06/09/2016 13:34 GMT+7

​Cần cải thiện khâu phân phối nông sản

PHẠM VĂN CHUNG
PHẠM VĂN CHUNG

TTO - Hôm trước, tôi đến cửa hàng mua một ít lúa về cho gà và bất ngờ khi cô bán hàng tính tới 8.000 đồng/kg bởi trước đó thông tin trên các phương tiện truyền thông cho biết giá lúa bình quân trong nước phổ biến ở mức 6.000 đồng/kg.

Thậm chí, giá lúa một số nơi ở ĐBSCL chưa đến 5.000 đồng/kg, nhưng rất ít người mua do thị trường xuất khẩu trầm lắng, Nhà nước phải mua tạm trữ lúa gạo nhằm trợ giúp nông dân hạn chế thua lỗ.

Trở lại với mức giá lúa mà tôi đã mua ở trên, câu hỏi đặt ra là tại sao cùng thị trường trong nước nhưng ở khu vực Tây nguyên giá lúa thương phẩm thường cao hơn rất nhiều, thậm chí gần gấp đôi so với giá bán của nông dân ở ĐBSCL?

Điều này chứng tỏ khâu phân phối hàng nông sản như lúa gạo, rau quả, trái cây ở nước ta chưa tốt, đang có vấn đề về sản xuất và tiêu thụ giữa các vùng miền.

Việc luân chuyển hàng hóa, đưa hàng nông sản đến tiêu thụ ở thị trường không được quan tâm, chú trọng phát triển, duy trì nên nhiều mặt hàng nông sản ở địa phương này so với địa phương khác có mức chênh lệch khá cao, có khi cao gấp đôi.

Với hơn 90 triệu dân, thị trường tiêu thụ hàng hóa, nông sản ở trong nước là tương đối lớn, đủ sức giải quyết đầu ra, cứu nguy cho nông sản trong nước, khi thị trường nước ngoài gặp khó khăn.

Tuy nhiên, một thời gian khá dài các nhà quản lý, hoạch định chính sách, các doanh nghiệp kinh doanh, phân phối nông sản không mấy mặn mà với thị trường tiêu thụ nội địa mà chỉ chăm chăm vào xuất khẩu ra nước ngoài.

Điều này vô tình làm cho sản xuất, tiêu thụ hàng hóa trong nước thêm khó khăn và đầu ra hàng hóa, sản phẩm nông nghiệp bị ứ đọng mỗi khi có biến động thị trường hoặc bất ổn về an ninh, chính trị.

Việc tiêu thụ trái vải năm vừa qua là một ví dụ. Do quá chú trọng xuất khẩu vải sang Trung Quốc nên khi tình hình Biển Đông phức tạp, xuất khẩu gặp khó khăn.

Sau khi các cơ quan quản lý vào cuộc, triển khai các biện pháp để đẩy mạnh tiêu thụ tại thị trường nội địa, nhất là ở miền Nam, kết quả mang lại rất khả quan. Đó là lượng lớn vải vào mùa được tiêu thụ hết, giữ được giá và người nông dân vẫn có lãi mà không phải phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc.

Đây là bài học kinh nghiệm quý, là ví dụ cụ thể để các nhà quản lý, doanh nghiệp, nông dân ghi nhớ  rằng không được xem nhẹ thị trường tiêu thụ trong nước.

Cũng  chính do khâu phân phối sản phẩm chưa tốt nên diễn ra nghịch lý là nhiều mặt hàng nông sản trong nước sản xuất được, thậm chí dư thừa, giá thành rẻ nhưng vẫn phải nhập khẩu từ nước ngoài với giá cao hơn trong nước nhiều lần.

Do đó, dẫn đến tình trạng số lượng hàng hóa, giá trị hàng hóa nông sản mà chúng ta xuất khẩu ra nước ngoài không cao bằng giá trị hàng hóa đã nhập khẩu khiến cho sản xuất nông sản trong nước trì trệ, khu vực nông thôn kém phát triển, đời sống người nông dân ngày càng khó khăn.

Thiết nghĩ, các cơ quan quản lý, hoạch định chính sách phát triển nông nghiệp, các doanh nghiệp cần quan tâm đầu tư mạng lưới phân phối, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản trong nước, rút ngắn khoảng cách chênh lệch giá cả từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ sản phẩm còn khá lớn như hiện nay.

Đồng thời, giúp người nông dân tiêu thụ hàng hóa, nông sản với giá cao hơn, vừa giúp người tiêu dùng có thể tiếp cận các mặt hàng nông sản với giá cả hợp lý.

PHẠM VĂN CHUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên