09/03/2015 10:00 GMT+7

​Cẩn thận khi nuôi thú dữ trong nhà

NGỌC KHẢI - MAI HOA
NGỌC KHẢI - MAI HOA

TT - Vụ bé trai 3 tuổi bị gấu cắn đứt cánh tay ở huyện Hóc Môn (TP.HCM) vào cuối năm 2014 là tiếng chuông cảnh báo về thực trạng an toàn trong vấn đề nuôi động vật hoang dã trong nhà.

Cho gấu ăn tại công viên nước Củ Chi - Ảnh: Ngọc Khải
Không phải riêng gấu mà động vật hoang dã nói chung, nếu nuôi mà không có đăng ký với cơ quan kiểm lâm để quản lý, theo dõi là sai quy định của pháp luật. Chúng tôi phát hiện được thì sẽ xử lý hành chính
Ông Đào Văn Đang (phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm TP.HCM)

Tiến sĩ Võ Đình Sơn - chuyên gia về thú y động vật hoang dã, giảng viên thỉnh giảng ĐH Nông lâm TP.HCM - cho rằng hầu hết tai nạn liên quan đến việc nuôi động vật hoang dã đều do sự mất cảnh giác của người nuôi.

Chỉ cần sơ sẩy một li...

Theo tiến sĩ Võ Đình Sơn, những loại động vật hoang dã dù được nuôi dưỡng từ nhỏ nhưng bản tính hung dữ không bao giờ mất đi. Người nuôi cẩn thận đến mấy, nhưng chỉ cần sơ sẩy trong tích tắc là có thể dẫn tới những tai họa không lường trước được.

Ông dẫn trường hợp một người nuôi gấu từ lúc chú gấu còn nhỏ xíu. Đến khi gấu trưởng thành, thường xuyên bị hút mật, ông vẫn vô tư chơi đùa với nó như ngày nhỏ, hậu quả là bị gấu cắn chết.

Không chỉ những người thiếu kinh nghiệm, ngay cả các bác sĩ thú y nhiều khi cũng chủ quan, như trường hợp một bác sĩ người Nhật bị cá sấu táp đứt lìa cánh tay khi chích thuốc cho nó mà không dùng dụng cụ chuyên dụng.

Hàng trăm thú dữ được nuôi trong nhà

Theo số liệu từ Chi cục Kiểm lâm TP.HCM, hiện trên địa bàn TP có 188 con gấu, hơn 20 con hổ được các tổ chức và cá nhân nuôi nhốt.

Ngày 15-1, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn có văn bản đề nghị chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo cơ quan chức năng kiểm tra rà soát toàn bộ cơ sở nuôi động vật hoang dã trên địa bàn.

Theo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, thời gian gần đây nhiều cơ sở nuôi động vật hoang dã hung dữ như voi, hổ, gấu, cá sấu, trăn, rắn... trên toàn quốc không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn, đe dọa đến tính mạng, an toàn của người dân và gây ảnh hưởng đến đời sống cộng đồng. Việc quản lý các cơ sở này có nơi còn buông lỏng, chưa thực hiện kiểm tra, giám sát thường xuyên, hiện tượng vi phạm về buôn bán, sử dụng mẫu động vật hoang dã diễn biến phức tạp ở một số địa phương.

“Gấu rất dữ. Chuồng gấu làm bằng sắt nhưng có khi nó phá chuồng. Nói chung là lúc nào cũng phải nhớ cẩn thận, không thì bị nó vơ liền” - ông N.D.L., một người nuôi bốn con gấu ngựa tại xã Trung An (huyện Củ Chi, TP.HCM), nhận định.

Thực tế, bộ phận “đáng ngại” nhất ở loài gấu là đôi tay rất khỏe. Một cú tát của nó có uy lực hơn rất nhiều so với hổ, báo. Đó là lý do mà các chuyên gia cảnh báo “không dùng bất cứ vật gì bằng gỗ để nuôi nhốt, vận chuyển gấu”.

Các chuồng nuôi đều phải gia cố đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật do cơ quan kiểm lâm quy định, máng ăn phải làm bằng inox vít chặt xuống đất chứ không thể dùng bể ximăng.

Với trăn thì sức mạnh của nó nằm ở thân hình có thể siết chết con mồi, cá sấu thì đáng sợ nhất là ở hàm răng rất khỏe... Việc nắm vững đặc tính của những loài động vật hoang dã sẽ giúp người nuôi tránh được nhiều tai nạn đáng tiếc.

Ngoài nguy cơ bị động vật hoang dã tấn công, những người tiếp xúc trực tiếp, nuôi dưỡng thú còn phải đối mặt với các nguy cơ bị lây truyền một số bệnh như bệnh lao, viêm gan siêu vi từ loài gấu, nhiễm ký sinh trùng từ loài khỉ...

Theo tiến sĩ Võ Đình Sơn, để phòng tránh những căn bệnh này, trước hết phải đảm bảo vệ sinh chuồng trại, vệ sinh nguồn thức ăn. Sau khi tiếp xúc với động vật cần rửa tay thật kỹ.

“Có người không rửa tay mà cứ để vậy rồi hút thuốc, có người lại rửa tay vào lavabo nấu ăn, như vậy rất dễ bị lây bệnh” - ông Sơn cảnh báo.

Nên gửi vào trung tâm cứu hộ động vật

Theo số liệu từ cơ quan thú y, tính đến năm 2010, ở các tỉnh phía Nam có khoảng 2 triệu động vật hoang dã được nuôi nhốt, trong đó chủ yếu là cá sấu, trăn, ba ba, rắn...

“Việc gây nuôi phải đảm bảo đúng kỹ thuật và các yếu tố an toàn theo quy định của cơ quan chức năng. Còn việc gây nuôi những loại động vật bị cấm hoặc không được phép của cơ quan kiểm lâm thì tuyệt đối không nên” - ông Sơn nói.

Theo ông Sơn, những con thú này khi sống trong môi trường tự nhiên có sức đề kháng rất tốt. Nhưng khi nuôi nhốt, phần vì tâm lý ức chế do điều kiện nuôi nhốt “như tù nhân”, phần vì không thể tự đi kiếm những lá cây chữa bệnh... nên chúng thường dễ đổ bệnh hoặc trở nên hung dữ.

Ông Trần Đăng Trung, nguyên đội trưởng đội động vật Thảo cầm viên Sài Gòn, cho biết một phần là do điều kiện nuôi trong những chuồng chật hẹp gò bó và bị con người khai thác hút mật quá nhiều, hoặc trong quá trình huấn luyện trong một số đoàn xiếc chưa thật đúng cách, họ chọn biện pháp bạo lực, khiến gấu trở nên hung dữ.

Chẳng riêng gì gấu, những con vật tưởng chừng vô hại như mèo rừng, trăn... khi “nổi điên” cũng trở thành mối nguy cho những người xung quanh.

Theo ông Đào Văn Đang - phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm TP.HCM, quản lý nuôi nhốt động vật hoang dã luôn khó khăn vì người dân thường nuôi lén lút. Nhà có vườn rộng, kín cổng cao tường thì rất khó phát hiện.

Về vụ việc bé trai 3 tuổi ở Hóc Môn bị gấu cắn, ông Đang cho biết lực lượng kiểm lâm có tới hiện trường kiểm tra.

Theo ghi nhận, chuồng gấu tại nhà này làm bằng sắt, chiều rộng khoảng 1,5m, cao 2m, dài 2m. Từ đáy chuồng lên trên cao khoảng 1m, được gắn thêm một tấm thép che chắn, nhưng ở phía cho gấu ăn có một khoảng hở. Có thể đây là chỗ người ta hay cho thức ăn cho gấu, cháu bé đưa tay vào và bị gấu chụp lấy.

Ông Trần Đăng Trung khuyến cáo: “Để đảm bảo an toàn tính mạng cho những người trong gia đình và những người xung quanh, nếu không có đủ điều kiện nuôi động vật hoang dã thì nên gửi vào các trung tâm cứu hộ, vườn thú là những nơi có điều kiện gây nuôi, sinh sản. Không nuôi ở nhà, rất nguy hiểm”.

NGỌC KHẢI - MAI HOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên