![]() |
Cô Nguyễn Thị Điệp và lớp 9A5 (em Dương ngồi đầu bàn) do cô làm chủ nhiệm ở Trường THCS Lý Chính Thắng 1 (H.Hóc Môn, TP.HCM) - Ảnh: BẢO ÂN |
Một buổi chiều, con trai nhỏ của tôi đi học về bỗng thủ thỉ: “Mẹ ơi! Cô giáo chủ nhiệm của con nói là sẽ đến nhà thăm mẹ đấy...”.
Một người bệnh đang sống trong cảnh thiếu trước hụt sau như tôi thật ấm lòng biết bao khi được nghe con nói vậy. Cô giáo của con mình sẽ đến nhà thăm, đó quả là niềm an ủi quá lớn cho tôi.
Sau hai lần liên tiếp bị tai nạn lao động, sức khỏe của chồng tôi giảm sút quá nhiều. Tiền chữa trị cho anh đã khiến gia đình tôi khánh kiệt. Có cái tủ lạnh nhỏ trong nhà tôi cũng bán đi để lấy vài trăm ngàn đồng thuốc thang cho anh.
Mọi gánh nặng kinh tế trong gia đình chỉ biết trông đợi vào việc buôn bán nhỏ ở chợ của tôi. Thế nhưng, việc buôn bán ngày càng ế ẩm và khó khăn hơn.
Tôi nhớ mãi năm 2010, cả nhà dường như phải ăn mì gói thay cơm ròng rã tám tháng trời. Nhìn con trai nhỏ bé, ốm o phải ăn mì gói trừ cơm đến trường mà tôi đau đớn quá, dù cháu chẳng bao giờ kêu than. Có lúc ăn mì gói nhiều nóng và thiếu chất nên cháu bị xuất huyết đường ruột.
Gần năm nay tôi thấy trong người đau đớn nhưng đành cắn răng chịu vì lấy tiền đâu mà đi khám. Đến gần đây đau quá không chịu nổi, tôi phải nhập viện cấp cứu. Bác sĩ nói tôi bị viêm, phù ruột non và u mạch máu gan.
Tôi vẫn giấu bệnh tình vì sợ con biết sẽ ảnh hưởng tâm lý. Nhưng tình cờ cháu nghe tôi tâm sự với hàng xóm là không có tiền mổ nên cứ để vậy chứ biết làm sao, từ đó cháu đâm ra buồn bã. Có hôm cháu đi học về nói: “Mẹ ơi! Con học nhầm bài giáo dục công dân nên bị năm điểm, chắc bị rớt xuống học sinh khá quá”. Tôi hiểu con mình quá buồn khi thấy mẹ đau ốm và bị phân tâm việc học hành.
Rồi con tôi đòi nghỉ học đi bán vé số khi thấy mẹ không có tiền uống thuốc. Lòng tôi đau như xát muối. Thế là ba cháu chạy lên trường trình bày hoàn cảnh với cô giáo chủ nhiệm, mong cô có lời khuyên nhủ để cháu đừng bỏ học.
Tôi nào ngờ sau mấy ngày thì cô giáo chủ nhiệm đến nhà thăm tôi. Cô còn gửi cho tôi những phong bì chứa đựng tấm lòng của các thầy cô, học trò và cả phụ huynh của Trường THCS Lý Chính Thắng 1 (xã Tân Thới Nhì, H.Hóc Môn, TP.HCM) dành cho tôi. Tôi càng xúc động hơn khi nhìn thấy những tờ tiền mệnh giá 1.000 đồng, 2.000 đồng mà hẳn nhiều em học sinh đã phải nhịn ăn sáng, nhịn quà vặt để dành cho tôi thuốc thang. Rồi những lời chia sẻ của các thầy cô, các em học sinh gửi tới làm tôi không sao ngăn được nước mắt.
Đồng lương nhà giáo thật khiêm tốn mà các thầy cô vẫn giúp đỡ tôi với hi vọng góp gió thành bão, mong tôi có thể mổ để khỏi bệnh. Tấm lòng, sự quan tâm của các thầy cô làm một người bệnh như tôi thật xúc động. Tôi không biết lấy gì đền đáp mà chỉ biết tỏ bày qua câu chữ đơn sơ. Tôi cũng mong mình có đủ tiền để mổ, để được sống nuôi con trai học hành nên người, với ước nguyện cháu sẽ trở thành người có ích cho xã hội, không phụ công ơn trời biển của thầy cô.
Làm sao nỡ bỏ học trò Ngày 21-11, chúng tôi đến Trường THCS Lý Chính Thắng 1 để tìm hiểu về câu chuyện cảm động này. Nói về hoàn cảnh em Võ Phạm Thái Dương (con trai chị Phạm Thị Liên Mai), thầy hiệu trưởng Lê Văn Quang cho biết: “Em Dương là một học trò chăm ngoan, hiếu thảo và biết kính trọng thầy cô. Mới chưa hết lớp 9 mà bỏ học thì tương lai của em rồi sẽ ra sao? Làm thầy cô, sao đành lòng thấy học trò bỏ học đi bán vé số. Trong buổi chào cờ ở trường, tôi và các thầy cô giáo vận động giúp đỡ em Dương. Thầy cô chủ nhiệm các lớp đều nói cho học trò biết hoàn cảnh bạn Dương để cùng nhau sẻ chia, động viên tinh thần cho em an tâm đến lớp”. Cô Nguyễn Thị Điệp (dạy học đã gần 30 năm), giáo viên dạy văn và chủ nhiệm lớp 9A5 mà em Thái Dương theo học, kể: “Ba em Dương đến gặp tôi nói như van xin, gửi gắm tôi khuyên em đừng bỏ học, xin tôi đừng bỏ em. Phụ huynh tin tưởng mình thì làm sao mình nỡ bỏ học trò”. Cô đã suy nghĩ và tâm sự cùng các thầy cô giáo trong trường tìm cách giúp em Dương. Cô Điệp nói: “Ban đầu tôi nói với học sinh trong lớp hiểu về hoàn cảnh em Dương, mong các em chia sẻ, động viên tinh thần cho bạn. Nào ngờ các học trò của tôi đã cùng nhau đóng góp tiền, nói ba mẹ cùng chia sẻ với bạn mình. Tôi thương em Dương lắm, em nhỏ mà quá có hiếu với mẹ”. Lúc nhận được phong bì tiền các em chung nhau đưa, cô Điệp nói mình đã bật khóc vì quá cảm động khi học trò của mình sâu sắc và thương yêu nhau nhiều như thế. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận