28/01/2015 09:27 GMT+7

Cần siết việc sử dụng bút phê

VŨ PHẠM QUYẾT THẮNG (nguyên phó tổng thanh tra chính phủ)
VŨ PHẠM QUYẾT THẮNG (nguyên phó tổng thanh tra chính phủ)

TT - Câu chuyện lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải đã có thông cáo cho rằng bút phê của lãnh đạo không phải là căn cứ ưu tiên trong việc chỉ định thầu, xét thầu... đang được dư luận quan tâm.

Bộ trưởng Đinh La Thăng (thứ hai từ bên trái), thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường (bìa phải) cùng lãnh đạo Hải Dương làm thủ tục phát lệnh khởi công hai cầu Tràng Thưa và Cống Neo - Ảnh: T.Phùng
Bộ trưởng Đinh La Thăng (bìa trái), thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường (bìa phải) cùng lãnh đạo Hải Dương làm thủ tục phát lệnh khởi công hai cầu Tràng Thưa và Cống Neo - Ảnh: T.Phùng

Chúng tôi giới thiệu thêm các ý kiến về vấn đề này.

Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải vừa có công văn yêu cầu các đơn vị lưu ý không coi bút phê của lãnh đạo là căn cứ ưu tiên trong giải quyết việc công.

Nhưng mọi người đều biết rằng lâu nay các dự án liên quan đến ngân sách thường nhận được sự quan tâm của nhiều nhà thầu. Trong hoàn cảnh sự quan tâm ở số nhiều như vậy, cấp dưới phải ứng xử sao khi có bút phê của lãnh đạo liên quan đến một nhà thầu cụ thể, cho dù nội dung bút phê đó chỉ dưới dạng “thông tin chuyển văn bản”?

Câu chuyện bút phê ở đây là bình thường hay bất thường?

Trước hết, cần thấy rằng trong số các quy định hành chính hiện hành không có quy định nào về hình thức, cách thức, nội dung và giá trị pháp lý của bút phê. Việc hình thành thói quen bút phê xuất phát từ cách thức vận hành nền hành chính nước ta và từ thực tế công việc.

Chẳng hạn như ở Thanh tra Chính phủ trước đây, mỗi ngày một phó tổng thanh tra có thể nhận được hàng chục văn bản, tờ trình, công văn xin ý kiến từ rất nhiều đơn vị khác nhau. Không thể nào người lãnh đạo gặp từng đơn vị, từng người để chỉ đạo, trao đổi công việc, vậy nên bút phê là một cách thức giải quyết nhanh gọn, góp phần đảm bảo sự thông suốt trong quy trình hành chính. 

Công tác thanh tra ở các bộ ngành, địa phương cũng cho thấy việc sử dụng bút phê rất phổ biến và đa dạng. Không chỉ bút phê bên lề văn bản mà còn bút phê vào tờ lịch, mẩu giấy ghi nhớ bất kỳ rồi kẹp vào công văn, hồ sơ.

Nếu hỏi các bút phê đó có giá trị pháp lý như thế nào thì rất khó trả lời, nhưng sự thật là nhiều khi bút phê đã trở thành một phần trong giải quyết công việc, có hiệu lực thực tế tương tự như các văn bản có đóng dấu đỏ khác.

Như vậy có thể thấy rằng bút phê đã trở thành chuyện thường ngày, trở thành bình thường trong nền công vụ nước ta, ở mức độ nhất định chấp nhận được, nhất là khi nội dung bút phê chỉ liên quan đến những công việc hành chính sự vụ bình thường, không nhạy cảm và nội dung bút phê rõ ràng, minh bạch.

Vấn đề là với những văn bản trình có tính chất phức tạp về kinh tế mà người thủ trưởng bút phê mập mờ, hiểu được theo nhiều nghĩa, dư luận có quyền đặt câu hỏi về tính khách quan của bút phê đó, có hay không sự thiên vị “xin - cho”?

Trong công vụ, những bút phê thiếu rõ ràng của lãnh đạo nhiều khi còn tạo ra kẽ hở để cấp dưới lợi dụng, sử dụng văn bản có bút phê đó để trục lợi theo ý đồ chủ quan.

Sự việc mà dư luận đang quan tâm ở Bộ Giao thông vận tải cho thấy đã đến lúc cần “siết” lại việc sử dụng hình thức bút phê trong công vụ, không riêng ở bộ ngành, địa phương nào. Không cứng nhắc cấm đoán bút phê, nhưng cần quy định rõ ràng trong các trường hợp nào thì không được sử dụng bút phê, ví dụ như liên quan đến các dự án sử dụng ngân sách, liên quan những việc đã phân cấp rõ ràng.

Việc xét thầu, chỉ định thầu, lựa chọn nhà đầu tư... đều đã có quy định pháp luật cụ thể và rõ ràng, cấp nào chịu trách nhiệm quyết định đến đâu, nếu cần có chỉ đạo thì phải là ý kiến trong các cuộc họp hoặc bằng văn bản chính thức, không thể tùy tiện bút phê.

Một nền công vụ chuyên nghiệp, trách nhiệm, hiệu quả ưu tiên sự công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình chứ không phải là sự tiện lợi của lãnh đạo.

V.V.THÀNH ghi

Nên chấm dứt hẳn

Thực tế, bút phê là dạng chỉ đạo không chính thức vẫn tồn tại lâu nay ở nhiều cơ quan quản lý nhà nước. Với những người có thâm niên làm công tác hành chính, ai cũng hiểu bút phê của lãnh đạo thường có nhiều cấp độ. Nếu chỉ là “kính chuyển”, “xem xét giải quyết” thì cấp dưới phải hiểu rằng đó chỉ là chỉ đạo xã giao, không cần thực hiện.

Nếu lãnh đạo bút phê “đồng ý” hoặc “giải quyết gấp” thì cấp dưới sẽ hiểu là phải tạo điều kiện giúp đỡ. Trong trường hợp sau thì không thể biện bạch bút phê không phải là mệnh lệnh hành chính vì lãnh đạo đã đồng ý về mặt chủ trương hoặc yêu cầu hướng giải quyết.

Nếu chỉ vì mục đích trong sáng, những công văn có bút phê của những người đứng đầu cũng sẽ làm khó cấp dưới vì họ khó thể không thực hiện.

Có lý giải rằng nhiều người đứng đầu các cơ quan quản lý nhà nước thích bút phê vì đây là sự chỉ đạo không chính thức nên có gì xảy ra vẫn không bị xem xét trách nhiệm. Người lãnh đạo cơ quan quản lý nhà nước không dại gì ra một văn bản đề nghị ủng hộ doanh nghiệp nào đó vì nó quá lộ liễu và dễ bị soi.

Bài học nhãn tiền là đã có một số lãnh đạo có công văn yêu cầu uống bia loại này, uống sữa nhãn hiệu kia, đi máy bay của hãng nọ... đã bị dư luận phản ứng kịch liệt. Cách tốt nhất là cứ bút phê cho an toàn, vì hiểu theo cách nào thì cũng khó mà nói đó là sự chỉ đạo chính thức từ lãnh đạo.

Đã đến lúc các cơ quan quản lý nhà nước nên chấm dứt hẳn tình trạng bút phê để hạn chế các tiêu cực có thể xảy ra. Lãnh đạo cơ quan quản lý nhà nước: bộ, ngành, UBND tỉnh... không cần thiết phải bút phê gì vào công văn của các doanh nghiệp, mà nên giao bộ phận văn thư chuyển công văn đến các cơ quan cấp dưới có liên quan để giải quyết.

Còn nếu lãnh đạo cơ quan quản lý nhà nước thấy cần thiết phải bảo vệ doanh nghiệp vì lý do chính đáng thì nên có văn bản chính thức chỉ đạo. Đó mới là cách hành xử minh bạch, đúng với thực tiễn pháp luật về hành chính.

TS VÕ DUY NGHI

VŨ PHẠM QUYẾT THẮNG (nguyên phó tổng thanh tra chính phủ)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên