09/09/2016 22:40 GMT+7

Mong một phép màu cho mẹ

CHU TRẦN MINH ĐỨC (TP.HCM)
CHU TRẦN MINH ĐỨC (TP.HCM)

TTO - Khi mình vui vẻ đi chơi là lúc mình cứ hay nghĩ về mẹ, rằng mẹ mình đang ốm bệnh như thế, mình tiêu xài, mình ham hố, hoang phí, hưởng thụ... có xứng đáng, có kệch cỡm hay không?

Tranh cát Nhật ký của mẹ - Ảnh cắt từ clip
LTS: Bạn có thể viết về những câu chuyện cuộc sống tạo nhiều cảm hứng và chia sẻ với cộng đồng cách bạn vượt qua những nỗi đau, những thử thách. Chuyện là của riêng bạn nhưng nhiều người có thể "thấy mình ở trong đó" hoặc đồng cảm với nó. Xin giới thiệu bài viết của tác giả Chu Trần Minh Đức.

Sống trong đời sống, mình luôn cần được bày tỏ nỗi lòng nhưng tự hiểu rằng không phải ai cũng muốn lắng nghe. Mình hoàn toàn không thích người đối diện phải chịu căng thẳng và nặng nề vì chuyện riêng của mình.

Mình cũng tâm niệm, đời mình mình sống, thất bại hay thành công là do mình, không được than trách hoàn cảnh, đổ lỗi cho bất kì ai.

Từ ngày mẹ mình bị xuất huyết não đến nay đã qua 8 tháng, so với giai đoạn đầu gần như thập tử nhất sinh thì bây giờ mẹ mình đã đỡ rồi. Gọi là đỡ nghĩa rằng qua cơn nguy kịch, chứ nhìn lại thì mẹ mình vẫn như một đứa bé mới sinh: đang tập đi những bước đi khó khăn; mỗi ngày chỉ chớp mắt vài lần vì dân thần kinh chưa hồi phục; mẹ mình không thể nói được bình thường thậm chí là nói rất khó nghe.

Cái khoảnh khắc chờ mẹ ở phòng cấp cứu, cả ba bố con âu lo thấp thỏm. Lúc mẹ được đưa ra, mẹ nói với ba rằng "em bị liệt nửa người rồi" bằng giọng lơ lớ. Mình đứng từ xa, vừa sợ hãi, vừa rối loạn, mọi thứ chung quanh tự nhiên vô nghĩa.

Rồi mình bắt gặp cảnh tượng mà đến bây giờ nghĩ lại vẫn thấy xót. Vì bị liệt nửa người, mẹ mình không thể đi vệ sinh được. Lúc đó mẹ mình nằm giữa hành lang, hàng trăm cặp mắt đổ vào.

Mẹ mình kêu la vì chịu không nổi, trong khi ba cũng không biết làm gì.

Có lẽ các bạn không biết, lúc nhìn mẹ như thế, mình mới hiểu cảm giác ruột gan thắt lại. Chẳng biết làm gì, chẳng biết cầu cứu ai. Mình quay mặt đi chỗ khác, không dám nhìn thấy mẹ kêu la một cách khó nhọc vì đau đớn.

Mẹ bị đưa ngược vào trong để đeo ống dẫn, còn mình, mình ngồi ở một cái bậc thềm rất bẩn, nhìn qua những ổ cửa nhỏ xíu, tay và chân mỏi nhừ dù chẳng làm gì. Buổi sáng hôm đó mình chuẩn bị đi giao hàng cho khách - chập chững những ngày đầu kinh doanh nhỏ lẻ nhưng cuộc gọi điện thoại của ba báo tin làm mình bừng tỉnh. Mình nằm nhìn vào khoảng không và thấy lồng ngực bị ngạt.

Thật ra rất khó để cảm nhận nỗi đau của người khác, huống chi là người thân của người khác, cho nên mình kể ra để nhẹ lòng chứ mình biết, có mấy ai thấy đau đớn như mình, trừ phi họ cũng từng lâm vào hoàn cảnh tương tự.

Vì bản tính mình nhạy cảm, nên từ khoảnh khắc đó đến tận bây giờ, một đứa không bình thường như mình lại càng bất thường. Mình khi vui khi buồn, luôn là kẻ cô đơn nhút nhát lại càng trở nên hèn nhát và cô độc hơn.

Mình không thể bắt chuyện, mình khiến người khác phải xa lánh vì họ thấy sao mình rắc rối quá, sao mình nghèo quá, sao mình khổ quá...

Những lúc vui nhất mình cứ hay nghĩ về mẹ, và rồi tự thấy tại sao mẹ mình khổ như vậy trong khi mình lại hay cười cợt? Khi mình ăn cái gì ngon, mình cũng nghĩ đến mẹ mình ở quê...

Khi mình vui vẻ đi chơi là lúc mình cứ hay nghĩ về mẹ, rằng mẹ mình đang ốm bệnh như thế, mình tiêu xài, mình ham hố, hoang phí, hưởng thụ... có xứng đáng, có kệch cỡm hay không?

Rồi mình nghĩ tại sao hồi đó lúc mẹ mình khỏe, mình không lo cho mẹ như vậy đi! Nhiều lúc mình muốn xin lỗi bạn bè, người thân, đồng nghiệp vì mình không được bình thường, đôi khi khiến người khác hiểu sai về mình. Mình bị quá nhiều áp lực, đặc biệt mối lo về khả năng lành lặn của mẹ mình.

Còn tất nhiên, những nhu cầu cuộc sống thì ai cũng phải có. Mình phải hẹn hò, cafe, đi xem phim... nó như là hít thở hoặc là ăn - uống vậy.

Ba mình bảo "cứ coi như không có gì xảy ra" để trấn an, nhưng điều đó mình không bao giờ làm được. Cả nhà mình không có điều kiện nhưng cũng đang cố gắng hết sức để giúp mẹ bằng nhiều hướng nhiều cách, có lúc sai, cũng có khi đúng.

Mẹ mình đã có những lần chán nản muốn buông xuôi, nhưng giờ bà lấy lại được bình tĩnh. Còn mình, mình cố gắng chăm sóc bản thân vì mình biết gánh nặng gia đình còn trên vai. Mình không thể chết, không thể tự lái xe lao vào tường, không thể nhảy từ lầu 11...

Hôm nay là sinh nhật của mình, lần đầu tiên kể từ khi lên Sài Gòn làm việc, mình đón sinh nhật ở nhà. Với mình, sinh nhật không có ý nghĩa gì cả. Đó là lý do vì sao ngày xưa ở công ty cũ, khi mọi người mua bánh kem cho mình và bắt mình khao mọi người đi ăn, mình đã khó chịu. Không phải mình tiếc tiền, vì mình không thích sinh nhật. Nhưng ngày hôm nay có lẽ sẽ khác.

Hôm nay là sinh nhật của mình, trước năm 30 tuổi. Thay vì các bạn có lòng gửi lời chúc sinh nhật, hãy giúp mình cầu chúc cho mẹ mình mau lành lặn.

Bây giờ, có lẽ chỉ có phép màu gì đó, điều kì diệu nào đó... mới có thể giúp mẹ mình được thôi. Mình rất muốn được trả ơn cho mẹ như những người con (có hiếu hơn mình).

Còn những hình ảnh buồn bã về mẹ trong suốt những tháng qua, mình sẽ mãi khắc ghi vì chỉ có nó mới giúp mình mạnh mẽ hơn, kiên trì, nhẫn nại và bình tĩnh hơn.

Sau này, khi mẹ mình khỏe lại (mình luôn có niềm tin như thế), mình có thể sẽ kể về những hình ảnh đó. Nó buồn, nhưng nó là một phần quan trọng trong cuộc đời mình.

Nó có thể đánh gục mình nhưng nó cũng có thể giúp mình đứng dậy sau vấp ngã.

Bạn là người trẻ và có câu chuyện trải nghiệm về đời mình, những thành công và thất bại, những hạnh phúc và buồn đau, những khi tuyệt vọng hoặc may mắn... Bạn muốn chia sẻ câu chuyện với cộng đồng, xin hãy gửi bài về cho Tuổi Trẻ Online theo địa chỉ mail: tto@tuoitre.com.vn hoặc gửi vào phần Bình luận ngay bên dưới.

>>Đọc thêm:

- Xuân đầu tiên không có mẹ

- Mẹ đi chân trần, con đi dép

- Á hậu Hoàng Oanh: Hãy để chính mình là điều kì diệu 

CHU TRẦN MINH ĐỨC (TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên