
Ông Michael Minsoo Chung - giám đốc điều hành Cerberus Esports - chia sẻ cùng nhiều học sinh, phụ huynh tại BRIS Primary sáng 10-4 - Ảnh: TRỌNG NHÂN
Tuyển thủ Esports là trình độ 'hoàn toàn khác'
Đây là chia sẻ thú vị của ông Michael Minsoo Chung - giám đốc điều hành Cerberus Esports - trong buổi đối thoại cùng học sinh được tổ chức tại Trường BRIS Primary (TP.HCM) ngày 10-4.
Cerberus Esports hiện là một trong những đội Esports (thể thao điện tử) nổi tiếng và giàu thành tích nhất tại Việt Nam hiện nay.
Ông Chung nhìn nhận: "Không phải ai chơi game nhiều, chơi game giỏi cũng trở thành vận động viên Esports chuyên nghiệp. Trở thành tuyển thủ Esports là một trình độ hoàn toàn khác, một câu chuyện hoàn toàn khác".
Là người trực tiếp tuyển chọn và đào tạo các vận động viên Esports tham dự đấu trường quốc tế, ông Chung nhận thấy các game thủ chuyên nghiệp không chỉ cần phản xạ tốt hay chỉ số kỹ thuật cao, mà còn cần khả năng làm việc nhóm, tư duy chiến thuật, kỷ luật nghiêm khắc và đặc biệt là một thể lực ổn định.
Hiện nay nhiều bạn trẻ vẫn nghĩ Esports là lối tắt đến "giấc mơ triệu đô". Nhưng theo thống kê từ Hiệp hội Thể thao điện tử Việt Nam, chưa đến 1% game thủ có thể bước chân vào giải chuyên nghiệp, và chỉ một phần rất nhỏ trong số đó có thể sống được bằng nghề lâu dài.
Trước thực tế này, để lượng giá bản thân có thể trở thành một tuyển thủ Esports chuyên nghiệp hay không, ông thẳng thắn: nếu không liên tục ở trong top 10 của các giải đấu, bạn nên chọn hướng đi khác.
"Esports là một nghề thực sự, sẽ không có chỗ cho sự mơ hồ", ông nói.
Giữ đam mê, nhưng học vẫn là nền tảng
Chia sẻ trước những học sinh, ông Chung gửi gắm lời khuyên rõ ràng: "Việc học phải đặt lên hàng đầu. Hãy giữ đam mê chơi game như một hình thức giải trí, nhưng đừng quên đi trách nhiệm học tập".
Ông bật mí nhiều tuyển thủ Esports thành công tại Cerberus đều là những người từng có nền tảng học tập tốt.
"Vì họ biết cách tổ chức thời gian, tự quản lý bản thân và tiếp thu chiến thuật nhanh, những năng lực không thể thiếu trong môi trường thi đấu đỉnh cao", ông nói.
Ông Chung đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của sự cân bằng. Theo ông, chơi game, xem phim hay lướt TikTok, đều có thể gây nghiện nếu không kiểm soát được.
Trước lo lắng của nhiều phụ huynh về việc con mình "nghiện game", ông Chung cho rằng không nên cấm, bởi nếu vậy, trẻ sẽ giấu, lén lút và sẽ khó kiểm soát hơn.
Quan trọng nhất là đặt ra giới hạn cho con. Chẳng hạn, phụ huynh cần đồng hành, đặt ra nguyên tắc: học xong mới được chơi, chơi trong bao lâu là đủ, và cần biết điểm dừng.
"Trẻ em rất dễ bị cuốn theo cảm xúc, nên vai trò định hướng, giám sát của người lớn là vô cùng quan trọng", ông nói.
Game thủ Esports cũng cần… thể lực
Một trong những điều bất ngờ nhất với các học sinh hôm đó là chia sẻ của ông Chung về việc các tuyển thủ Esports chuyên nghiệp cũng phải tập thể dục, tập gym hằng ngày.
Các game thủ vẫn có lịch trình luyện tập thể lực không khác gì vận động viên truyền thống. Đó là bởi thi đấu căng thẳng, áp lực cao, nếu không có sức khỏe sẽ không trụ nổi.
Tương tự với các học sinh, ông Chung cho rằng các bạn nên tập thể dục, rèn luyện thể chất để phát triển toàn diện. Một thể chất có mạnh thì mới cung cấp đủ sức cho trí tuệ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận