Đây là thông báo kết luận của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam ngày 30-7 tại cuộc họp về việc tổ chức Hội khỏe Phù Đổng và Đại hội TDTT toàn quốc được Văn phòng Chính phủ gửi đến các bộ, cơ quan, địa phương trên cả nước để thực hiện. Việc trả Hội khỏe Phù Đổng về đúng đối tượng mà nó hướng tới là các học sinh từ tiểu học đến THPT nhằm phát triển phong trào tập luyện thể thao, rèn luyện thể chất và đạo đức của lớp trẻ.
Học sinh thi đấu với... vận động viên
Hội khỏe Phù Đổng là đại hội thể thao dành cho học sinh từ tiểu học đến THPT nhằm nâng cao sức khỏe, phát triển thể chất, góp phần giáo dục toàn diện cho học sinh. Bốn năm một lần, Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc được tổ chức để tổng kết, đánh giá công tác giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trong trường phổ thông. Đồng thời qua đó phát hiện năng khiếu và những tài năng của thể thao học sinh, bồi dưỡng đào tạo tài năng thể thao cho đất nước.
Hội khỏe Phù Đổng được tổ chức lần đầu tiên năm 1983. Ở những kỳ đại hội đầu tiên, Hội khỏe Phù Đổng vẫn giữ đúng mục đích và đối tượng hướng tới là dành cho học sinh. Tuy nhiên, nhiều đại hội gần đây Hội khỏe Phù Đổng đã biến tướng rất nhiều. Các đại hội hầu như không dành cho đối tượng là học sinh bình thường mà chủ yếu là cuộc thi của các địa phương với thành phần VĐV năng khiếu đến từ các trung tâm đào tạo VĐV, các trường năng khiếu thể thao tỉnh, thành.
Có thể kể đến những VĐV nổi tiếng hiện nay từng tham dự Hội khỏe Phù Đổng như: Nguyễn Thị Ánh Viên (bơi lội) tham dự Hội khỏe Phù Đổng TP Cần Thơ năm 2006; Quách Thị Lan (điền kinh) tham gia Hội khỏe Phù Đổng tỉnh Thanh Hóa năm 2010; Hoàng Quý Phước (bơi lội) tham gia Hội khỏe Phù Đổng năm 2004 trong màu áo Trường Năng khiếu thể thao Đà Nẵng… Ngoài ra, còn rất nhiều VĐV chuyên nghiệp khác. Chính sự biến tướng này đã khiến Hội khỏe Phù Đổng không thực hiện được mục đích đặt ra là hướng tới đối tượng học sinh phổ thông, phát triển phong trào TDTT, nâng cao thể chất của giới trẻ.
Trước thực tế đó, từng có những ý kiến yêu cầu xóa sổ Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc vì lãng phí, bất cập về đối tượng tham dự đại hội. Nắm bắt được tình hình, ngày 17-7 Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã chủ trì cuộc họp về tổ chức Hội khỏe Phù Đổng và Đại hội TDTT toàn quốc với sự tham gia của các bộ, ngành liên quan. Sau đó, ngày 30-7 Văn phòng Chính phủ đã ra thông báo kết luận chỉ đạo của Phó thủ tướng với nội dung quan trọng: “Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc chỉ dành cho học sinh phổ thông cấp tiểu học, THCS, THPT và học sinh phổ thông tại các trung tâm giáo dục thường xuyên, trường bổ túc văn hóa.
Đối với học sinh các trường năng khiếu TDTT, các trung tâm huấn luyện TDTT, CLB thể thao chuyên nghiệp không thuộc đối tượng tham dự Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc mà sẽ tham gia các giải trẻ quốc gia của từng môn thể thao theo lứa tuổi do ngành thể thao tổ chức”. Theo chỉ đạo của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, bắt đầu từ Hội khỏe Phù Đổng 2016 sẽ trở về đúng giá trị của nó là dành cho học sinh phổ thông thuần túy. Vì thế Bộ Giáo dục và đào tạo - đơn vị đứng ra tổ chức Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc - bắt buộc sẽ phải sửa đổi điều lệ Hội khỏe Phù Đổng 2016 vừa mới ban hành ngày 6-7-2015 khi vẫn cho phép học sinh năng khiếu thể thao tham dự.
Dẹp nạn chạy theo thành tích
Trong khi đó, ông Nguyễn Hồng Minh - nguyên vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao (Ủy ban TDTT) - cho biết từ nhiều năm trước khi làm lãnh đạo ngành, ông từng bị phê bình vì đưa ra quan điểm không cho VĐV năng khiếu tham dự Hội khỏe Phù Đổng. “Hội khỏe Phù Đổng những năm qua là cuộc thi của các trường, trung tâm đào tạo VĐV thể thao chứ không dành cho học sinh. Cuộc thi đó là màn đua tài của các kiện tướng quốc gia, thậm chí có VĐV dự Hội khỏe Phù Đổng từng vô địch Đông Nam Á. Vì vậy, việc đưa Hội khỏe Phù Đổng trở về với các em học sinh là quan điểm hoàn toàn đúng đắn” - ông Minh nói.
Ông Vương Bích Thắng, tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, cho biết từ Hội khỏe Phù Đổng 2016 chỉ đạo của Phó thủ tướng sẽ được thực hiện. Ông Thắng thừa nhận chính vì đối tượng tham dự Hội khỏe Phù Đổng những đại hội gần đây chủ yếu là VĐV năng khiếu thể thao, VĐV trẻ từ trung tâm đào tạo của các địa phương nên Hội khỏe Phù Đổng đã không có tác dụng lắm với phong trào tập luyện thể thao của học sinh, gây phản ứng trong xã hội. Việc chỉ cho học sinh phổ thông dự Hội khỏe Phù Đổng sẽ phản ánh đúng thực chất của thể thao học đường hiện nay.
Còn theo một lãnh đạo sở VH-TT&DL phía Bắc, với việc không cho VĐV năng khiếu thể thao dự thi, chắc chắn Hội khỏe Phù Đổng sẽ thu hút đông đảo học sinh yêu thích thể thao tham gia. Các địa phương trước đây quen đưa học sinh năng khiếu, VĐV trẻ của tỉnh ra và “gắn mác” học sinh để dự thi cũng sẽ bớt “chạy” thành tích.
[box]Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc 2016
Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc 2016 sẽ diễn ra tại hai tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa với sự tham dự của khoảng 18.000 VĐV, HLV, trọng tài, cán bộ. Đại hội sẽ tổ chức 15 môn thi đấu: bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, điền kinh, bơi lội, bóng rổ, thể dục, cờ vua... Đại hội dự kiến khai mạc ngày 1-8 và bế mạc ngày 8-8-2016 tại Nghệ An. [/box]
[box]Tạo sân chơi để học sinh thi thố tài năng
Là người có nhiều nghiên cứu về thể thao học đường, PGS Dương Nghiệp Chí (nguyên viện trưởng Viện Khoa học TDTT) cho rằng nếu không để học sinh tham gia Hội khỏe Phù Đổng thì không thể nâng cao thể chất người VN và phát triển thể thao thành tích cao được.
Ông Dương Nghiệp Chí nói: “Bản chất của thể thao là để phát triển thể chất và tư cách con người, sau đó mới là đến phát triển thể thao thành tích cao. Trong những năm gần đây, nhiều nghiên cứu cho thấy người VN đang có chiều cao vào loại thấp nhất châu Á. Năng suất lao động của người VN cũng rất thấp một phần do không có sức khỏe. Gốc gác của vấn đề chính là do phần lớn người VN chưa có kiến thức và điều kiện để bồi bổ dinh dưỡng khi còn trẻ. Nguyên nhân thứ hai rất quan trọng là do giới trẻ quá thiếu thốn vận động thể chất nói chung và hoạt động TDTT nói riêng. Nhiều năm qua, ai cũng biết mặc dù cứ bốn năm một lần người ta lại tổ chức Hội khỏe Phù Đổng, nhưng thực tế nó là cuộc đua tranh thành tích của các địa phương để báo cáo. Các VĐV đi thi đều là “gà nòi” của các trường năng khiếu, trung tâm đào tạo VĐV thể thao. Làm gì có học sinh ở các trường phổ thông vào được các cuộc thi này.
Tập luyện thì phải có thi thố mới giúp nâng cao thành tích, khuyến khích phong trào. Hiện nay việc tập luyện thể thao ở các trường phổ thông đã ít bởi thiếu thời gian, thiếu dụng cụ, sân bãi... nhưng khi đi thi người ta lại đưa VĐV chuyên nghiệp ra thì học sinh lấy đâu ra chỗ thi. Kinh nghiệm từ các quốc gia hàng đầu thế giới như Mỹ, Nhật cho thấy muốn phát triển thể chất con người nhất thiết phải tiến hành ở trong các trường học. Chính môi trường luyện tập, chơi thể thao, thi thố tại các trường sẽ giúp các em tăng cường thể chất, có lối sống lành mạnh, biết nỗ lực vượt qua khó khăn. Cũng qua các cuộc thi đó người ta mới sàng lọc và tìm ra các em có năng khiếu để khuyến khích, bồi dưỡng trở thành VĐV đỉnh cao. Nếu không phát triển thể thao trường học, tôi khẳng định không bao giờ thể thao thành tích cao của VN phát triển được”.[/box]
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận