Rừng camera giám sát tại Thanh Đảo, Trung Quốc. Trong khi nhiều nước phương Tây chỉ trích Bắc Kinh xâm phạm riêng tư cá nhân và tự do dân sự, họ lại bắt đầu đi theo vết xe của Trung Quốc trong việc quản lý xã hội - Ảnh chụp màn hình
Cách đây 70 năm, tiểu thuyết gia người Anh George Orwell đã cho ra đời tác phẩm viễn tưởng lấy bối cảnh năm 1984 tại một đất nước do một nhân vật được gọi là "Anh Cả" (Big Brother) đứng đầu.
Nắm tất cả quyền lực trong tay nhưng "Anh Cả" vẫn không yên tâm. Ông dùng kính viễn vọng để quan sát nhất cử nhất động của người dân, ở mọi nơi và mọi thời điểm, ngoại trừ nhà tù. Lời cảnh cáo: "Anh Cả đang theo dõi các người" được phát liên tục trên màn hình TV.
Viễn cảnh trong tác phẩm của Orwell đang dần trở thành sự thật ở một số nước. Tại Anh, người dân cũng bắt đầu lo sợ về một xã hội nhất cử nhất động đều bị camera giám sát.
Hồi tháng 8, Chính phủ Anh thông báo sẽ sớm triển khai một công nghệ camera giám sát hiện đại, có thể đoán ra một người đang nói gì dựa trên khẩu hình và xác định chính xác danh tính ai đó chỉ nhờ vào cách họ bước đi, theo Standard.
Công nghệ này còn tiên tiến hơn cả nhận diện khuôn mặt. Tỉ lệ camera giám sát/người tại London hiện nay là 1 camera cho 15 người, theo nghiên cứu công bố hồi tháng 8-2019 của Công ty Comparitech.
Truyền thông Anh sau đó lập tức vào cuộc và sử dụng nhân vật "Anh Cả" trong tác phẩm "Một chín tám tư" của tiểu thuyết gia người Anh George Orwell để mỉa mai ý tưởng của chính phủ.
Hồi tháng 5 năm nay, trước áp lực và quan ngại của người dân, chính quyền thành phố San Francisco – nơi được ví như trái tim công nghệ của Mỹ, đã buộc phải ra lệnh cấm cảnh sát và các cơ quan thực thi pháp luật của thành phố sử dụng các camera nhận diện khuôn mặt.
Sau động thái mở màn của San Francisco, nhiều thành phố khác ở Mỹ như Somerville (bang Massachusetts), Oakland (bang California) đã nối gót ban hành lệnh cấm tương tự.
Tiểu thuyết gia George Orwell và nhân vật "Anh Cả" cùng lời cảnh cáo của ông ta được các tờ báo phương Tây sử dụng như một cụm từ để chỉ sự lạm dụng quyền lực của nhà nước khi giám sát quá mức và xâm phạm riêng tư của người dân - Ảnh: Standard
Nhiều người cho rằng có camera giám sát và nhận diện khuôn mặt là điều tốt, giúp cảnh sát giải quyết các vụ án hay tìm kiếm người mất tích.
Song những ý kiến phản đối cho rằng điều này đang xâm phạm quyền riêng tư và lo sợ nếu rơi vào tay kẻ xấu sẽ có thảm họa không lường trước.
Họ cũng cho rằng khi không có hướng dẫn và quy định cụ thể, việc lạm dụng các hình ảnh vào mục đích khác ngoài đảm bảo an ninh công cộng có thể xảy ra.
Nói cách khác, nếu không có luật, bất kỳ ai cũng có thể lắp camera nhận diện khuôn mặt, thu thập và sử dụng chúng vào những mục đích riêng mà người ta không biết được.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận