
Ảnh minh họa. Nguồn: cancerresearchuk.org
Xạ trị là một trong 3 phương pháp chính điều trị ung thư cùng với phẫu thuật và hóa trị. Xạ trị cần tuân thủ quy trình khá phức tạp đồng thời có thể gây một số tác dụng phụ trong và sau điều trị, vì vậy người bệnh được chuẩn bị về tâm lý tốt trước khi điều trị.
Bạn có đồng ý quyết định điều trị xạ trị?
Trước khi bạn đươc chụp mô phỏng hoặc bất cứ công đoạn điều trị nào, bác sĩ điều trị sẽ giải thích mục đích của chúng. Bạn sẽ thường được yêu cầu ký các văn bản chứng minh bạn đồng ý để nhân viên y tế điều trị cho bạn. Và trước khi ký các văn bản đồng ý, bạn phải được tư vấn đầy đủ thông tin về:
- Loại và mức độ điều trị.
- Ưu điểm và nhược điểm của phương pháp điều trị.
- Những nguy cơ và phản ứng phụ thường gặp.
- Những phương pháp điều trị sẵn có khác.
Nếu bạn chưa nắm rõ những thông tin đã được tư vấn, hãy phản hồi ngay với nhân viên y tế để họ có thể giải thích lại cho bạn. Quy trình điều trị xạ trị tương đối phức tạp và không dễ hiểu, vì vậy sẽ là hoàn toàn bình thường khi bạn có những thắc mắc cần hỏi. Thậm chí rất dễ hiểu khi bạn cần được giải thích nhiều lần.
Có người thân hoặc bạn bè cùng tham gia buổi tư vấn điều trị cũng là một giải pháp tốt, họ có thể giúp bạn ghi nhớ những thông tin tư vấn. Trước khi tới tư vấn, bạn cũng nên chuẩn bị một danh sách những thắc mắc mà bạn muốn đươc giải đáp.
Đôi khi bạn có cảm giác nhân viên y tế quá bận rộn để trả lời các thắc mắc của bạn, nhưng việc nắm rõ ảnh hưởng của điều trị tới bạn cũng quan trọng không kém. Các nhân viên y tế sẽ luôn sẵn sàng dành thời gian cho các câu hỏi của bạn.
Bạn cũng hoàn toàn có thể chủ động lựa chọn không điều trị. Các nhân viên y tế cũng sẽ tư vấn cho bạn những điều có thể xảy ra nếu bạn không điều trị. Hãy trao đổi với bác sĩ điều trị hay điều dưỡng phụ trách để họ có thể ghi lại quyết định của bạn trong bệnh án. Bạn không nhất định phải đưa ra lý do bạn chọn không điều trị, nhưng điều này có thể giúp nhân viên y tế nắm được vấn đề và cho bạn những lời khuyên tốt nhất.
Mang thai và nuôi dạy con
Nếu bạn là phụ nữ đang ở lứa tuổi có thể mang thai, bạn cần phải có những biện pháp phòng tránh có thai trong quá trình điều trị, điều này rất quan trọng. Bởi vì, xạ trị trong khi đang mang thai có thể gây ảnh hưởng xấu tới sự phát triển bình thường của thai nhi. Bác sĩ điều trị có thể giúp bạn nắm được nhiều thông tin hơn về vấn đề này.
Trước khi quyết định đồng ý điều trị, bạn nên xác nhận rằng:
- Bạn hiện đang không mang thai - bạn có thể sẽ phải làm kiểm tra thông qua xét nghiệm nước tiểu.
- Bạn hiểu rõ mình phải tránh mang thai trong quá trình điều trị, điều này có nghĩa là bạn cần thực hiện một số biện pháp tránh thai hiệu quả, đáng tin cậy.
Nếu bạn nghi ngờ mình có thể mang thai ở bất cứ thời điểm nào trong quá trình điều trị, lập tức hãy thông báo cho bác sĩ điều trị của bạn. Thông thường, họ sẽ tư vấn bạn làm thử thai.
Nếu bạn là nam giới và cần phải điều trị xạ trị, bác sĩ của bạn cũng sẽ cho lời khuyên không nên có con trong quá trình điều trị hay một vài tháng sau khi kết thúc điều trị, đặc biệt khi điều trị xạ trong. Bạn có thể tham khảo ý kiến bác sĩ để biết thêm chi tiết.
Thiết bị điện tử cấy ghép
Nếu bạn có được cấy ghép máy tạo nhịp tim, ICD (Implantable Cardiac Devices) hoặc ốc tai điện tử (một thiết bị đặc biệt được cấy trong tai), bạn cần phải báo với bác sĩ hoặc nhân viên chụp X-quang trước hoặc trong buổi hẹn khám đầu tiên. Những thiết bị trên có thể bị ảnh hưởng bởi xạ trị, vì vậy cần phải lên kế hoạch điều trị sao cho phù hợp.
Chăm sóc tại nhà
Cảm giác mệt mỏi là phản ứng phụ thường thấy của xạ trị, vậy nên bạn có thể cần tới sự hỗ trợ trong sinh hoạt thường ngày. Mặc dù yêu cầu trợ giúp có thể rất khó, nhưng gia đình và bạn bè thường sẽ hỗ trợ tối đa trong khả năng của họ.
Tới điều trị
Có thể bạn muốn tự lái xe hoặc tự mình tới bệnh viện để điều trị. Hãy nhớ rằng, bạn có thể sẽ càng cảm thấy mỏi mệt hơn khi càng gần về cuối liệu trình điều trị. Nếu bạn cảm thấy mệt, tốt nhất hãy nhờ người thân hoặc bạn bè đưa bạn đi.
Hút thuốc
Nếu bạn có hút thuốc thì việc bỏ thuốc lá là quyết định lành mạnh nhất mà bạn có thể làm tại thời điểm này. Ngừng hút thuốc lá giúp giảm các nguy cơ các bệnh về phổi, tim mạch, loãng xương và các bệnh ung thư liên quan tới thuốc lá. Nếu bạn đã được chẩn đoán ung thư, nó có thể giúp giảm nguy cơ ung thư tái phát sau điều trị. Hơn nữa, bạn cũng sẽ cảm thấy thoải mái hơn, diện mạo được cải thiện và tiết kiệm chi phí sinh hoạt.
Mỗi người đều có lý do khác nhau để hút thuốc. Một người đã được chẩn đoán ung thư có thể vẫn tiếp tục hút thuốc và gặp khó khăn trong việc cai thuốc lá. Chống chọi với căn bệnh ung thư vốn đã rất khó khăn. Một số người cảm thấy hút thuốc có thể giúp họ giảm căng thẳng hay buồn chán. Nó cũng có thể là một biện pháp giúp khuây khỏa và một thú vui nhất định.
Các công trình nghiên cứu đã chứng minh rằng dừng hút thuốc lá trong và sau khi xạ trị có thể khiến việc điều trị hiệu quả hơn. Nó cũng giúp giảm bớt các tác dụng phụ của điều trị.
Nếu có hút thuốc lá, bạn nên thử giảm bớt hoặc ngừng hẳn. Nhiều bệnh viện có hỗ trợ hoặc có dịch vụ tư vấn phương pháp cai thuốc lá. Hãy hỏi bác sĩ điều trị, nhân viên xạ trị hoặc y tá nếu nơi bạn điều trị có dịch vụ hỗ trợ cai thuốc lá.
Học tập và công tác
Nếu bạn đang học tập hay công tác, bạn cần trao đổi thẳng thắn với người sử dụng lạo động hoặc giáo viên phụ trách. Họ có thể giúp bạn tổ chức để hỗ trợ hoặc sắp xếp công việc/học tập trong thời gian bạn nghỉ phép để điều trị như:
- Thời gian làm việc linh hoạt.
- Nghỉ bệnh.
- Giảm giờ làm việc hoặc ngày làm việc mỗi tuần, tạm thời hoặc thường xuyên.
- Nghỉ không lương.
- Nghỉ có lương hoặc không lương vì hoàn cảnh cá nhân đặc biệt.
Điều trị ung thư có thể là một quyết định khó khăn, đặc biệt khi bạn còn đang công tác hoặc tiếp tục làm việc sau khi kết thúc điều trị. Một vài người sẽ lo lắng rằng người sử dụng lao động sẽ khiến họ trở nên dư thừa hoặc kỳ thị họ. Ở một số nước đã ban hành các đạo luật bình đẳng chống kỳ thị người mắc ung thư. Tình trạng kỳ thị ở nước ta đã dần cải thiện thông qua những chương trình tuyên truyền thông tin về căn bệnh ung thư và các phong trào kêu gọi chống kỳ thị người mắc ung thư.
Trao đổi với người sử dụng lao động cũng có thể giúp họ thực hiện những điều chỉnh hỗ trợ bạn trong điều trị. Họ có thể giúp đỡ và hỗ trợ bằng nhiều cách khác nhau: Điều chỉnh công việc, nghỉ phép và các quyền lợi hỗ trợ ốm đau của bạn. Nghỉ phép dài ngày là một ví dụ về điều chỉnh hợp lý mà người sử dụng lao động có thể làm. Họ có thể cho phép bạn nghỉ làm trong một thời gian nhất định và trở lại tiếp tục vị trí công việc sau khi kết thúc đợt điều trị.
Bạn có thể do dự liệu có nên trao đổi với đồng nghiệp hoặc lo lắng về phản ứng của họ. Tuy nhiên, việc trao đổi này sẽ cung cấp thông tin và trong chừng mực nào đó hỗ trợ bạn.
Không có đạo luật nào rạch ròi về thời gian nghỉ phép có lương, trừ khi được đề cập chi tiết trong hợp đồng lao động. Nhưng nếu bạn trao đổi trước với người sử dụng lao động, bạn có thể thống nhất với họ về vấn đề này.
Hãy trao đổi với người sử dụng lao động của bạn càng sớm càng tốt. Việc này sẽ giúp họ dễ dàng tìm được người làm thay các công việc của bạn và bạn cũng có đủ thời gian bàn giao công việc đang phụ trách.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận