Luật sư Nguyễn Tiến Lập - Ảnh: NVCC
Luật sư Nguyễn Tiến Lập - thành viên Văn phòng luật sư NHQuang và cộng sự, trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam - đề xuất như trên.
Ông cho rằng: "Nguyên nhân cơ bản và sâu xa nhất dẫn đến những hạn chế, bất cập và cả tiêu cực trong hoạt động hợp tác lắp đặt máy móc, thiết bị y tế của tư nhân để sử dụng, khai thác tại các bệnh viện công là do thiếu khung khổ pháp luật minh bạch và rõ ràng để các bên tham gia áp dụng".
Thiếu khung khổ pháp luật minh bạch
* Công văn của Bộ Tài chính khẳng định pháp luật về quản lý và sử dụng tài sản công không có quy định cơ quan, tổ chức, đơn vị được mượn tài sản để sử dụng, có nghĩa là không được sử dụng hình thức mượn - đặt máy của tư nhân trong bệnh viện công. Ông nhận định gì về việc này?
- Ở góc nhìn pháp lý, tôi không quan niệm đây là quan hệ dân sự dưới hình thức mượn tài sản, mà thực chất là các giao dịch kinh tế - thương mại giữa các tổ chức với nhau, dù các bên không phải thuần túy đều là doanh nghiệp.
Thực tế diễn ra phổ biến và kéo dài quá lâu, quy mô ngày càng lớn nên đã làm phát sinh khá nhiều vấn đề về cả thương mại, tài chính và pháp lý trong quan hệ giữa hai bên đối tác với nhau, cũng như quan hệ giữa các bệnh viện công với cơ quan chủ quản từ góc độ báo cáo, kiểm tra và giám sát, chỉ đạo.
Nhiều hiện tượng lạm dụng, tiêu cực để trục lợi cá nhân hay trốn thuế; lẫn lộn giữa công và tư; giữa lợi ích tập thể và lợi ích cá nhân đã dẫn đến các vụ việc phải xử lý bằng cả dân sự, hành chính và hình sự.
* Nguyên nhân cơ bản và sâu xa nhất chính là thiếu khung khổ pháp luật minh bạch và rõ ràng để các bên tham gia áp dụng?
- Khung khổ pháp luật đó chính là các quy định về đầu tư theo hình thức đối tác công - tư. Trên thực tế, với quyết định 71 năm 2010, Thủ tướng đã cho thực hiện thí điểm hình thức đầu tư này với nội dung rất rộng, từ phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế đến các dịch vụ công ích.
Tuy nhiên, tiếc rằng về phía các cơ sở và dịch vụ y tế, Bộ Y tế và có lẽ cả Bộ Tài chính đã dường như không quan tâm vận dụng, hay áp dụng các quy định pháp luật này thay cho chủ trương được gọi là "xã hội hóa" khá trừu tượng và chung chung trước đó. Giá như các bên chuyển sang hành xử theo khung khổ pháp lý văn minh và hiện đại này đã có thể tránh được nhiều hậu quả đáng tiếc đã và đang xảy ra.
Trong nền kinh tế thị trường, bất kể hiện tượng hay hoạt động nào phát sinh đều có cái lý của nó, tức là xuất phát từ nhu cầu thực tế của xã hội. Xã hội hóa dịch vụ y tế đã ra đời như thế nhưng cần được chuyển đổi, thay thế theo hướng chuyên nghiệp hóa. Các cơ quan quản lý nhà nước cần hơn bao giờ hết đóng vai trò đồng hành cùng các tổ chức cung cấp dịch vụ và các doanh nghiệp để hoàn thiện khung khổ pháp luật nhằm tạo nên một môi trường chính sách vĩ mô ngày càng hấp dẫn và an toàn cho tất cả các bên”.
Luật sư NGUYỄN TIẾN LẬP
Tạo khung khổ đối tác công - tư trong lĩnh vực y tế
Hệ thống máy đặt - máy mượn đang hoạt động tại Bệnh viện Chợ Rẫy - Ảnh: DUYÊN PHAN
* Bộ Tài chính khẳng định từ năm 2017 đã có ý kiến "tuýt còi" việc mượn, đặt máy, nhưng thực tế hoạt động này vẫn diễn ra. Vậy đây có phải là trách nhiệm của cơ quan quản lý?
- Tôi không nghĩ việc Bộ Tài chính gửi các công văn nêu ý kiến hay cảnh báo là một hành vi quản lý nhà nước chính thống. Với cương vị một bộ quản lý tổng hợp và quản lý tài sản công, Bộ Tài chính vừa có cả thẩm quyền lẫn trách nhiệm ở cấp độ lớn hơn thế.
Đó là tham gia vào rà soát, đánh giá việc thực hiện pháp luật, đề xuất xây dựng và hoàn thiện các văn bản pháp luật đi kèm với thanh tra, kiểm tra để chấn chỉnh toàn diện. Cụ thể ở đây là chuyển từ hoạt động xã hội hóa sang thực hiện đầu tư theo cơ chế đối tác công - tư.
Tuy nhiên, trách nhiệm chính và trực tiếp vẫn thuộc về Bộ Y tế và các UBND tỉnh, thành thông qua các sở, phòng y tế (cơ quan chủ quản của các bệnh viện công). Họ đã để câu chuyện xã hội hóa, hay gọi là "vay - mượn tài sản" diễn ra quá lâu mà không có giải pháp nào để chuyên nghiệp và minh bạch hóa nó trên cơ sở các quy định pháp luật phù hợp.
* Sau công văn của Bộ Tài chính, các cơ sở khám chữa bệnh đang sử dụng máy mượn - đặt vào một tình huống khó xử. Theo ông, giải pháp nào để giải quyết vấn đề đã tồn đọng từ nhiều năm nay?
- Cần có một khảo sát trên diện rộng ở tất cả các bệnh viện có sử dụng máy móc, thiết bị y tế tư nhân dưới mọi hình thức ngoài mua sắm, để từ đó có sự phân loại, đánh giá và khái quát thành các nhóm vấn đề cần xử lý để hoàn thiện hoặc chấn chỉnh.
Đây không phải là thanh tra, kiểm tra để tìm ra sai phạm cho mục đích xử phạt hay truy cứu trách nhiệm, mà là thu thập thông tin. Trên cơ sở đó, các cơ quan chức năng, bao gồm Bộ Tài chính, Bộ Y tế, Bộ Tư pháp và Bộ Kế hoạch - đầu tư cùng bàn bạc để đề xuất ban hành các văn bản pháp luật điều chỉnh hoạt động này.
Các văn bản pháp luật đó, theo quan điểm của tôi, sẽ thuộc khung khổ của cơ chế đối tác công - tư trong lĩnh vực y tế. Và đương nhiên, sau khi có văn bản pháp luật được ban hành, trong khâu thực thi cần có giai đoạn chuyển tiếp để các bên tham gia có cơ hội thay đổi để làm đúng.
Phát sinh từ khi nào?
Theo luật sư Nguyễn Tiến Lập, câu chuyện xảy ra đã từ lâu và tồn tại như một thực tế khá phổ biến hàng chục năm qua và được các bên liên quan chấp nhận. Thực tế từ năm 2008, Nhà nước đã có chủ trương xã hội hóa lĩnh vực dịch vụ công ích.
Theo đó, Chính phủ đã ban hành nghị định 69 khuyến khích xã hội hóa trong các lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa và thể thao. Từ đó bắt đầu hàng loạt các hoạt động liên doanh, liên kết dưới nhiều hình thức khác nhau, rất phong phú và đa dạng về sự hợp tác của các đơn vị công lập với khu vực tư nhân, mà các giao dịch "mượn" tài sản là máy móc, thiết bị y tế của tư nhân để sử dụng, khai thác tại các bệnh viện công là một ví dụ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận