22/10/2019 10:24 GMT+7

TP.HCM cần lập khu thương mại tự do kiểu phố Đông Thượng Hải

NGỌC AN thực hiện
NGỌC AN thực hiện

TTO - Để TP.HCM trở thành trung tâm tài chính của khu vực và quốc tế, cần tham vấn ý kiến các nhà đầu tư tài chính quốc tế. Trước mắt, nên tính xây dựng một khu thương mại tự do theo mô hình phố Đông Thượng Hải.

TP.HCM cần lập khu thương mại tự do kiểu phố Đông Thượng Hải - Ảnh 1.

Các kỹ sư phần mềm của FPT làm việc tại Khu công nghệ cao TP.HCM - Ảnh: T.T.D.

TP.HCM cần thuê tập đoàn quốc tế xây dựng quy hoạch trung tâm tài chính quốc tế. Sau đó, TP.HCM phải mời được các tập đoàn tài chính quốc tế đến để tham vấn ý kiến.

GS VÕ ĐẠI LƯỢC

Trao đổi với Tuổi Trẻ, GS VÕ ĐẠI LƯỢC - nguyên viện trưởng Viện Kinh tế và chính trị thế giới, người từng chắp bút xây dựng đề án trung tâm tài chính thế giới tại Bắc Vân Phong (Khánh Hòa), nói:

- Để trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế, trước hết TP.HCM cần phát huy và cải cách tốt hơn những năng lực hiện có, đặc biệt phải thu hút được nhà đầu tư lớn, chất lượng cao.

Thu hút những "ông lớn" ngoại

* Theo ông, những yếu tố nào là nền tảng để xây dựng một trung tâm tài chính tầm khu vực, quốc tế?

- Để trở thành trung tâm tài chính quốc tế thì yếu tố tiên quyết là phải xem có tập đoàn tài chính quốc tế đến không. Có thể ở một địa phương hội tụ đủ các yếu tố về kinh tế, thương mại, vị trí địa lý... nhưng nếu các nhà tài chính quốc tế không đến thì không có ý nghĩa.

Hiện nay chỉ có 12 trung tâm tài chính quốc tế thôi, và ở khu vực châu Á chỉ có Singapore, Hong Kong, Tokyo, còn lại là ở châu Âu và châu Mỹ. Nhiều nước lớn như Trung Quốc, Hàn Quốc cũng được đánh giá là chưa thực sự có. Đặc biệt, các nước đang phát triển chưa nước nào có cả.

Lý do cơ bản là các nước đang phát triển chưa mở cửa thị trường vốn, đồng tiền chưa mở cửa tự do. Muốn các tập đoàn tài chính vào thì đồng tiền phải được chuyển đổi tự do, mới hoạt động được. Trung Quốc muốn lập trung tâm tài chính phố Đông Thượng Hải và bỏ ra khá nhiều tiền nhưng tập đoàn tài chính thế giới không đến, nên đây sẽ là thách thức.

Từng có ý kiến đưa ra về 4 chỉ tiêu của trung tâm tài chính mà TP.HCM hội tụ như là vị trí, danh tiếng, môi trường kinh doanh, mức độ đa dạng sản phẩm dịch vụ tài chính. Tôi cho rằng những tiêu chí trên cũng là cần thiết, nhưng như tôi đã nói, tiêu chí quyết định nhất là các tập đoàn tài chính quốc tế có đến không.

Thực tế ở Bắc Vân Phong không có cả 4 tiêu chí nêu ra nhưng đã có tập đoàn tài chính quốc tế chọn vị trí này. Khi các tập đoàn tài chính lớn đến sẽ tạo nên sự hấp dẫn về vị trí, danh tiếng, thúc đẩy môi trường kinh doanh và tạo sự đa dạng về sản phẩm dịch vụ tài chính ở một đẳng cấp cao.

Nên theo mô hình Thượng Hải

* Điều quan trọng và rất khó là một trung tâm tài chính cần có một thể chế phát triển xứng tầm?

- Đúng là để thu hút được các tập đoàn tài chính cần phải xây dựng một thể chế hợp với mô hình này.

Như khi xây dựng trung tâm tài chính Bắc Vân Phong, toàn bộ quyền quyết định về kinh doanh trong trung tâm đó được đề nghị phải do phía nước ngoài quyết định. Việt Nam sẽ quyết định về đối ngoại, an ninh quốc phòng. Thậm chí sở hữu đất đai cũng phải có cơ chế riêng... Dubai là đô thị tài chính thứ 12 thế giới, bản chất cũng là do Mỹ làm.

* Vậy theo ông, TP.HCM cần làm gì để hình thành nên một trung tâm tài chính?

- Muốn làm, trước tiên TP.HCM cần thuê tập đoàn quốc tế xây dựng quy hoạch trung tâm tài chính quốc tế. Sau đó, TP.HCM phải mời được các tập đoàn tài chính quốc tế đến để tham vấn ý kiến.

Ngoài ra, bây giờ là thời đại kinh tế tri thức 4.0, thời đại kinh tế công nghiệp và tài chính đang đi qua rồi. Tôi cho rằng TP.HCM cần phải xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo để nhập khẩu bằng phát minh sáng chế, thu hút trung tâm nghiên cứu phát triển (R&D), thúc đẩy khởi nghiệp, sáng tạo để bứt phá.

Các khu công nghệ cao của TP.HCM hiện thế mạnh chủ yếu vẫn là làm chip điện tử. Đấy chưa phải là khu công nghệ cao mà là công nghiệp hiện đại, trong khi các trung tâm R&D lại quá ít. Trung tâm công nghệ cao cần được hình thành, như khu Thiên Tân (Trung Quốc) có đến 80% là R&D.

Thứ hai, TP.HCM cho đến nay không có "cửa" nào thực sự mở cả. Như Khu chế xuất Tân Thuận, so với thời đại là lạc hậu rồi. Thượng Hải có đặc khu kinh tế phố Đông nhưng xây dựng khu thương mại tự do rất phát triển. Do đó, tôi kiến nghị TP.HCM nên tập trung xây dựng khu thương mại tự do theo mô hình phố Đông Thượng Hải, xem đó là cửa mở để tạo cú hích.

Cần cải tổ các khu công nghiệp theo hướng chuỗi giá trị, ví dụ như một khu công nghiệp chuyên về ngành hàng lĩnh vực nào đó có thế mạnh để tạo nên chuỗi giá trị có tính chuyên môn hóa.

Không phụ thuộc vào ý chí chủ quan

* Ở Việt Nam từng có nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn xây dựng trung tâm tài chính tại Bắc Vân Phong, Khánh Hòa?

- Năm 2013, tập đoàn tài chính của Mỹ đầu tư 300 tỉ USD để xây dựng một trung tâm tài chính quốc tế ở khu vực Bắc Vân Phong, Khánh Hòa. Dự án này được xây dựng và trình lên Chính phủ nhưng sau đó không được thông qua.

Nhìn từ góc độ thị trường, tính hấp dẫn của Việt Nam trong thu hút nhà đầu tư tài chính cho thấy các tập đoàn tài chính đã chọn Việt Nam, vấn đề là họ nhắm đến địa điểm nào. Thực tế chuyện có hình thành được trung tâm tài chính quốc tế hay không rất khó phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của chúng ta, dù có thể hội tụ nhiều điều kiện, nhiều yếu tố thuận lợi mà chúng ta cho rằng đủ hấp dẫn.

* Ông Alwaleed Alatabani (trưởng Ban tài chính, cạnh tranh và đổi mới của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam):

Cần môi trường pháp lý và kinh tế lành mạnh

Để hình thành được một trung tâm tài chính quốc tế đúng nghĩa như TP.HCM mong muốn, môi trường kinh tế và pháp lý lành mạnh hỗ trợ thị trường mở một cách hiệu quả chính là điều kiện tiên quyết cần chú ý.

Muốn vậy, đòi hỏi một chiến lược toàn diện để phát triển ngành tài chính và thiết lập các nội dung cơ bản để cạnh tranh khi cung cấp các dịnh vụ tài chính. Chẳng hạn, chuẩn mực kế toán Việt Nam phải được quốc tế chấp nhận để thúc đẩy niềm tin vào thị trường tài chính, hệ thống thanh toán, thanh toán bù trừ và quyết toán. Điều này sẽ hỗ trợ thực hiện các hoạt động tài chính quốc tế và xuyên biên giới bởi nó phải thật sự an toàn và hiệu quả...

TRẦN VŨ NGHI

Tuổi Trẻ mở diễn đàn hiến kế xây dựng TP.HCM thành trung tâm tài chính

TP.HCM trở thành trung tâm tài chính của khu vực và quốc tế không chỉ là mục tiêu của các nhà lãnh đạo, quản lý mà còn là khát vọng của các doanh nhân, trí thức và người dân sống tại TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung. Làm sao để đạt được khát vọng đó? Những thách thức nào phải đối mặt? Các giải pháp nào để triển khai? Bắt đầu từ đâu? Và cần những chính sách gì để thúc đẩy sớm đạt mục tiêu này?

Để tạo cầu nối ghi nhận các ý kiến đóng góp, sáng kiến của người dân, giải pháp và phản biện của các chuyên gia trong và ngoài nước, báo Tuổi Trẻ tổ chức diễn đàn sáng kiến hiến kế xây dựng thành phố với chủ đề "Làm thế nào để TP.HCM trở thành trung tâm tài chính của khu vực".

Kính mời bạn đọc tham gia diễn đàn bằng cách gửi ý kiến đóng góp, hiến kế về địa chỉ: 60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM hoặc gửi qua địa chỉ email: kinhte@tuoitre.com.vn hay tto@tuoitre.com.vn.

TP.HCM thành trung tâm tài chính: Không nhất thiết TP.HCM thành trung tâm tài chính: Không nhất thiết 'giống' London hay New York

TTO - Nhiều chuyên gia cho rằng TP.HCM không đủ điều kiện và cũng không nhất thiết phải trở thành các trung tâm tài chính đã tồn tại trên thế giới như Thụy Sĩ, London, Tokyo, New York, Seoul… mà hướng tới mô hình tương lai, với hướng đi riêng.

NGỌC AN thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên