11/04/2021 16:19 GMT+7

Căn nhà giữa những đám mây: Những rời rạc của thế hệ đương đại

LAM ĐIỀN
LAM ĐIỀN

TTO - Bỏ qua những phân vân trong lần đầu đọc 'Căn nhà giữa những đám mây' của Vũ Thành Sơn, trong lần đọc lại tiểu thuyết này, tôi bắt gặp ở lề trang nọ dòng ghi chú của lần đọc trước: Bút pháp nối kết rất quái.

Căn nhà giữa những đám mây: Những rời rạc của thế hệ đương đại - Ảnh 1.

Tiểu thuyết của Vũ Thành Sơn với âm hưởng đương đại - Ảnh: L. ĐIỀN

Sáu chữ toàn dấu sắc ấy chắc chắn đã bật ra gần như vô thức trong lần đầu va chạm với quyển tiểu thuyết. Cảm giác tác giả đã thật nhuyễn tay trong việc sử dụng kỹ thuật cho tiểu thuyết này. Không phát triển theo các tuyến truyền thống, Căn nhà giữa những đám mây đặt ra trước mặt bạn đọc một thảm trạng rời rạc từ đầu chí cuối.

Có một trục thời gian tương đối hoàn chỉnh xuyên qua gần 200 trang tiểu thuyết: câu chuyện từ lúc mẹ Lân nằm bệnh viện cho đến khi bà qua đời và đám tang diễn ra.

Còn lại là những tuyến truyện phi tuyến tính. Bản thân sự hiện diện của Lân cùng với mạch suy tưởng trộn lẫn với hành vi diễn tiến cho thấy cái gia đình bố mẹ và bốn anh chị em của Lân cũng hoàn toàn rời rạc.

Qua đó, độc giả lại thấy mình lẽo đẽo theo tác giả chứng kiến từng tình huống không chỉ của tiểu thuyết, nó rất thật, rất gần, vừa quen thuộc đến độ dễ cảm thông nhưng lại liên tục chứa đựng bất ngờ khiến không ai đoan chắc hình mẫu nhân vật ấy, làng quê ấy, loại quan hệ ấy... là mình đã biết.

Có một điều chắc chắn, tiểu thuyết này thấm đẫm không khí đương đại. Người ta nhận ra không khí trong gia đình của Lân, khung cảnh của ngôi làng với những người đàn bà vẫn đến nhà Lân giặt giũ ở giếng nước, cả việc anh em nhà Lân lớn lên, rồi việc Lân và Nhung dù không chính thức nhưng sống như vợ chồng... đều không có gì lạ.

Nhưng nhân vật của Vũ Thành Sơn vẫn có tính điển hình. Công việc không rõ ràng của Nhung, ý hướng tương lai cũng không rõ ràng của Lân, phần đời còn lại của chị Hai, cuộc sống góa bụa của vợ và con Lâm ở nơi xa xôi... chính là một phần quen thuộc của cuộc sống đương đại.

"Một người thường sống trong sự lưỡng lự như tôi", lời giãi bày của Lân cũng chính là một điểm chung của người trẻ hôm nay: Sự lưỡng lự. Và khi đặt nhân vật vào đám tang của mẹ mình - một mất mát đủ lớn để đo lường sự rời rạc trong tâm tưởng người con, tác giả lại làm cho người đọc vụt thoát khỏi trang sách để ngoảnh nhìn thực tại.

Thì đây, những nhân vật của Vũ Thành Sơn cũng không biết cách định vị chính mình, không dám chắc những gì mình đang nghĩ đang làm là có ý nghĩa; và bi kịch hơn, trước một sự cố (cuộc đời luôn xuất hiện các sự cố) họ - con người đương đại ấy - chỉ có thể lúng túng đứng nhìn cảm xúc phát sinh.

Tác giả liên tục cho nhân vật rơi vào dòng suy tưởng của chính mình. Bằng cách ấy, mỗi nhân vật tự hình thành một "trường truyện" xung quanh họ. Sự giao nhau giữa các "trường" ấy chính là cảm giác rời rạc nhưng đầy cuốn hút trong văn Vũ Thành Sơn.

Trở lại với kỹ thuật tiểu thuyết, 6 chữ toàn dấu sắc trên kia chỉ là một nhận định nhất thời, nhưng nếu bạn đọc bắt gặp trong tiểu thuyết một tình huống nhân vật đang trước giờ chuẩn bị động quan mẹ mình, lại có những suy tư như thế này: "Tôi sực nhớ đến những con cá lia thia của Lâm.

Trong một cơn giận dữ cha tôi đã trút chúng xuống hết dưới giếng. Lâm đã bỏ quên chúng quá lâu. Bây giờ những con mắt ướt đó đăm đăm nhìn tôi cầu cứu. Không chần chừ tôi quyết định đi đến vớt chúng ra khỏi chậu nước của những bà trong xóm và thả cho chúng bơi trong không khí...", thì cũng có thể tin tưởng rằng con đường văn chương của Vũ Thành Sơn còn tiến xa hơn.

Đó cũng là niềm vui khi được chờ đợi với văn chương.

Nguyễn Ngọc Tư giao lưu  ra mắt tiểu thuyết mới Nguyễn Ngọc Tư giao lưu ra mắt tiểu thuyết mới

TTO - Tiểu thuyết Biên sử nước của Nguyễn Ngọc Tư sẽ ra mắt vào sáng 1-11 tại nhà sách Phương Nam (Phương Nam Book City Saigon Center) ở 212 Nguyễn Trãi, P.3, Q.1, TP.HCM.

LAM ĐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên