Đại diện Hội Y tế công cộng Việt Nam cho biết, hội đã tiến hành nghiên cứu để “Đánh giá ban đầu về chất lượng cuộc sống người cao tuổi tại 3 huyện thuộc 3 tỉnh của Việt Nam” từ tháng 4 đến 9-2015 trên tổng số 597 người trên 60 tuổi tại 12 xã ở 3 huyện Tiền Hải (Thái Bình), huyện Diên Khánh (Khánh Hòa) và huyện Thanh Bình (Đồng Tháp).
Nghiên cứu sử dụng bộ câu hỏi phỏng vấn định lượng chất lượng sống của người cao tuổi đã được dịch sang tiếng Việt và chuẩn hóa tại Việt Nam từ bộ công cụ đánh giá chất lượng cuộc sống của con người của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Kết quả nghiên cứu cho thấy thực trạng chất lượng cuộc sống của người cao tuổi tại địa bàn nghiên cứu đều đang ở mức trung bình khá, dao động quanh thang điểm 7,5/10. Người có tuổi thọ càng cao thì chất lượng cuộc sống càng giảm; người cao tuổi nữ có điểm chất lượng cuộc sống thấp hơn nam giới.
Thạc sỹ Lê Minh Quang, Văn phòng Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam cho biết hiện nay, người cao tuổi Việt Nam có tuổi thọ tăng; 30% người cao tuổi sống một mình hoặc sống cùng vợ/chồng cũng là người cao tuổi; còn khoảng 40% người cao tuổi chưa có thẻ bảo hiểm y tế.
Người cao tuổi thường hay mắc các bệnh mãn tính, bệnh sa sút trí tuệ và chi phí y tế tăng cao (gấp 7-10 lần người trẻ tuổi).
Tại khu vực nhà nước hiện còn thiếu hệ thống dịch vụ chăm sóc trong khi nhu cầu điều trị của người cao tuổi ngày càng tăng; cơ cấu tổ chức và năng lực chăm sóc người cao tuổi chưa đáp ứng yêu cầu; chưa có chính sách tốt trong khám và chăm sóc người cao tuổi tại nhà...
Thạc sỹ Lê Minh Quang đề nghị ngành y tế tăng cường chăm sóc sức khỏe ban đầu (phòng bệnh) cho người cao tuổi, có tính đến sự khác biệt giới; nâng cao tỷ lệ người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế, đa dạng hóa các hình thức bảo hiểm bao gồm bảo hiểm chăm sóc lâu dài.
Đồng thời, tăng cường năng lực quốc gia về chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi cả nam và nữ (bao gồm chăm sóc tại bệnh viện, nhà dưỡng lão, chăm sóc tại nhà và cộng đồng); phát triển hệ thống chăm sóc lâu dài; thúc đẩy mạng lưới công tác xã hội.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận