Ngôi mộ bằng vàng của vua Tutankhamun tại Thung lũng các vị vua - Ảnh: Reuters |
Câu hỏi đặt ra là liệu căn phòng này có thể giải mã một trong những bí ẩn lớn nhất ngành Ai Cập học hay không?
Theo history.com, hồi tháng 7 nhà khảo cổ học người Anh Nicholas Reeves đã có một tuyên bố gây chấn động giới khảo cổ khi cho rằng pharaông Tutankhamun có thể không yên nghỉ một mình trong căn phòng chôn cất ông.
Sau nhiều tháng nghiền ngẫm các bức ảnh chụp có độ phân giải siêu cao về lăng tẩm của Tutankhamun, ông Reeves tin rằng có hai cánh cửa bí mật che giấu căn phòng khác có thể là nơi yên nghỉ của hoàng hậu Nefertiti - vợ vua Akhenaten, cha ruột Tutankhamun.
Các bằng chứng hiện nay cho thấy giả thuyết của ông Reeves có thể đúng. Đầu tháng 11, các nhà nghiên cứu đã sử dụng máy ghi nhiệt hồng ngoại để quét hết phòng chôn cất vua Tutankhamun. Các bức ảnh cho thấy có sự khác biệt nhiệt độ đằng sau các bức tường phía bắc của căn phòng.
Cuối tuần rồi, các quan chức Ai Cập cũng công bố kết quả từ việc quét rađa toàn bộ lăng mộ của vua Tutankhamun và xác nhận sự hiện diện của một khoảng không trống trải đằng sau các bức tường.
Báo Independent dẫn lời các quan chức Ai Cập cho biết họ “chắc chắn đến 90%” có một căn phòng bí mật bên trong lăng mộ vua Tutankhamun. Đây rất có thể là nơi an nghỉ của hoàng hậu Nefertiti.
Nhà khảo cổ học Reeves tin rằng lăng mộ ban đầu xây dựng cho hoàng hậu Nefertiti. Tuy nhiên do vua Tutankhamun băng hà ở tuổi 19 sau chín năm trị vì, buộc các thầy tu phải mở cửa lăng dành cho hoàng hậu do lăng mộ của Tutankhamun vẫn chưa xây xong.
Hiện nhà khảo cổ Reeves tin rằng “căn phòng bí mật” là nơi chôn cất hoàng hậu Nefertiti, nhưng Bộ trưởng Khảo cổ Ai Cập Mamduh al-Damati lại nghĩ đó là nơi chôn cất vợ thứ Kiya của vua Akhenaten.
Báo Independent cho biết các hình ảnh đã quét được gửi sang Nhật để tiến hành các phân tích chuyên sâu hơn. Kết quả cuối cùng có thể được công bố trong vòng một tháng tới.
Nếu quả thật có “căn phòng bí mật”, thách thức kế tiếp mà các nhà khảo cổ học phải đương đầu là tìm ra cách thức xâm nhập căn phòng chưa hề được mở cửa gần 3.500 năm qua mà không gây hư hại cho lăng mộ cũng như các hiện vật bên trong.
Dù vậy, Reuters dẫn lời ông al-Damati cho rằng các nhà khảo cổ có thể mở đường vào bên trong căn phòng trong vòng ba tháng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận