Các cặp đôi thanh niên công nhân được tư vấn tâm lý, trang bị kỹ năng tiền hôn nhân trước khi được Thành đoàn TP.HCM tổ chức đám cưới tập thể - Ảnh: Q.Linh |
Một tiếng rưỡi quả là quá ngắn, nhưng nói như anh Nguyễn Đắc Vinh là cuộc đối thoại thẳng thắn, đi vào những vấn đề cụ thể, hi vọng đáp ứng được kỳ vọng của các bạn để sau cuộc đối thoại này, hoạt động Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi có chuyển động, đổi mới.
“Tôi mong muốn cán bộ Đoàn nói được là phải làm được” - anh Vinh nhấn mạnh.
Khi chúng ta còn trẻ hãy cống hiến cho cuộc sống, cho xã hội và cho chính mình để tuổi trẻ không bị bỏ phí. Vào Đoàn được gì ư? Rõ ràng bạn được hoạt động chính quy, chính thống, trong một lực lượng quy mô với sự kiểm soát chặt chẽ, chỉ đạo sâu sát cùng phong trào ý nghĩa, tạo hiệu quả trong xã hội. Đoàn cho ta nhiều trải nghiệm để chúng ta trưởng thành, lớn lên |
Nghệ sĩ ưu tú XUÂN BẮC |
Khởi nghiệp, vốn vay và việc làm
Bạn Nguyễn Chí Công (Quảng Nam) nói thanh niên luôn có khát vọng lớn, dám chấp nhận thử thách để khởi nghiệp và làm giàu chính đáng, quan điểm của Trung ương Đoàn thế nào? Trong khi Nguyễn Chí Cảnh (Bắc Kạn) muốn biết Trung ương Đoàn có chủ trương gì về vốn vay khi nhu cầu luôn lớn nhưng việc tiếp cận vốn của thanh niên còn có hạn.
Chia sẻ với những trăn trở này, anh Nguyễn Đắc Vinh nói tỉ lệ khởi nghiệp của VN chỉ là 2,4% trong khi tỉ lệ này của thế giới là 12%, nghĩa là còn khá thấp. Theo anh Vinh, tâm lý ra trường tìm việc làm chứ chưa chuẩn bị khởi nghiệp vẫn còn phổ biến, dù gần đây đã có những bạn trẻ mạnh dạn vay vốn và khởi nghiệp thành công bước đầu.
“Đại hội Đảng toàn quốc XII vừa rồi xác định xây dựng chương trình khởi nghiệp quốc gia và Trung ương Đoàn cũng đang thực hiện, hi vọng sớm hoàn thành đề án này” - anh Vinh thông tin.
Cho rằng vốn là khâu quan trọng trong việc khởi nghiệp, nhất là nguồn vốn ưu đãi, song anh Vinh thừa nhận các bạn còn gặp khó khi tiếp cận, trong khi nguồn từ Ngân hàng Chính sách xã hội có định mức cho vay chưa cao.
Anh Vinh cho hay: “Đoàn được Chính phủ giao nguồn vốn khoảng 70 tỉ đồng, mức vay tối đa có thể là 1 tỉ đồng/trường hợp, lãi 0,55%/tháng. Và đã có bạn vay từ nguồn này phát huy tốt, thành công nên chúng tôi đã kiến nghị xin tăng nguồn vốn”.
Trong khi đó, bạn Phan Thanh Kiên (Thanh Hóa) thao thức trước con số hàng trăm ngàn sinh viên tốt nghiệp không có việc làm và liệu rằng Đoàn có giúp được gì?
Dẫn con số khoảng 178.000 sinh viên tốt nghiệp năm 2015 chưa có việc làm, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn cho rằng thông tin về lao động việc làm cần dự báo chính xác và cung cấp kịp thời hơn cho thanh niên. Song song đó, cần quan tâm hơn khi cấp chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường để định hướng nhằm giải quyết triệt để câu chuyện việc làm sau khi tốt nghiệp.
Anh Nguyễn Đắc Vinh cho rằng sinh viên cần bổ sung kiến thức ngoại ngữ, đặc biệt tiếng Anh vì hiện thị trường lao động khá rộng lớn mà đôi khi vì rào cản ngoại ngữ nên các bạn khó tiếp cận thị trường này. “Sinh viên ra trường được đào tạo bài bản, năng động, trí tuệ nên hãy mạnh dạn khởi nghiệp để không chỉ tạo việc cho mình mà còn cho người khác” - anh Vinh nói.
Anh Nguyễn Đắc Vinh trong buổi giao lưu trực tuyến với giới trẻ - Ảnh: Bảo Anh |
Đoàn phải đi vào đời sống thanh niên
Một câu hỏi từ TP.HCM day dứt: “Đời sống công nhân còn nhiều khó khăn về nhà trọ, học tập, sinh hoạt hằng ngày, chăm sóc con cái, Đoàn giúp họ bằng cách nào?”.
Trả lời, Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn nói Ban Bí thư Trung ương Đoàn đã có đề án hỗ trợ thanh niên công nhân đến năm 2020 với các nhóm giải pháp. Đó là tiếp tục vận động đầu tư, tham mưu để xây dựng các trung tâm, văn phòng hỗ trợ thanh niên công nhân; hỗ trợ, đồng hành, chăm lo cho thanh niên công nhân về nghề nghiệp, sức khỏe, thu nhập; giải pháp ổn định nơi ăn, chốn ở; hỗ trợ học tập, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần...
Các du học sinh VN tại Hàn Quốc mong được kết nối với hoạt động Đoàn trong nước. Trong khi du học sinh tại Liên bang Nga trăn trở: “Làm thế nào để thanh niên đang học tập, sinh sống ở nước ngoài thể hiện lòng yêu nước đúng cách?”.
Anh Vinh đáp ngay: “Cách tốt nhất là học tập thật tốt, làm việc thật tốt để cống hiến cho đất nước và kế tục sự nghiệp xây dựng đất nước”. Nói thêm, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn cho rằng nguồn nhân lực chất lượng cao trong nước còn thiếu nên sau khi ra trường các bạn về cống hiến trong nước là đóng góp lớn và thiết thực, hiện thực hóa lòng yêu nước một cách thực tế nhất.
Đồng tình với số liệu công bố mới đây về thể trạng thanh niên VN thấp bé, “còi” nhất khu vực và lại uống rượu bia, hút thuốc lá nhiều mà một câu hỏi nêu ra, anh Vinh nói tầm vóc phụ thuộc vào gen di truyền và chế độ dinh dưỡng, rèn luyện. Tuy nhiên, cần tiếp thu ý kiến về khía cạnh một bộ phận thanh niên sử dụng rượu bia nhiều, ảnh hưởng đến sự phát triển của thể chất.
“Uống rượu bia nhiều là không tốt, không siêng tập luyện thể thao cũng cần thay đổi. Bác Hồ đã dạy chúng ta là thanh niên cần phát triển cả trí tuệ và sức khỏe” - anh Vinh bày tỏ.
“Tôi xem Facebook cũng quan trọng như đi cơ sở” * Có gì khó khăn với “người nổi tiếng” như Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn khi dùng Facebook không và Đoàn đã tận dụng tiện ích mạng xã hội thế nào? (Nguyễn Phương Mai, TP.HCM) - Anh Nguyễn Đắc Vinh: Nhờ mạng xã hội mà tôi có thể biết được tin tức hoạt động của cơ sở nhiều hơn khi không đủ thời gian đến tận nơi. Chỉ cần các bạn chia sẻ hoạt động, hình ảnh lên Facebook mà có những từ khóa: hoạt động Tháng thanh niên, hoạt động Đoàn, hoạt động tình nguyện... thì tôi cũng có thể biết ngay về hoạt động nơi đó. Mình hiểu được càng nhiều và tường tận cuộc sống thì mình càng có những suy nghĩ đúng đắn hơn, chín chắn hơn để khi tham gia bàn bạc đường lối phát triển của Đoàn, sẽ có chính sách, sáng kiến sát thực tiễn hơn. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận