Qua sự việc anh Nguyễn Trung Hiếu (30 tuổi, trú tại khu đô thị An Huy, TP Bắc Ninh, cán bộ Văn phòng UBND tỉnh Bắc Ninh) bị bắn chết ngay gần nhà mình vì đuổi theo bọn trộm chó, nhiều bạn đọc rất bất bình và đề nghị pháp luật phải xử thật nặng để răn đe cái ác. Trong đó, bạn đọc Lê Hữu Bằng viết: “Trộm chó là vấn nạn mà người dân bức xúc bấy lâu nay nhưng pháp luật xử chưa nghiêm (chỉ phạt hành chính) nên bọn trộm chó xem thường luật pháp mà hành động liên tục. Anh Hiếu bị mất chó nên đuổi theo mà bị thiệt mạng. Tổn thất cho gia đình anh Hiếu, ai chịu trách nhiệm?”. Bạn đọc Phan Hiền Sa đề nghị: “Theo tôi, phạm tội này không nên xử lý dân sự mà nên truy cứu hình sự cho có tính răn đe cao”.
Còn với tin “Cướp tấn công sinh viên tại ÐHQG TP.HCM”, xuất hiện trên TTO chỉ với 200 từ nhưng như “gãi đúng chỗ ngứa” của các sinh viên khu vực này. Hầu hết các ý kiến phản hồi đều cho rằng đây là nỗi bất an và cần có biện pháp ngăn chặn kịp thời để các chủ nhân tương lai yên tâm học tập.
Bạn đọc Mai Phước Lộc cho rằng đây là “chuyện không mới” bởi trước đây khu làng đại học “nổi tiếng” từ lâu với nạn trộm cắp, cướp giật và cả vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Bạn đọc Trương Hoàng Nam chia sẻ: “Tôi là sinh viên ÐHQG TP.HCM. Cũng như những sinh viên khác trong khu vực làng đại học, tôi rất bất an và bức xúc khi đọc được tin này. Bất an là vì không biết khi nào mình bị lọt vào tầm ngắm của bọn cướp. Nhưng càng bất an càng bức xúc hơn. Tại sao các cơ quan chức năng lại làm ngơ trước những mối đe dọa trực tiếp như thế? Ðồng ý là các cơ quan có điều tra, bắt giữ... Nhưng “mất bò mới lo làm chuồng” có nên chăng? Tôi nghĩ “phòng bệnh vẫn hơn chữa bệnh”, đã biết khu vực này có nhiều tệ nạn, ma túy, trộm cắp, cướp giật, hiếp dâm, hành hung... tại sao cơ quan công an không mở các chiến dịch truy quét tội phạm? Tại sao trung tâm quản lý ký túc xá không mở các lớp dạy cho sinh viên những kỹ năng xử lý khi bị tấn công?”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận