27/07/2013 12:15 GMT+7

Campuchia: chạy đua nước rút trước bầu cử

VIỆT PHƯƠNG
VIỆT PHƯƠNG

TT - Các chính đảng ở Campuchia đã có cuộc chạy đua tranh cử cuối cùng trước khi cuộc bầu cử diễn ra ngày mai. Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cầm quyền được dự đoán sẽ tiếp tục chiến thắng áp đảo.

auSERnNR.jpgPhóng to
Người ủng hộ CPP vẫy cờ và cầm ảnh Thủ tướng Hun Sen trong buổi vận động tranh cử hôm qua ở Phnom Penh - Ảnh: Reuters

Tám chính đảng, từ lớn nhất như CPP đến đảng nhỏ nhất là Đảng Chống đói nghèo Khmer, đều đã có những cuộc vận động rầm rộ trong hôm qua trên khắp đất nước để giành 123 ghế trong quốc hội. Báo Phnom Penh Post cho biết có ít nhất 9,6 triệu người đã đăng ký đi bỏ phiếu nhưng chưa rõ bao nhiêu người sẽ thật sự đi bầu. Trong 15 năm qua, tỉ lệ cử tri hợp lệ đi bỏ phiếu giảm dần. Năm 1998 có tới 94% cử tri hợp lệ đi bầu. Năm năm sau đó con số này còn 83% và đến năm 2008 là 75%.

Tuy nhiên, trong lần bầu cử năm nay, giới quan sát kỳ vọng số người đi bầu sẽ tăng lên. Nhà phân tích Lao Mong Hay thuộc Ủy ban Nhân quyền châu Á được Phnom Penh Post dẫn lời cho biết: “Lần này bối cảnh khác rất nhiều so với các cuộc bầu cử trước. Phe đối lập ít bị hạn chế hơn và tôi hi vọng số người đi bầu sẽ cao hơn các kỳ trước”.

Lợi thế vẫn nghiêng về CPP

Giới quan sát cũng như truyền thông trong và ngoài nước đều dự đoán đảng cầm quyền CPP của đương kim Thủ tướng Hun Sen sẽ tiếp tục chiến thắng áp đảo. Ông Hun Sen, năm nay 60 tuổi, đã liên tục giữ cương vị thủ tướng từ năm 1985. Theo AFP, hiện CPP chiếm 90 trên tổng số 123 ghế trong quốc hội.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích cũng nói rằng đây có thể là lần đầu tiên kể từ năm 1993, số ghế của CPP có thể sụt giảm khi mà sự ủng hộ dành cho Đảng Cứu quốc Campuchia (CNRP) đối lập đang tăng lên.

AFP dẫn lời nhà phân tích Jackson Cox thuộc Công ty tư vấn quốc tế Woodmont nhận định: “Phe đối lập rõ ràng đoàn kết hơn và có tổ chức hơn trước đây. Có thể thấy rõ sự ủng hộ trên đường phố dành cho CNRP”. Phnom Penh Post dẫn lời chủ tịch Trung tâm Nhân quyền Campuchia Ou Virak cũng dự đoán CNRP sẽ tạo nên một sự thay đổi lớn.

Đảng này đang hi vọng chiếm được nhiều hơn 29 ghế mà họ có được từ lần bầu cử trước. CNRP được thành lập từ năm ngoái, là sự kết hợp của hai đảng đối lập là Sam Rainsy và Đảng Nhân quyền. Tuy nhiên nhà phân tích Cox cho rằng kể cả như vậy thì CNRP cũng khó lòng đánh bật được CPP.

Trong những thập kỷ qua, hình ảnh và thông điệp của CPP đưa Campuchia đi lên từ tro tàn chiến tranh và trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á đã đảm bảo đủ sự ủng hộ dành cho đảng cầm quyền. Một nông dân 57 tuổi tên Pov Dep ở tỉnh Prey Veng nói: “Tôi đã bầu cho CPP từ năm 1993. Họ đã giúp phát triển đất nước và quan trọng hơn hết là họ đã đảm bảo được hòa bình”. Đảng bảo hoàng Funcinpec thì hi vọng giành được 13-15 ghế.

Phnom Penh Post cũng cho biết kỳ bầu cử này là kỳ “trẻ trung” nhất của Campuchia với hơn 3,5 triệu cử tri ở độ tuổi 18-30. Một nửa trong số này lần đầu tiên đi bầu.

Trông đợi ở chính sách kinh tế

Giới quan sát nói các nhà đầu tư nước ngoài chắc chắn sẽ theo dõi chặt chẽ kỳ bầu cử này. Sau khi đã có kết quả bầu cử, chính phủ mới sẽ cần phải tái tập trung nguồn lực của mình vào các vấn đề trọng yếu như làm thế nào để Campuchia có thể đảm bảo tăng trưởng kinh tế bền vững và công bằng.

Trong khi cả hai đảng CPP và CNRP đều muốn khuyến khích đầu tư nước ngoài, theo Phnom Penh Post, mỗi đảng có cách tiếp cận riêng. Đối với CNRP, việc thu hút đúng nhà đầu tư nước ngoài có thể giúp kích thích sản xuất là tâm điểm. Đảng đối lập này cho rằng loại bỏ tham nhũng và thực thi luật pháp sẽ tạo ra một môi trường đầu tư dễ chịu hơn. CNRP nói họ muốn thu hút thêm nguồn đầu tư từ phương Tây và Nhật Bản.

Người phát ngôn CNRP Son Chhay nói với tư cách là một đảng đối lập, họ không thể phớt lờ quan hệ với Trung Quốc nhưng quan hệ của chính phủ hiện nay với các nhà đầu tư Trung Quốc cần có sự xem xét kỹ lưỡng hơn. Phnom Penh Post dẫn lời ông Chhay nói rằng những khoản vay đắt đỏ cộng với việc khai thác khoáng sản và gỗ “sẽ không đem lại lợi ích cho đất nước”.

Trong khi đó CPP, đảng vốn vận động mạnh mẽ về sự phát triển nhanh chóng của đất nước trong thập kỷ qua, sẽ tiếp tục đẩy mạnh chính sách “đến trước, giải quyết trước” đối với các nhà đầu tư nước ngoài cùng với việc ưu đãi về thuế và lực lượng lao động giá rẻ.

Trong bối cảnh giá lao động ở Trung Quốc tăng lên, giới quan sát nhận định Campuchia đang đứng trước cơ hội mới khi nguồn đầu tư đổ vào Đông Nam Á. Lực lượng công nhân may mặc cũng được coi là thành phần chủ chốt trong cuộc bầu cử lần này. Phnom Penh Post cho biết cả hai đảng trên từ mấy tháng qua đã cam kết sẽ cải thiện lương cơ bản cho đối tượng này.

VIỆT PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên