05/10/2013 11:23 GMT+7

Cần 341.000 tỉ đồng cho 8 tuyến đường sắt

NGỌC ẨN
NGỌC ẨN

TT - Ngày 4-10, Cục Đường sắt đã họp với các sở ngành, quận huyện tại TP.HCM để công bố quyết định của Bộ GTVT về quy hoạch chi tiết tám tuyến đường sắt quốc gia.

Trong số tám tuyến đường sắt đầu mối TP.HCM, chỉ có tuyến ga Bình Triệu đi trên cao về ga Sài Gòn dài 8km là theo hành trình cũ, còn lại các tuyến đều được xây mới hoàn toàn. Tổng mức đầu tư cho các tuyến là 341.261 tỉ đồng. Dự kiến nguồn vốn đầu tư gồm vốn vay ODA, trái phiếu chính phủ, ngân sách nhà nước, doanh nghiệp tư nhân tham gia...

Quy hoạch để giữ đất

Ông Nguyễn Văn Doanh, cục phó Cục Đường sắt, cho biết mục tiêu của việc quy hoạch chi tiết để ngành đường sắt lập kế hoạch đầu tư xây dựng các dự án, nhằm hoàn thiện mạng đường sắt cũng như vị trí, quy mô các khu vực ga lớn, các trạm bảo dưỡng kỹ thuật đầu máy, toa xe, các cơ sở công nghiệp phục vụ vận tải đường sắt trong khu vực TP.HCM và vùng phụ cận. Đồng thời, xác định quỹ đất cần thiết cho các dự án sẽ xây dựng theo quy hoạch và là căn cứ quy hoạch sử dụng đất với các địa phương liên quan. Bên cạnh đó, quy hoạch này sẽ là cơ sở triển khai các dự án đầu tư xây dựng công trình đường sắt trong khu vực TP.HCM.

Theo Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế GTVT phía Nam - đơn vị lập quy hoạch chi tiết, phạm vi hành lang an toàn chỉ giới xây dựng của tám tuyến đường sắt trên là 1.458ha. Trong đó TP.HCM 508ha, Đồng Nai 377ha, Bình Dương 314ha, Bà Rịa - Vũng Tàu 45ha, Long An 197ha, Tây Ninh 15,9ha. Cục Đường sắt đề nghị sau khi công bố quy hoạch diện tích đất dành cho phát triển đường sắt, các địa phương công bố rộng rãi cho người dân biết và chính quyền sở tại quản lý nhằm tránh tình trạng chồng lấn trong cấp phép xây dựng.

Trả lời ý kiến một số địa phương về việc cần cắm mốc ranh hành lang đường sắt sẽ xây dựng để người dân biết, ông Nguyễn Văn Doanh cho biết chưa thể triển khai việc cắm mốc vì chi phí rất cao. Hơn nữa, nếu thực hiện thì chỉ có thể cắm mốc trên đất ruộng, không cắm mốc trong khu dân cư đô thị.

Đường sắt đôi

Việc tổ chức vận tải hàng hóa, hành khách tại khu vực TP.HCM sẽ được chuyên môn hóa cao, sẽ tách riêng luồng tàu hàng và tàu khách. Trong khi đó, các tàu khách phục vụ trực tiếp người dân TP.HCM theo nguyên tắc phải được thiết kế đi ngầm hoặc đi trên cao vào trung tâm TP để đảm bảo thuận tiện cho hành khách.

Theo ông Đặng Minh Hải - phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế GTVT phía Nam, thực hiện chủ trương chuyển đổi thống nhất khổ đường sắt tiêu chuẩn 1,435m đối với đầu mối đường sắt khu vực TP.HCM sẽ áp dụng nguyên tắc: đường sắt mới xây dựng phải hiện đại, khổ 1,435m. Việc xây dựng tuyến đường sắt mới không làm ảnh hưởng đến hoạt động vận tải bình thường của tuyến đường sắt Thống Nhất khổ 1m. Trong điều kiện vẫn còn đường ray khổ hẹp 1m, tại điểm nối ray các khổ đường khác nhau sẽ thiết kế đường ray lồng để có thể chạy tàu cả hai khổ đường 1m và 1,435m. Do đó, toàn bộ tám tuyến đường sắt đều xây dựng mới theo tiêu chuẩn khổ đường ray 1,435m và tiêu chuẩn tàu chạy với vận tốc tối thiểu cấp 1 là 120km/giờ trở lên. Riêng vận tốc của các tuyến đường sắt tốc độ cao (TP.HCM - Mỹ Tho - Cần Thơ, TP.HCM - Nha Trang...), các cơ quan chức năng đang nghiên cứu, thống nhất nên chưa công bố.

Bên cạnh đó, tất cả tám tuyến đường sắt mới đều sẽ làm đường sắt đôi (mỗi đường dành cho đoàn tàu đi và về riêng), tàu chạy bằng điện bảo đảm về môi trường hơn nhiều so với đoàn tàu hiện hữu đang sử dụng đầu máy diesel. “Ngành đường sắt sẽ đầu tư hệ thống chống ồn, hệ thống đảm bảo an toàn khi đường sắt qua các khu dân cư” - ông Hải nói.

YAcNIsMY.jpgPhóng to
Nguồn: Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế giao thông vận tải phía Nam - Đồ họa: V.CƯỜNG

Triển khai 8 tuyến đường sắt trước năm 2020

Theo Công ty cổ phần tư vấn thiết kế GTVT phía Nam, tám tuyến đường sắt đều được đầu tư và triển khai dự án trước năm 2020:

* Tuyến Trảng Bom (Đồng Nai) - Hòa Hưng (ga Sài Gòn) dài 39km được phân thành hai giai đoạn. Trước năm 2020, đầu tư đoạn từ ga Sài Gòn đến Dĩ An (Bình Dương) dài 19,6km, trong đó trên phần đất TP.HCM sẽ xây dựng 8,8km đường sắt trên cao từ ga Sài Gòn đến ga Bình Triệu và 5,3km đi trên mặt đất từ ga Bình Triệu hướng về Dĩ An. Sau năm 2021, đầu tư tiếp đoạn Dĩ An - Biên Hòa - Trảng Bom dài 19,5km.

* Tuyến TP.HCM - Mỹ Tho - Cần Thơ (dài 174km) đầu tư đường sắt tốc độ cao đoạn từ ga An Bình (Dĩ An) đi TP.HCM đến TP Tân An, tỉnh Long An, dài 62km.

* Tuyến TP.HCM - Nha Trang (dài 366km) đầu tư đường sắt tốc độ cao đoạn từ ga Thủ Thiêm (Q.2) đến ga Bình Sơn (tỉnh Đồng Nai) dài 32km.

* Tuyến TP.HCM - Tây Ninh (dài 139km) đầu tư trước đoạn từ ga Tân Chánh Hiệp (Q.12) về đến ga Trảng Bàng (Tây Ninh) dài 39,8km.

* Tuyến Dĩ An - Lộc Ninh (dài 128km) làm trước đoạn từ Dĩ An đến ga Chánh Lưu (Bình Dương) dài 31,9km.

* Tuyến Thủ Thiêm - Cảng hàng không quốc tế Long Thành (Đồng Nai) là tuyến chuyên vận chuyển hành khách nhằm phục vụ hành khách đi sân bay.

* Tuyến chuyên dụng ra cảng Hiệp Phước là tuyến chỉ có tàu vận chuyển hàng hóa. Điểm đầu là ga Long Định (huyện Cần Đước, tỉnh Long An) đến ga cuối là cảng Hiệp Phước (huyện Nhà Bè, TP.HCM) dài 30,6km.

* Tuyến Biên Hòa - Vũng Tàu (dài 54,6km) là tuyến có những đoạn chạy song song và cách quốc lộ 51 hoặc đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (sắp xây dựng), vừa vận chuyển khách và vừa vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu đến các khu công nghiệp và cụm cảng biển Cái Mép - Thị Vải.

Ga Sài Gòn ra sao?

Theo Công ty cổ phần tư vấn thiết kế GTVT phía Nam, ga Sài Gòn là ga trung tâm có chức năng phục vụ hành khách đi tàu đường ngắn, tàu nội - ngoại ô, đi phía Bắc, phía Đông và Tây Nam bộ. Đồng thời, đây là đầu mối trung chuyển hành khách đường sắt sang các loại giao thông đô thị khác.

Sẽ thành lập mới ga Sài Gòn Bắc (ga Bình Triệu) là ga hành khách cho các tuyến đường sắt đi Bắc, Tây, Nam bộ, Tây nguyên, Lộc Ninh, vẫn sử dụng khổ 1m và sau đó sẽ chuyển sang khổ 1,435m.

Ga Sài Gòn Nam (Tân Kiên, huyện Bình Chánh) là ga hành khách vận chuyển hành khách đi nội - ngoại ô, đi Biên Hòa, Long Khánh, Vũng Tàu, cũng là ga sẽ được thành lập mới. Đây cũng là ga đầu mối trung chuyển khách từ đường sắt đi các phương tiện công cộng khác. Ngoài ra còn có các ga hàng hóa gồm ga An Bình, ga Sóng Thần, ga Trảng Bom và ga Long Định.

NGỌC ẨN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên