06/10/2014 05:35 GMT+7

​Cần chăm sóc bệnh nhân từ những điều nhỏ nhặt

NHẤT NGUYÊN (TP.HCM)
NHẤT NGUYÊN (TP.HCM)

TT - Cách đây vài tuần, mẹ tôi, 64 tuổi, bị ho khan, mệt mỏi kèm ớn lạnh kéo dài.

Bệnh nhân mong các bệnh viện "thật sự xem bệnh nhân như khách hàng của mình". Ảnh tư liệu.

Tôi đưa mẹ đi khám tại một bệnh viện (BV) quận, nơi đăng ký khám chữa bệnh theo dạng bảo hiểm y tế. 

Bác sĩ tại đây có kê toa, cho thuốc uống trong một tuần, nhưng không hiểu sao uống thuốc vào lại càng tệ hơn, thậm chí còn bị nôn mửa, choáng váng.

Lo lắng, tôi đưa mẹ vào cấp cứu tại một BV lớn ở TP.HCM, kèm theo đủ hồ sơ khám bệnh tại BV quận.

Sau khi thăm khám, bác sĩ có yêu cầu cho mẹ tôi nằm viện để theo dõi trong vài ngày và cho xuất viện ba ngày sau đó với hồ sơ bệnh án đầy đủ, kèm toa thuốc cùng lịch hẹn tái khám.

Đến hẹn, mẹ tôi tái khám thì được một bác sĩ khác (không phải bác sĩ đã điều trị trong thời gian nằm viện) thăm khám và cho toa thuốc mới.

Khi uống thuốc theo toa này, mẹ tôi lại xuất hiện tình trạng như đã xảy ra khi dùng toa của bác sĩ BV quận cấp (nôn mửa, choáng váng, mệt mỏi...).

Khi xem lại các toa thuốc, gia đình tôi mới thấy toa thuốc mới được cấp có đến 4/6 loại giống y như thuốc của BV quận cấp cho mẹ tôi, vốn có thể đã khiến cơ thể mẹ tôi gây phản ứng không dung nạp thuốc.

Thật đáng buồn vì khi đi tái khám ở BV lớn nọ, mẹ tôi mang theo đầy đủ tất cả toa thuốc nhưng có vẻ bác sĩ tái khám không thật sự quan tâm xem bệnh nhân dùng thuốc đó có vấn đề gì hay không.

Thăm khám, theo dõi sát sao tình trạng bệnh nhân, xem kỹ lại các toa thuốc cũ, hỏi xem bệnh nhân uống thuốc có bị dị ứng, bị phản ứng phụ hay có tiến triển tốt hơn không... hoàn toàn nằm trong khả năng của các bác sĩ.

Ở nhiều nước phát triển, đây luôn là những việc làm và câu hỏi đầu tiên của bác sĩ khi bệnh nhân đi khám, bất kể là ở BV nào, với bác sĩ nào.

Đó là chưa kể thông thường chính bác sĩ chữa cho bệnh nhân cũng sẽ là người tái khám cho bệnh nhân sau khi xuất viện, bởi họ mới là người hiểu rõ bệnh tình bệnh nhân nhất.

Cũng tại các nước này, bệnh nhân chuyển từ viện này sang viện khác hoặc thậm chí là chữa trị ban đầu ở một BV này nhưng đi khám lại tại một BV khác, hai bên BV sẽ tự liên hệ, trao đổi bệnh án cho nhau qua Internet.

Nếu bệnh nhân đã có cuộc hẹn với bác sĩ, đến giờ hẹn không thấy, thư ký y khoa sẽ gọi điện thoại để nhắc.

Thế nhưng ở VN hiện nay, cả hai việc này gần như vẫn là mơ với bệnh nhân. Chuyển viện phải tự mang theo bệnh án, phải làm lại từ đầu các xét nghiệm. Có hẹn đến khám mà quên thì bác sĩ cũng “lơ” luôn!

Việc bác sĩ thật sự quan tâm đến hồ sơ bệnh án của bệnh nhân, các BV có sự liên thông để trao đổi về tình hình khám chữa bệnh cho bệnh nhân chắc chắn sẽ đem lại hiệu quả tốt hơn trong điều trị khám chữa bệnh.

Bệnh nhân được mau chóng lành bệnh hơn, về mặt xã hội sẽ giúp giảm bớt quá tải ở các BV lớn cũng như tiết kiệm các chi phí không cần thiết do thực hiện các xét nghiệm lặp lại...

Hiện nay có nhiều BV ở nước ta ứng dụng công nghệ để nâng cao dịch vụ chăm sóc bệnh nhân. Việc quản lý hồ sơ bệnh nhân ngày nay đã có sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, tất cả chỉ cần nhập vào máy tính, chỉ cần một cú nhấp chuột là mọi thông tin về tiền sử bệnh, dị ứng thức ăn hay phản ứng thuốc đều hiện ra.

Vì thế, việc chăm sóc bệnh nhân ở những điều nhỏ nhặt này không phải là quá tầm với các BV, nếu các BV thật sự xem bệnh nhân như khách hàng của mình.

NHẤT NGUYÊN (TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Tin cùng chuyên mục