27/04/2017 05:39 GMT+7

Cấm xe máy chỉ tạm thời, 'chuyển hóa' mới là vĩnh viễn?

VÕ HƯƠNG - MẠNH KHANG - XUÂN MAI - BÌNH MINH
VÕ HƯƠNG - MẠNH KHANG - XUÂN MAI - BÌNH MINH

TTO - Các chuyên gia cho rằng cấm xe máy chỉ là giải pháp tạm thời, việc cần làm là phải phát triển thêm nhiều loại hình giao thông công cộng.

Dòng xe nối đuôi nhau trên đường Phan Văn Trị đoạn từ Nguyễn Thái Sơn đến Lê Đức Thọ, P7, Gò Vấp - Ảnh: Q.KHẢI
Dòng xe nối đuôi nhau trên đường Phan Văn Trị đoạn từ Nguyễn Thái Sơn đến Lê Đức Thọ, P7, Gò Vấp - Ảnh: Q.KHẢI

Tiến sĩ, kiến trúc sư (KTS) Ngô Viết Nam Sơn cho biết hiện nay giao thông cá nhân ở VN chiếm khoảng 80-90% phương tiện giao thông, trong đó xe máy chiếm đa số. 

Cần một kế hoạch “chuyển hóa”

Trách nhiệm của nhà quản lý đô thị là phải lên kế hoạch để tạo ra sự chuyển hóa từ tỷ lệ 80-90% xe cá nhân giảm còn khoảng 20-30%.

“Nguyên tắc không phải là cấm mà là chuyển hóa. Tức là một khi giảm xe cá nhân đến đâu thì tăng phương tiện công cộng đến đó. Quá trình này phải diễn ra song song. Phải chú trọng sự đáp ứng nhu cầu của người dân chứ chỉ quan tâm đến chuyện cấm thì đã sai về định hướng chiến lược”, ông Sơn nhấn mạnh.

Theo ông Sơn, phương tiện giao thông công cộng hiện vẫn chưa được đầu tư đúng mức, còn dàn trải và không hiệu quả. Kế hoạch “chuyển hóa” phải được thực hiện ở tầm chiến lược toàn thành phố rồi sau đó sẽ phân ra từng khu vực.

PGS.TS Nguyễn Hồng Thái - phó trưởng khoa vận tải - kinh tế (ĐH Giao thông Vận tải Hà Nội) cho rằng ban đầu chỉ nên cấm xe máy tại một số tuyến đường nhất định, có thể cấm theo giờ, kể cả cấm đậu xe. Khi đó, người dân mới làm quen và thay đổi sang phương tiện công cộng.

“Vấn đề đi lại của người dân là nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống. Bây giờ chưa thể cấm ngay được vì chúng ta chưa đủ điều kiện để các phương tiện công cộng thay thế”, ông Thái cho biết.

Quy hoạch đô thị, thêm giao thông công cộng

Xe kẹt cứng trên đường Nguyễn Thái Sơn, Q.Gò Vấp sáng 8-9-2016 - Ảnh: LÊ PHAN
Xe kẹt cứng trên đường Nguyễn Thái Sơn, Q.Gò Vấp sáng 8-9-2016 - Ảnh: LÊ PHAN

Ông Thái cho rằng vấn đề quan trọng nhất là quy hoạch đô thị, không phải là hạ tầng giao thông. Nếu chỉ trong một khu vực nhỏ nhưng có số lượng cao ốc, chung cư lớn, người dân quá đông, đường xá nhỏ thì dù phương tiện giao thông công cộng có phát triển đến đâu cũng “khó lòng” đáp ứng đủ.

Các thành phố lớn ở nước ta hiện có chung tình trạng là cứ chỗ nào “đất vàng” thì các tòa nhà cao tầng “đua nhau” mọc lên, lượng người dân đổ về cũng không nhỏ.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nói cấm xe máy là “câu chuyện của chục năm nữa” vì chỉ thu nhập người dân ít nhất được 20.000 USD/năm mới có thể dần cấm xe máy.

“Cần chú ý phát triển thêm nhiều loại hình giao thông công cộng khác nhau như xe buýt, tàu điện ngầm, tàu điện trên cao. Phải tính đến sự kết nối của các hệ thống phương tiện này vì nếu chúng rời rạc thì người dân cũng khó sử dụng”, ông Hiếu cho biết.

Các chuyên gia cho rằng bài toán giải quyết tình trạng kẹt xe, quá tải của hệ thống giao thông TP là một “bài toán khó” nhưng chắc chắn sẽ có cách giải. Cần một kế hoạch khoa học chung của nhiều ban ngành, cơ quan quản lý, trong đó có nghiên cứu hiện trạng và nhờ sự tư vấn từ các chuyên gia trong và ngoài nước (nếu cần), đặc biệt là các quốc gia có tình trạng giao thông tương tự VN và đã giải quyết thành công.

Giao lộ ngã tư Hàng Xanh (TP.HCM) đông kín người di chuyển - Ảnh: Hữu Khoa
Ngã tư Hàng Xanh (TP.HCM) đông kín người.  Đây là hình ảnh có thể thấy hằng ngày - Ảnh: Hữu Khoa

Phát triển thành phố thông minh

Tại Trung Quốc, tập đoàn Alibaba vừa áp dụng giải pháp thành phố thông minh sử dụng trí tuệ nhân tạo và công nghệ đám mây tại Hàng Châu - một trong các thành phố đông đúc với mật độ xe dày đặc.

Bằng cách phân tích dữ liệu, giải pháp này có thể giúp dự đoán lưu lượng xe trong thời gian thực đồng thời đưa ra gợi ý những tuyến đường người dân nên đi để tránh ùn tắc, đặc biệt vào ngày lễ hoặc cung giờ cao điểm.

Trong hai năm trở lại đây, số người sử dụng dịch vụ đi chung xe tại Trung Quốc cũng tăng vọt. Giải pháp này tiết kiệm hơn việc mua hẳn một chiếc xe hơi, giúp giảm thiểu nạn kẹt xe. Các tài xế có thể dùng ứng dụng để tìm xe còn trống, đồng thời tìm chỗ đậu xe mà không cần phải chạy lòng vòng.

Công ty Roland Berger dự đoán số người sử dụng dịch vụ đi chung xe tại Trung Quốc sẽ tăng khoảng 45% mỗi năm.

Các thành phố khác tại Đông Nam Á và châu Âu như Singapore, New York, Thụy Sĩ… cũng đang đi theo hướng phát triển thành phố thông minh, tăng khả năng quản lý các phương tiện lưu thông, hệ thống đèn giao thông hiệu quả hơn thay vì đưa ra các lệnh cấm xe hoặc cấm giờ lưu thông.

Trong khi đó, Bộ Giao thông Thái Lan đang lên kế hoạch giới hạn xe cá nhân đi vào khu vực trung tâm đông đúc. Theo đó, tài xế xe hơi hoặc người lái xe máy đi vào các khu này sẽ phải đóng phí hoặc trả tiền đậu xe cao hơn.

Tại Philippines, chính quyền cũng dự kiến sẽ thay đổi giờ làm việc theo hướng linh hoạt hơn để người dân không cần phải đổ dồn ra đường vào cùng một khoảng thời gian, đặc biệt là ở các trạm xe điện tại thủ đô Manila. Ngoài ra, nước này cũng sẽ áp dụng lệnh phạt các xe hơi lưu thông chỉ với một hoặc hai hành khách trong các cung giờ cao điểm.

Mời bạn đọc nghe các phát biểu:

>> PGS.TS Nguyễn Hồng Thái

>> TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn

>> Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu

VÕ HƯƠNG - MẠNH KHANG - XUÂN MAI - BÌNH MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Tin cùng chuyên mục