21/01/2022 08:00 GMT+7

Cần làm gì khi nhỡ lịch tiêm nhắc viêm não Nhật Bản cho trẻ

V.T.K
V.T.K

Chủ động theo dõi lịch tiêm chủng viêm não Nhật Bản và ghi nhớ các giai đoạn tiêm nhắc cho trẻ trên 5 tuổi giúp cha mẹ bảo vệ con khỏi căn bệnh nguy hiểm này.

Cần làm gì khi nhỡ lịch tiêm nhắc viêm não Nhật Bản cho trẻ - Ảnh 1.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh - nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM)

Viêm não Nhật Bản (VNNB) là bệnh lý nguy hiểm có thể gặp ở nhiều độ tuổi nhưng phổ biến là ở trẻ em dưới 15 tuổi. Nếu người bệnh không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, nhiều khả năng dẫn đến tử vong hay để lại di chứng nặng nề.

Dưới đây là những chia sẻ cụ thể của bác sĩ Trương Hữu Khanh - nguyên trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) về căn bệnh này và các vấn đề quan trọng phụ huynh cần lưu ý.

* Bác sĩ có thể cho biết thêm về những ảnh hưởng nghiêm trọng của bệnh VNNB đến sức khỏe của trẻ?

- VNNB là tình trạng nhiễm trùng nghiêm trọng của não gây ra do virus viêm não Nhật Bản. Đây là một loại virus thuộc họ flavivirus có liên quan đến bệnh sốt xuất huyết, sốt vàng, bệnh Zika… Tại Việt Nam, bệnh phổ biến vào mùa hè, thời tiết nắng nóng tạo điều kiện muỗi sinh sản và lây nhiễm nguồn bệnh. 

Phần lớn các ca nhiễm thường rơi vào trẻ nhỏ dưới 15 tuổi, đặc biệt độ từ 2 đến 8 tuổi. Đây là giai đoạn hệ miễn dịch còn nhiều yếu kém và ở trẻ có sự phát triển mạnh mẽ về ham muốn tìm tòi, khám phá thế giới. Tuy nhiên, sự ham học hỏi, tiếp xúc với cộng đồng này của con có thể bị cản trở bởi căn bệnh VNNB khi tỉ lệ tử vong có thể lên đến 30% và khoảng 25 - 35% để lại nhiều di chứng nặng nề. 

Triệu chứng bệnh khởi phát đột ngột, một trẻ đang khỏe mạnh bắt đầu với sốt cao 39 - 40 độ C, kèm theo đó là đau đầu, buồn nôn, co giật, co cứng cơ và lú lẫn. Trẻ em mắc bệnh VNNB thường hôn mê sâu và phải thở máy, việc điều trị các triệu chứng gặp nhiều khó khăn. Ngay cả khi tỉ lệ tử vong đã giảm nhưng di chứng bệnh vẫn ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe tinh thần và thể chất của trẻ trong tương lai.

Cứ 3 người mắc bệnh VNNB thì có 1 người trở nặng có thể dẫn đến tử vong do nhiễm trùng. Phần còn lại các triệu chứng cải thiện dần, có thể mất vài tháng để phục hồi hoàn toàn và một nửa trong số đó có thể bị tổn thương não vĩnh viễn. Do đó, việc nhận biết các triệu chứng bệnh có vai trò quan trọng đối với khả năng sống còn của bệnh nhân.  

Mặt khác, đến thời điểm hiện tại, VNNB không có thuốc đặc trị. Việc điều trị chủ yếu chỉ là giảm nhẹ các triệu chứng, phối hợp với các biện pháp hỗ trợ cần thiết để nâng cao thể chất và sức khỏe của trẻ. Chính vì vậy, công tác phòng bệnh là vô cùng cần thiết.

Hiện nay, tiêm chủng vắc xin là biện pháp duy nhất để phòng ngừa bệnh. Đồng thời, việc tiêm nhắc là cần thiết để có hệ miễn dịch lâu dài.

* Đâu là thời điểm thích hợp nhất để tiêm chủng vắc xin VNNB thưa bác sĩ?

- Trong chương trình tiêm chủng mở rộng, trẻ từ 12 tháng tuổi sẽ được tiêm 3 mũi cơ bản. Tiêm mũi 1 khi trẻ được 1 tuổi, mũi 2 sau mũi 1 từ 1 - 2 tuần giúp tăng hiệu lực bảo vệ trên 80% và tiêm mũi 3 sau mũi 2 tầm 1 năm, lúc này hiệu lực bảo vệ đạt 90-95%.

Sau đó, với vắc xin bất hoạt, cứ 3-4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi. Thực tế, mũi tiêm nhắc không còn thuộc chương trình tiêm chủng quốc gia nên nhiều phụ huynh thường xao nhãng việc này do tưởng rằng 3 mũi cơ bản là đã đủ.

Cần làm gì khi nhỡ lịch tiêm nhắc viêm não Nhật Bản cho trẻ - Ảnh 2.

Nguồn: Shutterstock

Tuy nhiên, đây thực sự là một quan niệm sai lầm vì theo thời gian, kháng thể sẽ giảm dần và virus có cơ hội tấn công cơ thể. Chính vì vậy, việc tiêm nhắc là cách bổ sung kháng thể cho cơ thể để phòng bệnh hiệu quả.

Một lầm tưởng khác của cha mẹ là bổ sung đầy đủ dinh dưỡng, vận động thể lực thường xuyên là có thể thay thế được tiêm ngừa vắc xin. Điều này không đúng vì các hoạt động thể chất không thể giúp trẻ tránh được nguy cơ viêm não Nhật Bản nên việc tiêm vắc xin đủ và đúng là rất cần thiết.

Nếu trẻ đã tiêm đủ mũi và đúng lịch của các mũi cơ bản trước đây, thì nay khi trẻ đủ 5 tuổi là đã đến lúc cần được tiêm nhắc lại. Nếu trẻ đã lỡ mũi tiêm này lúc tròn 5 tuổi và đến nay chưa tiêm lại, phụ huynh nên sắp xếp đưa cháu đi tiêm bù càng sớm càng tốt để có miễn dịch lâu dài. 

Một tin vui là hiện nay đã có vắc xin sống giảm độc lực là loại vắc xin thế hệ mới chỉ cần tiêm nhắc một liều duy nhất cho trẻ đã tiêm đủ 3 mũi cơ bản trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Mũi nhắc duy nhất này đủ bảo vệ lâu dài & trẻ không cần phải tiêm lại thêm sau đó. Từ đó giúp thuận tiện hơn cho phụ huynh khi đưa trẻ đi tiêm ngừa.

* Các bậc phụ huynh cần lưu ý gì trong việc tiêm vắc xin cho trẻ?

Tại Việt Nam, tiêm phòng vắc xin VNNB đã được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng từ năm 1997 giúp số ca bệnh giảm mạnh từ 2.000 - 4.000 xuống còn chừng 200 ca mắc mỗi năm . Tuy nhiên, thời điểm dịch bệnh COVID-19 bùng phát đã làm gián đoạn công tác tiêm ngừa này và ảnh hưởng đến việc tiêm nhắc hàng năm. Vậy, phụ huynh nên làm gì nếu nhỡ lịch tiêm nhắc cho trẻ trên 5 tuổi?

Nếu cha mẹ có con đang ở độ tuổi tiêm phòng, không nhớ hoặc nhỡ lịch tiêm, tốt nhất nên kiểm tra lại thời gian trong sổ tiêm chủng và nhanh chóng đưa con đến bác sĩ để được tư vấn loại vắc-xin và lộ trình tiêm nhắc phù hợp với thể trạng của trẻ.

Ngoài ra, cha mẹ đừng quên giữ môi trường sống xung quanh, vệ sinh, rửa tay với xà phòng, đảm bảo an toàn thực phẩm, ăn chín, uống chín. Khi ngủ cần mắc màn, thường xuyên sử dụng các biện pháp xua, diệt muỗi và không để trẻ em chơi gần chuồng gia súc để bảo vệ sức khỏe con toàn diện.

Nội dung này nằm trong chương trình giáo dục sức khỏe cộng đồng, được phối hợp thực hiện bởi Hội Y học dự phòng Việt Nam và công ty Sanofi Việt Nam.

V.T.K
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên