![]() |
Việc người dân buộc phải photo nhiều giấy tờ làm quá tải phòng công chứng |
Tuy nhiên đây chỉ là “một dấu một cửa” tại UBND quận chứ không phải cho toàn bộ qui trình. Qua quá trình tìm hiểu tôi nhận thấy để làm được một hồ sơ người dân vẫn phải đi qua rất nhiều đơn vị hành chính nhà nước một cách hết sức mệt mỏi và phi lý. Theo tôi thấy có ba vấn đề cần phải chấn chỉnh nếu muốn có một dấu một cửa thật sự.
Thứ nhất, các cơ quan quản lý nhà nước không chịu làm việc với nhau; đây chính là yếu tố làm cho người dân phải đi lại nhiều lần và qui trình “một dấu một cửa” chỉ được thực hiện tại UBND quận.
Tại sao chúng ta không “một dấu một cửa” cho toàn bộ qui trình, người dân chỉ nộp hồ sơ tại một điểm và quá trình luân chuyển hồ sơ để xử lý do cơ quan nhà nước thực hiện. Ví dụ để làm hồ sơ cấp phép xây dựng hoặc cấp giấy chứng nhận QSHNƠ&QSDĐƠ người dân chỉ cần đến phường nộp và hồ sơ cứ thế chạy cho đến khi người dân được thông báo đóng thuế.
Như vậy người dân chỉ phải đi lại ba lần, một lần nộp ở phường, một lần đóng thuế và một lần nhận hồ sơ. Hiện nay để làm một hồ sơ cấp giấy chứng nhận nếu không có bất cứ một vướng mắc nào chắc chắn người dân phải đi lại không ít hơn 10 lần.
Thứ hai, các cơ quan nhà nước không chịu sử dụng kết quả của nhau: đây là tệ nạn làm quá tải trong công chứng tại phường, làm cho việc lưu trữ hồ sơ trùng lắp và người dân phải đi lại nhiều lần. Ngay trong một đơn vị hành chính, để thực thi một qui trình tiếp theo qui trình trước người dân vẫn phải photo đầy đủ các loại giấy tờ mặc dù giấy đó vừa được chính cơ quan đó cấp trong tháng trước.
Còn với một qui trình có nhiều đơn vị tham gia thì hầu như đến bất cứ đâu cũng phải nộp đầy đủ giấy tờ hoặc phải chứng đi chứng lại cũng nội dung đó nhưng theo các biểu mẫu riêng khác nhau. Ví dụ trong qui trình cấp giấy chứng nhận QSHNƠ&QSDĐƠ mặc dù phường đã chứng nhận nguồn gốc đất trong kê khai và quận đã thụ lý hồ sơ cấp giấy chứng nhận nhưng khi sang thuế, người dân lại phải đến phường chứng lại nguồn gốc trên tờ khai thuế mặc dù trong hồ sơ nộp thuế đã có bản kê khai nhà đất được phường chứng nguồn gốc đất kèm theo.
Hoặc ví dụ xin cấp chứng nhận hoàn thành công trình người dân phải photo một bộ hồ sơ đầy đủ như xin phép xây dựng kèm photo giấy phép xây dựng, mặc dù tất cả giấy tờ đó đã được lưu trữ tại quận. Có lẽ VN là đất nước sử dụng máy photo nhiều nhất và nếu ai tỉ mẩn tính sự lãng phí giấy để photo thì sẽ là một con số khổng lồ.
Thứ ba, các cơ quan nhà nước không nỗ lực để giảm phiền hà cho dân: theo tôi hiểu, cải cách thủ tục hành chính sẽ không được thực thi khi đơn vị chức năng TP ban hành, các đơn vị cấp dưới rất thụ động và không nỗ lực cải cách thủ tục hành chính. Bản thân đơn vị cấp TP chỉ cải cách được các qui trình mang tính tổng quát, nhưng vấn đề ở đây là trong mỗi qui trình tổng quát là rất nhiều bước mà chỉ có các bộ phận thụ lý mới có thể hiểu và cải cách được.
Ví dụ tại Q.Tân Bình, khi tôi đi nộp tiền sử dụng đất với trường hợp không phải đóng tiền hạ tầng nếu như có giấy xác nhận con hẻm nhà tôi là nhân dân tự bỏ tiền ra làm. Để giải quyết hồ sơ nhanh chóng, hàng xóm mách bảo nhau cần làm giấy xác nhận qua tổ dân phố, sau đó ra UBND phường ký. Tôi đã làm đầy đủ thủ tục nhưng khi nộp hồ sơ cho thuế thì thuế hướng dẫn phải cầm giấy xác nhận nộp phòng quản lý đô thị quận để quận làm công văn gửi thuế.
Tôi hết sức kinh ngạc hỏi như vậy chủ tịch phường ký cũng không có giá trị sao, tại sao giữa thuế và quận không làm việc với nhau theo hình thức quận gửi thuế danh sách các con đường nhân dân tự bỏ tiền ra làm, cán bộ thuế trả lời đây là thủ tục qui định.
Đến nộp tại phòng quản lý đô thị, tôi đặt vấn đề với người nhận đơn, nếu chỉ cần gửi một danh sách sẽ thay cho 100 công văn quận phải làm cho 100 hộ và mỗi đơn xác nhận mất 10 ngày, cán bộ nhận đơn trả lời không biết (mặc dù khi nhận được công văn xác nhận của phòng QLĐT tôi thấy lời lẽ xác nhận rất chung chung, không bằng xác nhận của phường). Và cứ như vậy qui trình tổng quát được qui định và kiểm soát bởi đơn vị TP nhưng trong đó rất nhiều “qui trình con” đến tức cười mà hình như cán bộ không biết và rất vô trách nhiệm khi người dân có ý kiến.
Tôi là người rất quan tâm đến cải cách thủ tục hành chính, đã quan sát nghiên cứu và thực thi một số hồ sơ và thấy rằng chúng ta vẫn chưa cải cách một cách triệt để. Cải cách thủ tục có khó không? Không khó nếu đó là pháp lệnh.
Cải cách sẽ thật sự khó nếu vừa cải cách vừa quan tâm đến mối quan hệ theo kiểu tình cảm, ràng buộc quan hệ. Cải cách thủ tục chỉ thành công nếu mỗi người trong bộ máy hành chính ý thức trách nhiệm cải cách của mình, nếu mỗi người đều có tâm trong công việc của mình và các cơ quan có cơ chế giám sát thực thi.
Mặt khác cần nhanh chóng đưa các công cụ hiện đại mang tính hỗ trợ và giám sát như tin học, đưa các cơ chế cụ thể để bắt buộc mỗi thành viên trong bộ máy phải tự giác, chủ động, tôi tin rằng chúng ta sẽ đạt được hiệu quả cao hơn nhiều.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận