Tại hội thảo chia sẻ về thực trạng sử dụng rượu, bia tại Việt Nam diễn ra ngày 26-9, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, tại Việt Nam hiện có đến 77,3% nam giới sử dụng rượu, bia - đây là con số tiêu thụ rượu, bia cao nhất thế giới, nếu tính riêng nam giới. Trên thế giới, lượng rượu, bia trung bình sử dụng không tăng trong 10 năm qua, trong khi đó, ở Việt Nam lại tăng trưởng theo đường thẳng đứng.
Lãnh đạo Bộ Y tế cảnh báo, mức độ tiêu thụ rượu, bia của người Việt Nam trong 10 năm trở lại đây đã tăng gấp 2 lần. Hiện Việt Nam trở thành quốc gia tiêu thụ bia cao nhất Đông Nam Á, mặc dù mức thu nhập chỉ đứng thứ 8.
Dự báo, đến năm 2025, mức độ tiêu thụ rượu, bia sẽ tăng lên đến 7 lít/người/năm. Tỉ lệ tiêu thụ rượu, bia của Việt Nam hiện nằm trong top 25 của thế giới.
Điều đáng lo ngại là hiện có 44,2% số người sử dụng rượu, bia ở mức nguy hại đối với sức khỏe; 45% số người sử dụng rượu, bia và lái xe trong vòng 2 giờ đồng hồ sau uống. Đây chính là nguyên nhân gây ra những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng.
Để giảm thiểu những tác hại do rượu, bia gây ra, lãnh đạo Bộ Y tế cho rằng, cần bổ sung thêm nhiều điểm mới vào Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia.
Ví dụ, các nước trên thế giới đã đưa ra quy định về việc cấm bán rượu, bia sau 22 giờ, cấm bán rượu, bia cho trẻ vị thành niên, hay việc cấm quảng cáo rượu, bia ở nơi công cộng... nhưng ở Việt Nam giờ mới dự thảo để đưa vào Luật.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cảnh báo: “Nếu không có biện pháp mạnh tay để hạn chế tình trạng sử dụng rượu, bia, thì Việt Nam sẽ là quốc gia đứng đầu về sử dụng rượu, bia, chứ không phải là thứ 29 trên thế giới như hiện nay”.
Theo các chuyên gia, việc sử dụng rượu, bia sẽ gây nhiều hệ lụy không chỉ đối với sức khỏe, mà có tác động đến nhiều vấn đề xã hội. Trong đó, rượu, bia là nguyên nhân chính gây nhiều vụ tai nạn giao thông, gây rối trật tự xã hội và có liên quan đến 200 loại bệnh tật như: ung thư, tim mạch, đái tháo đường, tiêu hóa, tâm thần...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận