23/01/2010 08:26 GMT+7

Cán bộ không chuyên trách: Chưa an tâm làm việc

HỒ VĂN
HỒ VĂN

TT - Từ đầu năm nay, mức phụ cấp của cán bộ không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn giảm, đồng thời họ cũng không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Với quy định trên, nhiều cán bộ không chuyên trách đang băn khoăn.

gKVo2v4y.jpgPhóng to
Bà Nguyễn Hải Yến Linh (phải) - phó chủ tịch Ủy ban MTTQ phường 3, quận Phú Nhuận, TP.HCM, một trong những cán bộ không chuyên trách của phường - nghe ý kiến của người dân - Ảnh: MINH ĐỨC

Trước ngày nghị định 92 có hiệu lực, những cán bộ hoạt động không chuyên trách được hưởng mức phụ cấp 1,86/mức lương tối thiểu chung (tương đương 1,2 triệu đồng). Nhưng với nghị định trên, phụ cấp không vượt quá 1/mức lương tối thiểu thì chỉ còn khoảng 650.000 đồng. Nhiều cán bộ không chuyên trách đang tâm tư giữa việc tiếp tục làm việc cho Nhà nước hay nghỉ việc tìm kế sinh nhai.

Hai lần giảm phụ cấp

Trong hai lần tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND TP ở quận 5, TP.HCM, cử tri Nguyễn Thị Phương Loan (phường 4) đều bức xúc: “Với mức phụ cấp cũ anh em sống chật vật lắm rồi, nay với quy định mới, lương bị giảm, BHXH không còn, anh em làm sao an tâm theo đuổi công việc”.

Bà Loan tính nhẩm với khung 1, thu nhập của anh em chỉ khoảng 650.000 đồng/tháng cùng với phụ cấp của phường khoảng 400.000 đồng hoặc ít hơn tùy vị trí. Trong khi đó phải móc tiền túi mua BHXH nữa thì không còn bao nhiêu. Cán bộ không chuyên trách khó mà an tâm làm việc khi thu nhập không đủ nuôi thân.

Bà Loan là chủ tịch Mặt trận phường, một cán bộ chuyên trách. Bà cho biết tuy nghị định không ảnh hưởng đến bà nhưng “thấy tội nghiệp anh em”. Theo bà Loan, nghị định này áp dụng với mặt bằng cuộc sống ở một đô thị lớn như TP.HCM là không phù hợp.

Cán bộ Đoàn cũng tâm tư

Anh Nguyễn Mạnh Cường, phó bí thư Thành đoàn TP.HCM, cho biết cán bộ không chuyên trách của hệ thống Đoàn xã, phường, thị trấn trên địa bàn TP gồm 322 người. Hiện đội ngũ cán bộ Đoàn không chuyên trách cũng rất tâm tư, Thành đoàn rất lo bởi đây là đội ngũ kế thừa không chỉ cho Thành đoàn mà còn là nguồn đào tạo cán bộ cho đảng ủy và chính quyền các cấp.

Phường 4 có tất cả 13 cán bộ không chuyên trách, trong đó nhiều người là lao động chính của gia đình. Bà Dương Thị Thìn, phó chủ tịch Hội Phụ nữ phường, cho biết với mức phụ cấp thấp như vậy “giờ đây trong đầu chúng tôi ai cũng vương vấn chuyện tiếp tục làm hay nghỉ việc”.

Với cán bộ trẻ thì còn có thể tính được chuyện khác nhưng với bà Nguyễn Thu Hiền, gắn bó 12 năm với chức vụ cán bộ xóa đói giảm nghèo (phường Bình Chiểu, Thủ Đức) thì khó tính được chuyện gì khi tuổi đã lớn. Bà Hiền cho biết đây là lần thứ hai bị giảm thu nhập.

Trước đây phụ cấp của bà ở mức 2,86 (hơn 1,8 triệu đồng), sau đó với quy chế cán bộ không chuyên trách nằm trong đối tượng hưởng ngân sách thì mức thu nhập giảm còn 1,2 triệu đồng. Nay với nghị định 92, mức thu nhập của bà chỉ còn khoảng 650.000 đồng cộng với phụ cấp linh động của phường 200.000 đồng tiền ăn và 70.000 đồng phí công tác.

“Chồng tôi mất đã lâu, tôi còn một mẹ già và hai đứa con, trong đó có một đứa đang tuổi học hành. Tôi là trụ cột chính trong gia đình, nếu thu nhập giảm như thế này không biết xoay xở ra sao. Nghĩ mà buồn thiệt, làm nghề rửa chén bát cũng được 1,5 triệu đồng/tháng, còn mình ôm bao nhiêu công việc nhưng thu nhập không đủ nuôi thân”.

Nhiều người muốn nghỉ

Ông Võ Thanh Bình - chủ tịch UBND xã Tân Thới Nhì, huyện Hóc Môn - cho biết anh em hầu hết đều tâm tư và rất buồn, họ cho biết khó mà an tâm theo đuổi công việc. Riêng lãnh đạo phường lại lo khó thu hút người tạo nguồn kế tục.

Ông Trần Hoàng Gia, chủ tịch công đoàn phường Bình Chiểu, chia sẻ: “Cán bộ không chuyên trách ở xã, phường thường ôm nhiều công việc. Một người kiêm ít nhất từ hai công việc trở lên, thời gian làm việc của họ cũng không ít hơn các cán bộ khác. Nhưng với tình hình này tôi e sẽ có nhiều người nghỉ, lúc ấy mọi thứ công việc có thể rối hơn và không biết chính quyền xã, phường ôm nổi không”.

Bà Thu Vân, cán bộ kế toán phường Bình Chiểu, nói thẳng: “Tôi đang theo học đại học luật với ý định sẽ về phục vụ phường và tiếp tục phấn đấu. Nhưng với mức thu nhập chỉ đủ tiêu vặt, tôi đang tính lại học xong có tiếp tục ở lại hay không”.

Trả lời chất vấn cử tri Nguyễn Thị Phương Loan ở quận 5 ngày 18-12-2009, ông Lê Thanh Hải - ủy viên Bộ Chính trị, bí thư Thành ủy TP.HCM - cho biết lãnh TP sẽ có những kế sách phù hợp, không để số anh em không chuyên trách thiệt thòi.

Các cơ quan hữu quan TP.HCM đã tham mưu UBND TP kiến nghị với Chính phủ cho phép linh động trong nguồn ngân sách của địa phương để hỗ trợ thêm phụ cấp cán bộ không chuyên trách. Theo thống kê chưa đầy đủ, TP.HCM có khoảng 7.000 cán bộ không chuyên trách cấp xã, phường và thị trấn.

HỒ VĂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên