31/10/2013 12:22 GMT+7

Cần mạnh dạn đóng cửa ngân hàng yếu kém

MAI HƯƠNG - T.MAI
MAI HƯƠNG - T.MAI

TTO - Sáng 31-10, phiên thảo luận tại hội trường, đa số đại biểu cho rằng dù Chính phủ đã năng động, sáng tạo trong điều hành, có nhiều nỗ lực trong xử lý điểm nghẽn tín dụng, hàng tồn kho, nợ xấu… nhưng nền kinh tế vẫn đang rơi vào trì trệ, tăng trưởng dưới tiềm năng.

Quốc hội mổ xẻ về tình hình kinh tế xã hội

FxBNTXvm.jpgPhóng to
Đại biểu Hà Sỹ Đồng: "Báo cáo của Chính phủ chưa đánh giá hết mức độ ốm yếu của nền kinh tế. Các con số thống kê vẫn gây hoài nghi không nhỏ như nhiều ý kiến của các đại biểu vừa qua và tôi cũng đồng tình với nhận xét đó" - Ảnh: Việt Dũng

Một quyết định khó khăn

Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) đặt vấn đề: "Chưa có kỳ họp nào Quốc hội phải đưa ra quyết định về đề xuất nới bội chi, tăng phát hành trái phiếu chính phủ trong bối cảnh lần đầu tiên ngân sách hụt dự toán đến 63.000 tỷ đồng. Đây là quyết định rất khó khăn nhưng lại càng nan giải hơn khi báo cáo của Chính phú chưa đánh giá hết mức độ ốm yếu của nền kinh tế. Các con số thống kê vẫn gây hoài nghi không nhỏ như nhiều ý kiến của các đại biểu vừa qua".

Ông Hà Sỹ Đồng nhấn mạnh: "Vấn đề quan trọng số một trong tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng trong thời gian tới là các tổ chức tín dụng, trước tiên là nhóm ngân hàng lớn có tầm ảnh hưởng rộng, bao gồm cả ngân hàng của Nhà nước phải có đủ lượng vốn thực cần thiết, đảm bảo yêu cầu hoạt động an toàn đặt trong bối cảnh rủi ro kinh doanh đang ở mức cao. Ngân hàng lớn không đồng nghĩa với khỏe như ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn là một điển hình".

Muốn đạt yêu cầu đủ vốn phải kiểm tra sức khỏe tổng thể, phải đánh giá lại chất lượng, tài sản ngân hàng gồm nợ tín dụng một cách thực chất, từ đó đánh giá lại lượng vốn tự có cần thiết, số vốn thiếu hụt cần bổ sung nếu ngân hàng đó muốn giữ quy mô hoạt động hiện hành.

"Nếu không được phải cắt bỏ quy mô hoạt động, mạnh dạn đóng cửa ngân hàng, không nên tiếp tục cơ cấu lại nợ xấu, xử lý nợ xấu một cách tình thế và khiên cưỡng như hiện nay" - ông Đồng nói.

Cả nước hiện có 101 tập đoàn, tổng công ty và 2 ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ 100% vốn. Những yếu kém và bất cập của doanh nghiệp Nhà nước thể hiện ở những vấn đề: hiệu quả kinh tế, sức cạnh tranh của doanh nghiệp Nhà nước còn hạn chế; ra nhiều chỉ thị, thông tư nhưng không chấp hành nghiêm chỉnh.

Cần xác định, phân biệt rõ vai trò chủ đạo của kinh tế Nhà nước. Chính phủ nên hỗ trợ ở tầm vĩ mô cho các doanh nghiệp lớn để các doanh nghiệp đó đủ sức tự vươn lên cạnh tranh quốc tế, không nên trao cơ chế độc quyền hay ưu ái đặc biệt cho bất cứ doanh nghiệp nào. Không nên bơm tiền vào doanh nghiệp nhà nước đã một lần làm ăn thua lỗ, nợ đầm đìa, mất khả năng thanh toán mà nên dùng sự ưu ái đó cho doanh nghiệp làm ăn hiệu quả, có đóng góp cho xã hội dù doanh nghiệp đó thuộc bất kỳ thành phần kinh tế nào.

Chính phủ nói màu hồng, quốc hội nói màu xám, nhân dân nói màu tối

Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) đặt vấn đề: Tăng trưởng năm nay mà cao hơn năm ngoài thì đáng nghi ngờ bởi: tăng trưởng tín dụng 9 tháng đầu năm chỉ 6,8%, thu ngân sách hụt đến hơn 20.000 tỷ; có đến 42.000 doanh nghiệp “ra đi”- những doanh nghiệp đã trụ được đến 3 năm trong giai đoạn khủng hoảng thì đó là những doanh nghiệp mạnh và lớn mà còn như thế thì tình hình đã đến thế nào. "Nghe báo cáo kinh tế xã hội của Chính phủ thì thấy màu hồng, nghe báo cáo thẩm tra của Quốc hội thì thấy màu xám còn nhân dân thì nói màu tối”- ông Thuyền nói.

YPWFjOFV.jpgPhóng to

Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền: "Bây giờ nhiều nơi dân “tự xử” trong một số chuyện là sai- nhưng chính quyền phải đánh giá lại nghiêm túc vì sao lại như thế, trách nhiệm của mình tới đâu" - Ảnh: Việt Dũng

Ông Thuyền đề nghị: Về an sinh xã hội tôi đồng tình nhưng về tăng trưởng kinh tế thì tôi yêu cầu phải xem lại cho chính xác và khách quan hơn. Nó cũng như người bệnh- nếu cảm cúm thông thường thì uống thuốc cảm là khỏi, nhưng cảm cúm nặng thì phải có thuốc đặc trị khác.

Đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) nhận xét: Nền kinh tế của ta đang đi xuống đáy. Chính phủ nói kinh tế đang trên đà phục hồi nhưng thực sự còn quá nhiều vấn đề đáng lo, nhất là việc bội chi ngân sách. Yêu cầu của luật ngân sách là bội chi phải dùng chi đầu tư chứ chi cho trả nợ và các mục đích khác là là không thuyết phục, sai luật ngân sách.

Đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai) quyết liệt: Đề nghị chính phủ làm rõ địa chỉ trách nhiệm về quản lý nhà nước của các bộ, ngành, trung ương trong tổ chức điều hành kinh tế xã hội. Phân tích rõ nguyên nhân, trách nhiệm vì sao tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước thì rời rạc, tái cơ cấu ngân hàng thì chưa đạt yêu cầu còn tái cơ cấu đầu tư công thì chưa có đề án. Ông Vở cũng cho rằng Chính phủ cần chỉ đạo nhất quán, lộ trình đưa ra phải rõ ràng trong quy hoạch 3 vùng kinh tế trọng điểm- phải gắn với quy hoạch ngành trong từng địa phương. Sớm khắc phục phân bố nguồn lực dàn đều- khuyến khích các địa phương có nguồn lực, nguồn thu lớn có động lực phát triển.

Cán bộ xa dân, phép nước không nghiêm

Ông Nguyễn Bá Thuyền đưa ra một nhận xét khiến nhiều người suy ngẫm: “Tôi thấy càng ngày cán bộ càng xa dân, càng ít chịu nghe dân. Ngày xưa, trong chiến tranh, cán bộ chui vào nhà dân để được tiếp tế, để được che chở. Bây giờ hòa bình, dân đóng thuế trả tiền điện thoại cho cán bộ nhưng gọi thì cán bộ không nghe. Tôi nói thật, có một bộ phận không nhỏ cán bộ thấy số lạ thì không nghe; dân gửi đơn thì không trả lời. Dân đến trụ sở tiếp dân thì không gặp được lãnh đạo. Nhiều cái dân kêu hàng chục năm không ai giải quyết. Tàu hút cát chạy suốt ngày đêm- dân kêu gào thì nói chúng tôi đi giám sát hàng ngày mà không thấy... Bây giờ nhiều nơi dân “tự xử” trong một số chuyện là sai- nhưng chính quyền phải đánh giá lại nghiêm túc vì sao lại như thế, trách nhiệm của mình tới đâu.

Đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) lý giải: “Cái lo ngại nhất là kỷ luật kỷ cương, phép nước không nghiêm. Có nhiều tiêu cực trong quá trình thực hiện cơ chế chính sách. Đã có những doanh nghiệp sản xuất mía đường gửi cho chúng tôi bằng chứng cho việc thiếu minh bạch trong tạm nhập tái xuất đường, cấp quota nhập khẩu đường, cấp phép xuất khẩu đường bằng đường tiểu ngạch… Sự không minh bạch tạo cơ hội cho doanh nghiệp trốn thuế hoặc thu lợi bất chính. Cái này không chấn chỉnh sẽ dẫn tới phá sản ngành mía đường trong nước.

Theo ông Học, điều đáng buồn là chuyện kỷ luật kỷ cương chưa nghiêm, không nghiêm được nhắc đi nhắc lại nhiều lần, trong nhiều năm, trong nhiều báo cáo mà không thấy khắc phục. Cũng vì kỷ luật không nghiêm dẫn tới nói không đi đôi với làm hoặc làm chiếu lệ. Một khi kỷ luật kỷ cương chưa nghiêm chứng tỏ quyền lực nhà nước còn chưa được thực thi đầy đủ. Đây là ngyên nhân của mọi nguyên nhân, gây mất niềm tin của dân trong chỉ đạo điều hành của chính phủ.

MAI HƯƠNG - T.MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên