04/11/2022 08:21 GMT+7

Cần lời giải để xốc lại việc công

THÀNH CHUNG thực hiện
THÀNH CHUNG thực hiện

TTO - Hôm nay 4-11, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà là thành viên thứ ba của Chính phủ trả lời chất vấn.

Cần lời giải để xốc lại việc công - Ảnh 1.

Công chức khu vực 2 (TP Thủ Đức, TP.HCM) làm thủ tục trả kết quả hồ sơ hành chính cho người dân - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Vấn đề liên quan đến cán bộ, công chức, viên chức, nhất là sợ sai, sợ trách nhiệm… là một trong những điểm nóng được cử tri, đại biểu quan tâm trong thời gian qua.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS NGUYỄN TIẾN DĨNH - nguyên thứ trưởng Bộ Nội vụ - cho hay trong trả lời chất vấn của bộ trưởng Bộ Nội vụ sẽ phải đưa ra thông điệp, giải pháp về công tác tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, nhận xét, đánh giá, xử lý cán bộ nếu có vi phạm.

Nguyen-Tien-Dinh aaaa 1(Read-Only)

TS NGUYỄN TIẾN DĨNH


"Tìm việc nhẹ, né việc nặng"

* Thưa ông, ông đánh giá thế nào về thực tế ý kiến cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám làm và nói rằng thà đứng trước hội đồng kỷ luật còn hơn đứng trước hội đồng xét xử mà các đại biểu Quốc hội đã tiếp nhận?

- Tình trạng một bộ phận cán bộ, trong đó không ít lãnh đạo cơ quan, đơn vị, địa phương có tâm lý bất an, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám làm hay làm cầm chừng là có thật và đúng như các đại biểu Quốc hội đã nêu. 

Mới đây, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cũng nêu thực trạng có một số cán bộ, công chức có tâm lý "tìm việc nhẹ, né việc nặng", đùn đẩy trách nhiệm khi một việc có nhiều người làm, không hành động vì không có hướng dẫn...

Vấn đề như trên xuất hiện nhiều hơn sau thời gian chống dịch, nhất là sau khi các cơ quan chức năng xử lý mạnh tay đối với các vụ án, vụ việc, đặc biệt trong lĩnh vực y tế khi một loạt vụ án liên quan sai phạm thổi giá, đấu thầu thuốc, vật tư y tế, nhất là vụ Việt Á bị phơi bày, dẫn đến tâm lý cán bộ công chức có phần e dè, ngại.

* Về khách quan là thế, còn về yếu tố chủ quan, ông có suy nghĩ gì?

- Về nguyên nhân có thể thấy do những cán bộ, công chức không có đủ năng lực, trình độ, nhất là người đứng đầu, cộng thêm với tâm lý sợ hãi nên co cụm không dám làm. 

Bên cạnh đó, có thể có những cán bộ, công chức trước đây đã thực hiện các việc như đấu thầu có vi phạm nên giờ sợ cơ quan chức năng xử lý tiếp thì sẽ bị phanh phui. Đồng thời nếu có làm cũng không còn động lực là phần trăm lợi nhuận, lợi ích nữa nên dừng lại, không làm.

Ngoài ra còn có một số chính sách pháp luật, trong đó có các quy định về đấu thầu còn chưa hoàn chỉnh, bất cập dẫn đến làm lúc này đúng nhưng lúc sau lại sai hay làm theo luật này đúng nhưng luật kia lại sai. 

Từ đó dẫn đến cán bộ "né việc, ỷ lại" và "thà đứng trước hội đồng kỷ luật còn hơn đứng trước hội đồng xét xử" như đại biểu Quốc hội đã nêu.

Cần phải nhấn mạnh việc xử lý nghiêm khắc các vụ án, vụ việc như vậy là xác đáng, cái gì sai phải xử lý. Nhưng không phải vì xử lý mà cán bộ không làm, không dám làm hoặc chạy sang khu vực tư để tâm lý thoải mái hơn. Bởi khu vực tư vẫn có những quy định và nếu anh làm sai vẫn bị xử lý. 

Thêm vào đó, với người cán bộ nếu làm trong sáng, vì lợi ích chung, công tâm, khách quan, đúng quy định pháp luật thì không việc gì phải sợ, e dè.

* Ông có thể phân tích thêm về những hệ lụy, đình trệ do việc cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám làm gây ra?

- Có thể thấy rõ hệ quả của việc cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám làm gây ra cho nền hành chính, giải quyết các công việc, xã hội rất lớn. 

Trong đó với ngành y tế, chính tâm lý e dè, trì trệ của cán bộ sau xử lý các vụ án đã là một trong các nguyên nhân dẫn tới không dám đấu thầu, gây thiếu thuốc, trang thiết bị. 

Chính người nhà tôi cũng đã phải chờ đợi mấy tháng mới có thiết bị, vật tư để thực hiện ca mổ thay van tim tại một bệnh viện lớn. Việc này rất nguy hiểm và liên quan trực tiếp đến tính mạng của người bệnh, đồng thời gây ảnh hưởng tới niềm tin của nhân dân, xã hội.

Bên cạnh đó, chính từ tâm lý e sợ, ỷ lại đã dẫn đến vấn đề giải ngân chậm vốn đầu tư công, các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế - xã hội hay một số bộ ngành, địa phương trả lại vốn đầu tư công. 

Có thể nói sau hơn hai năm chịu ảnh hưởng của đại dịch, chúng ta đã gặp rất nhiều khó khăn và phải huy động nhiều nguồn để có vốn. Nhưng khi đã có vốn để mong phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm, tăng trưởng lên thông qua chi tiêu của Chính phủ lại bị đình trệ, không làm được thì tai hại rất ghê gớm. 

Việc chậm triển khai khiến nguồn lực của đất nước bị lãng phí rất lớn và những hệ lụy có thể còn kéo cả về sau, gây ảnh hưởng ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng kinh tế. Đây là những điều cần phải cảnh báo và có biện pháp, chế tài mạnh để xử lý.

Cần lời giải để xốc lại việc công - Ảnh 4.

Người dân làm thủ tục đất đai tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ hành chính khu vực 2, TP Thủ Đức - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Việc công không thể chỉ nói chữ sợ

* Vậy thưa ông, "liều thuốc" nào để trị "căn bệnh" không muốn làm, không dám làm, sợ sai, sợ trách nhiệm hiện nay?

- Tôi cho rằng điều quan trọng chính ở con người mà ở đây là nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu. Người đứng đầu cần thể hiện sự quyết liệt, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. 

Trước đây cũng các quy định như vậy mà anh vẫn làm được, thậm chí hăng hái thì giờ không có lý gì lại nói không làm được hay không dám làm. 

Trong khi làm, nếu phát hiện những vấn đề bất cập, thiếu sót của quy định pháp luật, cơ chế chính sách thì với trách nhiệm của mình, cán bộ cần phản ánh kịp thời với các cơ quan chức năng để xem xét chỉnh sửa, bổ sung, tháo gỡ.

Cũng cần nói thêm, đa số các cơ chế, chính sách của chúng ta đã có nhưng cũng có một số quy định, nhất là về đấu thầu, còn chưa hợp lý, có sự chồng chéo, bất cập. Do vậy, các cơ quan quản lý phải hoàn thiện lại cho chặt chẽ và phù hợp.

Bên cạnh đó, hiện nay chúng ta cũng chưa có chế tài đủ mạnh để xử lý đối với những cán bộ không làm gì hay né tránh, ỷ lại. Do vậy thời gian tới, các cơ quan có thẩm quyền nên xem xét để có những quy định cụ thể về nhận xét, đánh giá, xử lý bằng các chế tài đủ mạnh với các cán bộ, công chức thế này.

* Trong tất cả vấn đề từ thực tế mà ông đã nêu thì vai trò của Bộ Nội vụ là thế nào, thưa ông?

- Bộ Nội vụ là cơ quan quản lý nhà nước chung về cán bộ, công chức, công vụ, quản lý hành chính, tổ chức bộ máy nên về nguyên tắc có trách nhiệm trong mọi vấn đề về cán bộ, công chức. Trong đó phải hoàn thiện chính sách, pháp luật về cán bộ, công chức.

Tuy nhiên, Bộ Nội vụ không quản lý trực tiếp nên về trách nhiệm điều hành, quản lý cụ thể sẽ thuộc các cơ quan, bộ, ngành, địa phương và người đứng đầu.

Với vấn đề cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám làm cũng là một vấn đề liên quan đến công tác cán bộ. Với trách nhiệm chung của mình, Bộ Nội vụ qua kiểm tra, giám sát nếu thấy có những bất cập về chính sách, pháp luật cần đề xuất Chính phủ để bổ sung cho phù hợp.

Với phiên chất vấn này, tôi kỳ vọng sẽ được nghe bộ trưởng Bộ Nội vụ trao đổi, đưa ra những giải pháp cho các vấn đề "nổi cộm" về cán bộ trong thời gian qua.

Cần lời giải để xốc lại việc công - Ảnh 6.

Cán bộ UBND phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân giải quyết thủ tục hành chính - Ảnh HỮU HẠNH

Cần sớm thực hiện cải cách tiền lương

Bên cạnh vấn đề sợ sai, sợ trách nhiệm thì theo ông Dĩnh, việc gần 40.000 cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, thôi việc trong 2 năm rưỡi qua, nhất là sáu tháng đầu năm 2022 cũng cần phải có sự nhìn nhận, đánh giá thấu đáo.

Giải pháp cấp bách hiện nay mà Quốc hội đang bàn là tăng lương cơ sở cho công chức, viên chức từ 1-7-2023.

Tuy nhiên đây là giải pháp tình thế, còn về cơ bản, lâu dài phải sớm thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo đúng tinh thần nghị quyết 27 của Trung ương. Trong đó trả lương theo vị trí việc làm, hiệu quả công việc, vị trí quản lý.

Đồng thời, phải thực hiện tiếp tục việc tinh giản biên chế, rà soát lại chức năng nhiệm vụ của các cơ quan nhà nước để làm cho đúng. Những việc nào không đúng chức năng cần chuyển giao cho khu vực tư để làm tốt hơn.

* Đại biểu LÊ THANH VÂN (ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách):

Cần bộ tiêu chí đánh giá cán bộ cả về năng lực và hạnh kiểm

Hiện có tình trạng cuộc chiến chống tham nhũng càng làm mạnh thì sự sợ sai, sợ trách nhiệm có vẻ như gia tăng trong cán bộ, công chức, đặc biệt là giới lãnh đạo ở địa phương.

Việc này xuất phát do những người cấp trưởng hay cấp phó được giao phụ trách không có đủ năng lực, trình độ để gánh vác công việc, cộng thêm sự sợ hãi nên co cụm không dám làm.

Với nhóm cán bộ thực dụng quen làm những việc có lợi cho mình, cho lợi ích nhóm thì khi trừng trị nghiêm vi phạm, họ lại càng không dám làm. Bởi làm không có lợi và theo quy định pháp luật, không làm cũng chẳng sao nên họ không làm.

Thêm vào đó là nhóm cán bộ biết nhưng không đủ bản lĩnh, can trường để làm những việc lẽ ra phải làm.

Ngoài ra có vấn đề về cơ chế, chính sách còn chồng chéo dẫn tới làm theo luật này đúng, luật kia lại sai nên cán bộ ngại, không dám làm. Ở đây cần thấy rõ việc xử lý các vụ việc vi phạm, sai phạm vừa qua là hoàn toàn đúng và với cán bộ không làm gì rõ ràng vi phạm.

Do đó, thời gian tới cần xây dựng chế tài để xử lý những cán bộ không làm những việc lẽ ra phải làm. Hình thức kỷ luật có thể cần tương ứng như hành vi gây ra thiệt hại lớn do không làm gì.

Đồng thời, phải xây dựng lại cơ chế đánh giá cán bộ một cách tường minh, khách quan, công khai. Đặc biệt phải có bộ tiêu chí đánh giá cán bộ cả về năng lực, trình độ, hiệu quả công việc lẫn hạnh kiểm của người đó. Mỗi tiêu chí cần có điểm cộng, điểm trừ để đánh giá cụ thể.

Trong định hướng nội dung trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà có nội dung về sử dụng nhân tài, bảo vệ người dám nghĩ, dám làm nên tôi mong sẽ làm rõ câu chuyện này và phân định rõ trách nhiệm, giải pháp giải quyết câu chuyện về cán bộ sợ sai, không dám làm.

* Đại biểu Tô Thị Bích Châu (TP.HCM):

Chính sách đột phá về biên chế?

Trong báo cáo kết quả giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021, đoàn giám sát của Quốc hội vừa kiến nghị giao Bộ Nội vụ rà soát, đánh giá lại việc giao, quản lý biên chế, sớm khắc phục tình trạng tinh giản biên chế một cách cơ học hoặc bình quân tại tất cả cơ quan, đơn vị như hiện nay.

Đồng thời, làm rõ căn cứ xác định biên chế khối sự nghiệp trong lĩnh vực giáo dục, y tế ở các địa phương dân số đông, không có điều kiện xã hội hóa các đơn vị sự nghiệp công lập để giảm số lượng biên chế của ngành.

Đây là một công việc rất quan trọng, bởi những bất cập trong việc giao cào bằng biên chế đang gây khó khăn cho nhiều địa phương, nhất là các đô thị đặc biệt như TP.HCM. Thực tế, việc cào bằng biên chế đến tận phường, xã, thị trấn chưa tạo sự công bằng trong phục vụ nhân dân.

Qua rà soát, đánh giá, tôi rất mong Bộ Nội vụ, mà trách nhiệm đứng đầu là bộ trưởng Bộ Nội vụ, sẽ đề xuất những chính sách đột phá chủ động phân công cho biên chế mỗi địa phương theo quy mô và đặc thù dân cư để có thể đạt hiệu quả phục vụ người dân.

TIẾN LONG ghi

Tăng lương có giữ chân được cán bộ, công chức? Tăng lương có giữ chân được cán bộ, công chức?

TTO - Cán bộ, công chức, viên chức ồ ạt nghỉ việc và chuyển ra khu vực tư: do lương thấp, áp lực công việc nặng nề hay do những lý do khác? Chủ đề này được các đại biểu Quốc hội mổ xẻ, tranh luận tại phiên thảo luận ở hội trường ngày 27-10.

THÀNH CHUNG thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên