Công dân không được ghi âm, chụp ảnh cán bộ tiếp công dân nếu chưa được phép - Ảnh tư liệu
Theo tìm hiểu của phóng viên Tuổi Trẻ, nhiều địa phương, ngành và Trụ sở tiếp công dân trung ương cũng có quy định tương tự.
Tôi từng chứng kiến một đại biểu Quốc hội tiếp một người phản ảnh bức xúc về trạm thu phí BOT, mà người đó cứ lấy điện thoại gí sát vào mặt vị đại biểu và livestream. Như vậy cũng gây ra ức chế không nhỏ cho người tiếp dân, trong khi người này không phải là người trực tiếp có thẩm quyền giải quyết ngay vụ việc đó.
Bà MAI THỊ PHƯƠNG HOA
Dân vẫn cứ quay, chụp
Giải thích về quy định tương tự tại Trụ sở tiếp công dân trung ương, trưởng Ban Tiếp công dân trung ương Nguyễn Hồng Điệp cho rằng việc này để vừa bảo vệ cán bộ vừa bảo vệ người dân. Trong đó người dân có quyền giám sát và cán bộ cũng có quyền bảo vệ hình ảnh, danh dự của mình.
"Nơi tiếp công dân mà bất cứ ai cũng ra vào, thích quay, chụp gì cũng được, thậm chí có hành động cố tình để xuyên tạc, thách thức cán bộ nhà nước thì khó chấp nhận vì gây ảnh hưởng đến trật tự chung, không đảm bảo sự tôn nghiêm của cơ quan nhà nước" - ông Điệp nói.
Với kinh nghiệm nhiều năm trực tiếp tiếp công dân, kiến nghị giải quyết nhiều vụ việc tồn đọng, phức tạp, ông Điệp cho rằng điều quan trọng nhất là người cán bộ tiếp công dân phải có bản lĩnh, trí tuệ, nắm vững pháp luật, có thái độ giao tiếp với người dân làm sao để người đến làm việc không phải đề phòng, ghi âm, chụp hình.
Mặc dù có quy định như vậy nhưng ông Điệp cho biết cá nhân ông ở nhiều cuộc làm việc vẫn để người dân ghi âm, chụp hình thoải mái, đặc biệt là khi tiếp dân trong những vụ việc phức tạp như vụ Thủ Thiêm vừa rồi.
Ngay cả khi lọt ra ngoài những hình ảnh như ông cầm cigar, đeo đồng hồ giống hàng hiệu đứng gần người dân Thủ Thiêm gây hiểu lầm, xôn xao mạng xã hội thì ông cũng giải thích với dư luận, chứ không thấy phiền lòng.
"Đúng là quy định của UBND TP Hà Nội đã gây xôn xao và có ý kiến khác nhau trong dư luận mấy ngày qua, nhưng đây là quy định đã được nhiều tỉnh, TP áp dụng" - ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Mai Thị Phương Hoa cho biết.
Chia sẻ quan điểm về quy định này, bà Hoa cho rằng nếu đặt mình trong vị trí của người dân đến trụ sở tiếp công dân để phản ảnh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo thì mục đích quan trọng nhất là ý kiến của mình được tiếp thu và giải quyết triệt để. Còn vị trí của cán bộ, công chức được giao tiếp công dân là tiếp nhận ý kiến, đơn thư để chuyển, phối hợp với cơ quan có trách nhiệm để giải quyết.
"Xét cả hai vị trí ấy thì hiệu quả một cuộc tiếp công dân, giải quyết vấn đề đặt ra mới là quan trọng, chứ không phải là vấn đề quay phim, ghi âm, chụp hình" - bà Hoa nói.
Theo bà Hoa, qua thực tế thấy rằng nhiều cuộc tiếp công dân tâm trạng của người phản ảnh thường là bức xúc trước vấn đề, vụ việc, trong khi áp lực của người tiếp công dân cũng không hề nhỏ.
Nói như vậy để chia sẻ với cả đôi bên, trong đó cán bộ, công chức tiếp dân mặc dù không có thẩm quyền giải quyết trực tiếp nhưng lại là người phải "hứng chịu" bức xúc của người dân, thậm chí có cả sự xúc phạm. Từ phân tích này cũng có thể chia sẻ được với quy định nêu trên.
Ông Nguyễn Hồng Điệp, trưởng Ban Tiếp công dân trung ương - Ảnh: TỰ TRUNG
Đàng hoàng, đĩnh đạc thì có gì phải ngại
Bình luận về vấn đề này, cựu cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật Bộ Tư pháp Lê Hồng Sơn nói: Về nguyên tắc, quy chế hoặc nội quy tiếp công dân do chủ tịch UBND cấp tỉnh ban hành không được trái với các quy định của Luật tiếp công dân. Như vậy, cần phải xem xét quy định của TP Hà Nội có làm ảnh hưởng đến quyền của công dân hay không.
Nếu chỉ quy định chung chung là khi được sự đồng ý của cán bộ tiếp công dân mới được quay phim, chụp hình, ghi âm thì đây là một quy định còn thiếu tính cụ thể. Cán bộ tiếp công dân hoàn toàn có thể viện vào quy định này để từ chối các hành vi ghi âm, ghi hình của công dân tại cuộc làm việc.
Nhưng nên đặt ra một tình huống là trong những trường hợp mà người dân ghi âm, ghi hình làm bằng chứng để khiếu nại, tố cáo chính hành vi của người cán bộ đó thì sao? Ví dụ trong trường hợp cán bộ tiếp công dân vi phạm các quy định của Luật tiếp công dân, có thái độ hách dịch với dân thì người dân có thể quay, chụp lại làm bằng chứng không?
Còn trong trường hợp người dân đến nơi tiếp công dân để gây rối, vi phạm các quy định của Luật tiếp công dân thì cũng sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật có liên quan. "Tôi nghĩ rằng cán bộ tiếp công dân làm việc đàng hoàng, đĩnh đạc, đúng luật thì không có gì phải ngại" - ông Sơn nói.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Trần Thị Dung cũng khẳng định Luật tiếp công dân đã quy định rất cụ thể về nguyên tắc tiếp công dân, những gì được làm, không được làm của cán bộ tiếp dân, của người đến làm việc tại địa điểm tiếp công dân.
"Chẳng hạn, trong các hành vi nghiêm cấm thì luật đã quy định rõ là cấm gây phiền hà, sách nhiễu hoặc cản trở người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ảnh... Còn người đến làm việc thì không được lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ảnh để gây rối trật tự công cộng" - bà Dung dẫn chứng.
Luật không cấm
Theo bà Trần Thị Dung, luật không có quy định cấm người dân quay phim, chụp hình, ghi âm tại các địa điểm tiếp công dân thì các văn bản dưới luật như nội quy, quy chế không nên đặt thêm quy định này.
"Luật cũng đã quy định rõ là khi tiếp công dân cán bộ phải bảo đảm trang phục chỉnh tề, có thái độ đúng mực, lắng nghe, tiếp nhận, ghi chép đầy đủ, chính xác nội dung mà người dân trình bày...
Cứ thực hiện đúng quy định thì người dân có ghi âm, ghi hình cũng không phải e ngại, bởi đây là nơi làm việc của cơ quan nhà nước. Còn nếu người dân kích động, gây rối, vi phạm thì họ sẽ bị xử lý" - bà Dung bày tỏ.
Nếu có nhu cầu thì trao đổi với cán bộ tiếp dân
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung trong một buổi tiếp dân ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Liên quan đến quy định đang gây xôn xao dư luận về việc cấm công dân "không được quay phim, chụp ảnh, ghi âm, ghi hình cán bộ tiếp công dân khi chưa xin phép", trao đổi với báo chí, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết tất cả các phòng tiếp công dân trên địa bàn TP Hà Nội và của trung ương trên địa bàn đều đã trang bị camera ghi âm và ghi hình. Do đó, người dân có yêu cầu muốn trích xuất lại toàn bộ buổi tiếp công dân mà mình tham gia thì Hà Nội đảm bảo sẽ trích xuất đầy đủ. Việc này sẽ được làm thủ tục bàn giao và có biên bản cẩn thận.
Nhưng nếu công dân vẫn có nhu cầu ghi âm, ghi hình thì nên trao đổi với cán bộ tiếp công dân. Sau khi ghi âm, ghi hình xong thì hai bên cùng kiểm tra lại nội dung và xác nhận bằng biên bản với nhau để làm tài liệu sử dụng công khai, minh bạch.
Giải thích về quy định mới này, người đứng đầu chính quyền TP Hà Nội nói quy định là nhằm "chống tình trạng một số người đi theo người nhà đến trụ sở tiếp dân nhưng lại dùng các thiết bị bí mật ghi âm, ghi hình rồi về cắt xén nội dung buổi tiếp, sau đó đưa lên mạng phục vụ những mục đích khác".
T.Đ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận