Ông Nguyễn Trọng Đạt trong bài “Thắng kiện, chật vật đòi thi hành án” (Tuổi Trẻ ngày 12-10) - Ảnh: H.Điệp |
Một nguyên tắc tối thượng của pháp luật là những bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của tòa án phải được các cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan trong phạm vi trách nhiệm của mình chấp hành nghiêm chỉnh và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thi hành án.
Tuy nhiên, không phải cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân nào cũng tự nguyện thi hành án, nên bên cạnh những quy định về tự nguyện còn có những quy định về cưỡng chế nếu người phải thi hành án không tự nguyện thi hành.
Thế nhưng khi nghiên cứu Luật tố tụng hành chính (Luật TTHC), ngoài quy định về phần tài sản trong bản án, quyết định hành chính được thi hành theo Luật thi hành án dân sự (tức là có sự cưỡng chế khi người phải thi hành án không tự nguyện thi hành) thì các phần khác trong bản án cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp chỉ có trách nhiệm đôn đốc việc thi hành án.
Ví dụ như hủy toàn bộ hoặc một phần quyết định hành chính, hủy quyết định kỷ luật buộc thôi việc, tuyên bố hành vi hành chính đã thực hiện là trái pháp luật hoặc tuyên bố hành vi không thực hiện nhiệm vụ, công vụ là trái pháp luật, buộc cơ quan lập danh sách cử tri sửa đổi, bổ sung danh sách cử tri...
Trong trường hợp quá thời hạn 30 ngày mà người phải thi hành án không thi hành, cơ quan thi hành án dân sự cũng chỉ có quyền ra thông báo bằng văn bản cho cơ quan cấp trên trực tiếp của người phải thi hành án biết để xem xét, chỉ đạo việc thi hành án; đồng thời gửi cho cơ quan thi hành án dân sự hoặc cơ quan quản lý thi hành án dân sự cấp trên trực tiếp để theo dõi và cơ quan này cũng chỉ có trách nhiệm giúp cho cơ quan cấp trên trực tiếp của người phải thi hành án chỉ đạo việc thi hành án.
Với những quy định trên, vai trò của cơ quan thi hành án rất mờ nhạt vì pháp luật không trao quyền cưỡng chế cho họ.
Trong trường hợp cơ quan cấp trên trực tiếp của người phải thi hành án cũng lơ là trách nhiệm của mình, không chỉ đạo cho cấp dưới thi hành thì bản án, quyết định hành chính có hiệu lực pháp luật của tòa án sẽ mãi mãi chỉ là những tờ giấy không có giá trị.
Trong trường hợp này, pháp luật sẽ không được thực thi và tình trạng “con kiến mà kiện củ khoai” vẫn tồn tại, gây bức xúc cho xã hội.
Xét về góc độ khoa học, bên cạnh các luật và bộ luật về tố tụng thì bao giờ cũng có các luật về thi hành án.
Chẳng hạn như Bộ luật tố tụng dân sự - Luật thi hành án dân sự, Bộ luật tố tụng hình sự - Luật thi hành án hình sự.
Do vậy Quốc hội cần ban hành Luật thi hành án hành chính để bảo đảm cho pháp luật phải được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận