Ông Thiều Quốc Kỳ bên con chồn bay mà ông cho là chỉ chụp hình đưa lên Facebook chứ không phải ông săn bắt hay xẻ thịt |
Chủ nhân Facebook là ông Thiều Quốc Kỳ (xã A Tiêng, huyện Tây Giang) thừa nhận mình là người trong ảnh. Ông Kỳ là cán bộ ở Trung tâm khuyến nông huyện Tây Giang, chuyên làm công tác khuyến nông trên địa bàn.
Bức ảnh được ông Kỳ đăng tải trên mạng có hình ảnh của ba con chồn bay vừa bị bắt. Ông Kỳ cầm hai chân con chồn kéo căng ngược ra hai bên.
Trong một bức ảnh khác, người đàn ông này cởi trần cầm ba con chồn bay kéo mạnh ra phía sau. Trong hàng comment, nhiều người tỏ vẻ không hài lòng với hành động trên của một cán bộ ở trung tâm khuyến nông huyện.
Có người còn nhắc nhở rằng cẩn thận với công an về vụ việc trên, ông Kỳ trả lời rằng: “Công an cũng bó tay”.
Ông Kỳ cho biết ông thấy người ta bày bán chồn và xen vào chụp hình rồi đưa lên mạng, ông không tham gia giết thịt những con chồn này. Tuy nhiên, những gì trong tấm ảnh thể hiện cảnh các con thú đang ở trong một căn nhà khi chụp ảnh chứ không phải bày bán ngoài đường như ông Kỳ nói. Ông Kỳ nói ông không hay biết loài chồn này nằm trong sách đỏ, quý hiếm nhóm 1.
“Ở huyện, quán nào chẳng có chồn bay. Vào quán hỏi món a pứa (tiếng Cơ Tu chỉ một món ăn được chế biến từ thịt chồn bay) sẽ được phục vụ ngay” - ông Kỳ phân trần.
Nói rồi ông Kỳ chỉ cho chúng tôi ra quán ông Sao trước trụ sở Công an huyện Tây Giang. “Đó là quán chuyên bán chồn bay, mua bao nhiêu con cũng có, ăn món chi cũng có. Ở đây món a pứa nổi tiếng được làm từ chồn bay. Quán ăn nào cũng có hết, bán đầy!” - ông Kỳ nói.
Theo lời chỉ dẫn của ông Kỳ, chúng tôi ra quán ông Sao trước trụ sở công an huyện. Tại đây bà A Rất Thị Cúc, vợ ông Sao, nói: “Anh muốn bao nhiêu con? Chờ chút! Chồn mới làm chiều qua”. Nói xong bà dẫn chúng tôi đến cái tủ lạnh ở nhà dưới, bên trong chứa đầy chồn bay bỏ ngăn cấp đông. Chồn lớn có, nhỏ có, con bằng bắp chân nặng hơn 1kg, con nhỏ bằng bắp tay, đã qua lửa vàng da ngổn ngang trong tủ lạnh.
Bà Cúc cho rằng những con chồn này chỉ cần rã đông thì thịt sẽ tươi trở lại. Theo bà Cúc, bà mua chồn bay của người dân với giá 350.000 đồng/con, giờ bán 450.000 đồng/con, muốn mua thì gọi điện trước.
Ông Phan Tuấn, chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam, cho biết ông rất bất bình khi nghe thông tin trên và ngay lập tức chỉ đạo cơ quan kiểm lâm địa bàn vào cuộc.
Ông Tuấn cũng khẳng định kiểm lâm tỉnh vừa tổ chức hội nghị cho các huyện trong toàn tỉnh, trong đó có Tây Giang, về việc bảo vệ động vật hoang dã, hội nghị vừa xong thì lại xảy ra sự việc không hay này.
“Chồn bay thuộc nhóm 1, nhóm nguy cấp quý hiếm, cấm khai thác dưới mọi hình thức, trừ việc khai thác để nghiên cứu. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm rõ về các nhân vật liên quan trong vụ việc này” - ông Tuấn nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận