09/01/2016 00:10 GMT+7

​Cần hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thực chất

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ

Các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nhìn chung vẫn chưa đáp ứng hết mong muốn của doanh nghiệp, bởi nhiều chính sách mới dừng lại ở nội dung “khuyến khích”.

Vì thế, thời gian tới, biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp sẽ tập trung thúc đẩy, tạo điều kiện về cơ chế, chính sách và tài chính theo hướng đồng bộ, kịp thời và đúng mục đích.

Đóng góp 45% GDP

Theo báo cáo của Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ KH&ĐT), trong 5 năm qua có 380.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa được thành lập, vượt cao so với mục tiêu là 350.000.

Như vậy, đến nay cả nước có 535.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động. Hiện, khối doanh nghiệp này đóng góp khoảng 45% vào GDP, 31% vào tổng số thu ngân sách và chiếm khoảng 35% vốn đầu tư của cộng đồng doanh nghiệp nói chung, thu hút hơn 5 triệu việc làm và đóng góp gần 50% vào tốc độ tăng trưởng kinh tế quốc gia hằng năm.

Tuy nhiên, tỉ trọng vốn đầu tư của doanh nghiệp nhỏ và vừa so với doanh nghiệp quy mô lớn (gồm cả doanh nghiệp Nhà nước) lại biến đổi rất mạnh qua từng năm. Theo Cục Phát triển doanh nghiệp, xu hướng này cho thấy việc đầu tư của khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa không ổn định và không dài hạn.

Trong giai đoạn 5 năm tiếp theo, khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ có các mục tiêu như số doanh nghiệp thành lập mới là 450.000; số doanh nghiệp hoạt động đến 2020 là 700.000, chiếm 98% số doanh nghiệp toàn quốc, tỉ trọng đầu tư chiếm 50%, tỉ lệ lao động là 50%, đóng góp vào ngân sách là 35%.

Sẽ thêm nhiều chính sách hỗ trợ

Tại một hội thảo về kế hoạch phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2016-2020 mới được tổ chức, nhiều chuyên gia được báo chí dẫn lời đánh giá các biện pháp hỗ trợ nhìn chung vẫn chưa đáp ứng hết mong muốn của doanh nghiệp bởi nhiều chính sách mới dừng lại ở nội dung “khuyến khích”. Hơn nữa, sự liên kết giữa các bộ, ngành cũng như sự quan tâm đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa của các địa phương còn thiếu.

Mặt khác, bản thân các doanh nghiệp cũng có những hạn chế, yếu kém về vốn, mặt bằng, thông tin cũng như nguồn lực để “hấp thụ” chính sách, hỗ trợ.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đặng Huy Đông được báo giới dẫn lời cho biết, nhằm đáp ứng nhu cầu và hoạt động khởi nghiệp một cách thực chất, các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp sẽ tập trung thúc đẩy, tạo điều kiện về cơ chế, chính sách và tài chính theo hướng đồng bộ, kịp thời và đúng mục đích để doanh nghiệp tận dụng, thụ hưởng.

Doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ, khuyến khích trí sáng tạo, đổi mới để sản xuất ra những sản phẩm độc đáo, có giá trị gia tăng cao cũng như có thể tồn tại, cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước; trong đó nhấn mạnh mục tiêu xuất khẩu. Bên cạnh đó, theo ông Đông, dự báo các chương trình trợ giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ dành khoảng 3.000 tỉ đồng để phân bổ vào một số chương trình, hoạt động cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp.

Trong thời gian qua, Chính phủ và cụ thể là Bộ KH&ĐT đã xây dựng nhiều chính sách tạo điều kiện thông thoáng để phát triển doanh nghiệp trong đó có doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đồng thời, bộ đã được Chính phủ cho phép thành lập quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Với nhiệm vụ tiếp nhận, quản lý và sử dụng vốn do ngân sách Nhà nước cấp là 2.000 tỉ đồng cùng với nguồn vốn trong và ngoài nước theo quy định, Quỹ này sẽ cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa theo phương thức ủy thác cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam hoặc các ngân hàng thương mại. Việc cho vay dựa trên nguyên tắc các ngân hàng tự quyết định cho vay và chịu rủi ro tín dụng đối với các dự án vay.

Mức vốn cho vay đối với mỗi dự án, phương án sản xuất kinh doanh tối đa bằng 70% tổng mức vốn đầu tư của từng dự án, phương án đó (không bao gồm vốn lưu động) nhưng không quá 30 tỉ đồng.

Ngoài ra, một dự thảo luật về những chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa đang được gấp rút soạn thảo thay vì một nghị định như trước đây. Luật này được soạn thảo nhằm hoàn thiện khung pháp lý cho việc tập trung các nguồn lực hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm thúc đẩy khu vực này phát triển, góp phần vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế.

Vào ngày 7-8, Thủ tướng Chính phủ đã phân công cơ quan chủ trì soạn thảo 21 dự án luật, pháp lệnh được điều chỉnh trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII, năm 2015 và chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016. Theo đó, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa do Bộ KH&ĐT chủ trì soạn thảo, trình Chính phủ vào tháng 7-2016.

Trước đó, theo Nghị quyết số 89/2015/QH13, Quốc hội đã thông qua chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016, trong đó có Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Dự thảo Luật này sẽ được Quốc hội khóa XIV cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2, dự kiến vào tháng 10-2016.

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên