nhân mà chỉ hợp tác khai thác, phát huy dịch vụ, còn vấn đề quản lý di tích, di sản vẫn do cơ quan quản lý nhà nước làm.

Thời gian qua, Ban quản lý vịnh Hạ Long vẫn làm hai chức năng là bảo tồn di tích và phát triển dịch vụ, trong đó tập trung vào dịch vụ nhiều hơn, còn vấn đề quản lý và bảo tồn bị ít đi. Tới đây, việc phát triển dịch vụ sẽ được tách ra giao cho doanh nghiệp phối hợp khai thác, còn phần bảo tồn thuộc trách nhiệm của ban quản lý vịnh.

* Bà Nguyễn Thị Hà (giám đốc chi nhánh Công ty du lịch Vietravel Hải Phòng):

Đừng “bán linh hồn” di sản

Vịnh Hạ Long không chỉ của tỉnh Quảng Ninh mà là di sản của VN, là biểu tượng của một vùng văn hóa, một miền thiên nhiên chung 10 tỉnh đồng bằng sông Hồng. Di sản là linh hồn của một vùng được sở hữu nó. Đây là một sản phẩm du lịch nằm trong hệ thống kết nối vùng, kết nối các điểm đến tạo thành khối liên hoàn trong một sản phẩm tour. Nếu giao di sản cho một đơn vị tư nhân kinh doanh và quản lý, cho dù khai thác về mặt dịch vụ thì cũng coi như đã “bán đi linh hồn của di sản”.

Đặc biệt, vịnh Hạ Long còn là di sản thiên nhiên thế giới, phải bảo tồn theo quy định của Unesco. Khi giao cho một tập đoàn, chính quyền sở tại có đảm bảo được yêu cầu bảo tồn nguyên trạng, không được xây dựng gì ảnh hưởng đến cảnh quan tự nhiên vốn có. Ngoài ra, khi giao cho tư nhân khai thác, doanh nghiệp này có thể sẽ đưa ra những dịch vụ độc quyền rồi bắt các doanh nghiệp du lịch, du khách tham quan phải theo dù không hợp lý, liệu chính quyền sở tại có can thiệp được không? Trong khi đó, sau khi sân bay quốc tế Vân Đồn được xây xong, cơ sở hạ tầng giao thông thuận lợi, chắc chắn vịnh Hạ Long sẽ trở thành con gà đẻ trứng vàng cho Quảng Ninh.

Tóm lại, muốn phát triển dịch vụ du lịch vịnh Hạ Long, chính quyền phải tìm người có tài và có tâm, bởi dịch vụ du lịch tốt hay không là do con người.

* PGS.TS Lương Hồng Quang (phó viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật VN):

Nhiều mâu thuẫn cần phải giải quyết

Việc trao quyền quản lý và khai thác dịch vụ trong khu di sản là xu hướng chung của thế giới. Ở các nước châu Âu và ngay cạnh chúng ta là Campuchia, mô hình quản lý này được đánh giá rất cao. Tôi nghĩ đã đến lúc để tư nhân quản lý và khai thác dịch vụ. Tuy nhiên, với cơ chế quản lý hiện hành ở VN thì sẽ có nhiều điều cần phải tính đến.

Trước hết, cần phải tiên lượng được những mâu thuẫn lớn sẽ xảy ra nếu tư nhân đứng ra quản lý như chuyện cá lớn nuốt cá bé, mâu thuẫn giữa các doanh nghiệp, liệu các doanh nghiệp đang khai thác dịch vụ trên vịnh Hạ Long có được đối xử công bằng bởi một tập đoàn khai thác dịch vụ đang quản lý hay không?... Vịnh Hạ Long là một di sản sống, cộng đồng sinh sống và cũng làm dịch vụ trên vịnh. Mâu thuẫn giữa cộng đồng và doanh nghiệp, nếu xảy ra, sẽ được quản lý như thế nào? Ngoài ra, vịnh Hạ Long đã hai lần bị cảnh báo về môi trường. Nếu tư nhân khai thác dịch vụ quá đà thì ai sẽ quản lý, ai quyết định giá cả dịch vụ?

* GS.TSKH Lưu Trần Tiêu (chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia):

Phải quản lý theo đúng cam kết với Unesco

Một di sản thế giới phải được quản lý theo Luật di sản và công ước quốc tế, chứ không thể quản lý như là một công trình kinh doanh. Trong hồ sơ đệ trình công nhận di sản thế giới, VN đã phải cam kết nhiều vấn đề như phải đảm bảo tính toàn vẹn, chân xác, nguyên gốc của di sản, tức là không được xâm phạm di sản đó. Ngoài ra, phải nhất thể hóa quản lý, tức là một di sản không thể do nhiều người quản lý được.

Thuê tư vấn nước ngoài lập quy hoạch tổng thể

Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Tập đoàn Bitexco cho biết đã đề xuất khai thác, quản lý vịnh Hạ Long trong 50 năm sau khi tỉnh Quảng Ninh kêu gọi xã hội hóa các hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch, thu hút các nguồn lực kinh tế, trí tuệ để phát triển tốt hơn tiềm năng kinh tế, du lịch, dịch vụ của địa phương.

Đến thời điểm này Bitexco chưa có đề án khai thác cụ thể vịnh Hạ Long như thế nào do còn phải chờ chính quyền địa phương đồng ý giao. Tuy nhiên, Bitexco sẽ thành lập tổ tư vấn, quy hoạch nghiên cứu các mô hình quản lý, nhượng quyền khai thác, thu phí và quản lý du lịch trên thế giới và khu vực, trong đó chú ý đến ba mô hình Angkor Wat (Siem Reap, Campuchia), tháp Eiffel (Paris, Pháp) và Venice (Ý). Ngoài ra, Bitexco cũng sẽ mời các chuyên gia tư vấn quốc tế, các đơn vị tư vấn nước ngoài, đơn vị quản lý có kinh nghiệm quản lý di sản quốc tế tham gia hoạch định nhằm đảm bảo phát triển theo hướng mang lại lợi ích kinh tế nhưng vẫn đảm bảo tính bền vững thiên nhiên.

LÊ NAM

THÂN HOÀNG - HÀ HƯƠNG ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên