Xe khách giường nằm Thành Bưởi chạy tuyến TP Đà Lạt - TP.HCM - Ảnh: Quang Định |
Chúng tôi giới thiệu thêm ý kiến của các tài xế và hành khách thường đi xe giường nằm.
Khách cần đi xe giường nằm
Vì công việc cũng bởi tiết kiệm thời gian, tôi thường lựa chọn đi xe khách giường nằm ban đêm chạy các tỉnh phía Bắc. Chỉ cần leo lên xe, nằm qua một đêm tỉnh dậy đã tới nơi cần đến, làm việc trong ngày và buổi tối lại có thể đón xe trở về Hà Nội.
Tuy nhiên, vì xe khách giường nằm mở tuyến khắp nơi và mục đích là phục vụ khách đi xe, không phải khách du lịch như trước đây nên cả chất lượng xe lẫn chất lượng phục vụ trên nhiều chuyến xe này đều kém.
Nhiều chuyến đi tài xế thay vì phải chạy xe chậm, cẩn thận trong từng mét đường thì họ vừa đạp ga vừa chửi tục, ráng chạy nhanh hơn chiếc xe giường nằm của hãng khác để có thể đón hành khách dọc đường.
Thay vì phải có hai tài xế đổi lái cho nhau thì một số tuyến chỉ có một tài xế. Thay vì những chuyến xe đêm cần phải có những lái xe giàu kinh nghiệm và cẩn thận thì nhiều hãng giao xe cho những thanh niên mặt còn non nớt sẵn sàng nổi nóng với những hình huống xảy ra trên đường, không màng gì đến tính mạng hành khách...
Không hành khách nào muốn phó mặc mạng sống mình cho những chiếc xe khách như thế, nhưng hành khách không có lựa chọn bởi nếu đi xe ghế ngồi chất lượng kém hơn mà tài xế vẫn vậy thì cũng không hơn gì.
Tôi không biết Bộ trưởng Đinh La Thăng đã lần nào âm thầm lên một chiếc xe giường nằm đi miền núi để “vi hành” xem chất lượng ra sao hay chưa?
Khi tai nạn xảy ra, bộ trưởng đến hiện trường vụ tai nạn và ra lệnh cấm xe khách giường nằm chạy đường đèo dốc, nhưng không biết đã tìm hiểu thật kỹ xem nguyên nhân là gì khiến xe mất lái, mất phanh?
Khi làm đường, đơn vị thi công đã đảm bảo làm đường đúng chất lượng chưa, taluy âm và dương trên đoạn đường này đã đảm bảo an toàn chưa? Độ dốc, độ trơn trên đường đối với các xe thế nào, kinh nghiệm lái xe miền núi của tài xế thế nào?...
Nhu cầu của người dân đi xe khách giường nằm là có thật, nhu cầu kinh doanh của doanh nghiệp đáp ứng nhu cầu của người dân cũng là có thật. Trước tai nạn của Sao Việt cũng đã có nhiều vụ tai nạn lật xe giường nằm thảm khốc khác nhưng nguyên nhân sâu xa của những vụ tai nạn này đều không được giải quyết thấu đáo.
Tôi nghĩ rằng Bộ GTVT cần thiết phải nghiên cứu để có quy định chặt chẽ hơn đối với các đơn vị kinh doanh vận tải như tài xế, chất lượng xe, chất lượng đường sá khi xây dựng... chứ không thể nói cấm là cấm mà không quan tâm đến nhu cầu của hành khách. Bởi nếu không tìm hiểu và khắc phục những lỗi đó, sửa những lỗi đó thì điều đó có nghĩa chẳng thể nào khắc phục được tai nạn, dù xe giường nằm có vắng bóng trên những tuyến đường này.
Đỗ Thị Hồng Điệp
Chỉ nên cấm xe hai tầng
Là tài xế từng rong ruổi khắp các cung đường Tây Bắc, thú thật nhiều lúc tôi cũng trải qua những giây phút cảm giác mạnh khi đối mặt với khúc đường cheo leo hiểm trở.
Có nhiều hành khách hớn hở khi được lên thăm di tích lịch sử Điện Biên Phủ, vậy mà mới tới lưng chừng đèo Pha Đin, chứng kiến cảnh một bên là đường núi ngoằn ngoèo một bên là vực sâu thăm thẳm, mây trắng bốc lên như cơm sôi thì mặt mày đã xám ngắt, đòi quay trở lại!
Giờ đây tuy đường sá đã được sửa sang rộng thoáng, nhưng vực sâu vẫn còn đó, tài xế bất kỳ loại xe gì chỉ cần lơ đễnh tích tắc là xảy ra tai họa ngay.
Nói về xe giường nằm, trong vai hành khách tôi cũng đã từng và chỉ đi một lần rồi... thôi. Cái cảm giác vẫn còn mãi trong tôi, nằm tầng hai, khi xe qua đèo Cả, tài xế cua xe bên nào là người tôi lại “xà nẹo” ngược lại bên ấy. Nếu không bám vào thành giường thì người tôi bị trăn qua trở lại như con cá nướng!
Tôi đã từng lái xe bồn, xe cẩu... có trọng tâm cao tương tự xe giường nằm hai tầng. Với những loại xe như vậy phải chạy cẩn trọng, sắp ôm cua mà không giảm tốc độ là bị lật như chơi, hoặc bánh trước trượt lực bám gây mất lái. Đó là lý do thường thấy của những xe giường nằm lao xuống vực sâu.
Từ những gì mình trải nghiệm, khi nghe chỉ thị trên của bộ trưởng tôi thấy hoan hỉ. Tuy nhiên đọc kỹ thấy nếu cấm tất cả xe giường nằm chạy đường đèo dốc thì không khỏi trăn trở.
Tôi tin rằng giới kỹ thuật hẳn sẽ đồng tình với tôi rằng: xe có trọng tâm càng thấp thì hệ số an toàn càng cao là nhờ lực bám đường lớn và lực (momen bẻ) tạo lật xe thấp. Và ngược lại.
Vậy thì theo quy chuẩn đó, chỉ nên cấm loại xe khách giường nằm hai tầng. Với những xe giường nằm một tầng (ghế nằm) có trọng tâm thấp, đạt quy chuẩn như loại xe khách thông thường thì nên cho hoạt động. Có như thế sẽ đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân và không lãng phí xe cộ.
Một điều góp ý thêm là nên có quy chuẩn trọng tâm cho tất cả loại xe khách, hành lý tuyệt đối không được chất lên trần xe như thường thấy.
Tuổi hoạt động của xe ở đường đèo dốc, miền núi phải “trẻ” hơn vùng đồng bằng, thời hạn kiểm định cũng gần hơn.
Trần Kiêm Hạ
Lái xe và hành khách hụt hẫng
Với 28 năm hành nghề lái xe chở khách, trong đó có sáu năm lái xe giường nằm trên tuyến đường TP.HCM - Đà Lạt, tôi nhận thấy việc chạy xe giường nằm qua đèo Bảo Lộc dài 10km, đèo Prenn dài 10km là chuyện rất bình thường.
Đồng thời từng chở hành khách đi trên các đèo, dốc dài 20km ở các tỉnh miền núi phía Bắc, tôi thấy cũng rất bình thường vì đã có nhiều kinh nghiệm.
Cách đây sáu năm khi đưa xe giường nằm đầu tiên vào hoạt động, tôi nhận thấy có không ít hành khách e ngại vì cảm thấy loại xe này không an toàn. Thế nhưng đến nay rất nhiều hành khách chọn xe giường nằm vì họ cảm thấy xe chạy an toàn.
Trong đó những hành khách cao tuổi và người bệnh được nằm thoải mái, không bị gò bó như xe ghế ngồi. Còn những hành khách đi làm ăn thường xuyên trên tuyến đường dài đều ưa chuộng xe giường nằm vì lên xe ngủ một giấc ban đêm đến sáng là tới nơi làm việc ngay.
Theo tôi, nếu thực hiện chủ trương cấm xe giường nằm chạy trên đèo dốc không những gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp đã đầu tư xe giường nằm mà cả cánh lái xe và hành khách đi xe giường nằm đều cảm thấy rất buồn và bị hụt hẫng.
Ông NGUYỄN THANH QUÝ (lái xe của Công ty cổ phần thương mại vận tải và dịch vụ du lịch Phương Trang)
Chưa có vụ tai nạn xe giường nằm nào liên quan tới kỹ thuật Ông Nguyễn Hữu Trí - phó cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam - cho biết theo thống kê, phân tích của các cơ quan chức năng, chưa có vụ tai nạn giao thông nào của ôtô khách giường nằm có lỗi do nguyên nhân kỹ thuật. Đa số vụ tai nạn giao thông của xe khách giường nằm hai tầng là do không tuân thủ các quy định, biển báo, thao tác lái xe không phù hợp, đặc biệt là khi lái xe trên đường vắng và lái xe vào ban đêm. Ông Trí cũng cho rằng xe giường nằm hai tầng là loại xe cơ giới cỡ lớn, do đó có thể hạn chế hoạt động ở các cung đường nhiều đèo, dốc, đường hẹp hoặc hạn chế hoạt động ở từng cung đường theo thời gian. Việc quy định tốc độ tối đa đối với riêng xe giường nằm hai tầng cần nghiên cứu thêm. Tuy nhiên để phù hợp điều kiện cơ sở hạ tầng giao thông tại Việt Nam, có thể quy định các tuyến đường xe khách giường nằm được phép hoạt động. T.PHÙNG |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận