![]() |
Tài xế lao vào cãi nhau sau vụ tai nạn giao thông dây chuyền ngày 1-3 ở ngã tư quốc lộ 51 - đường 46 (Phú Mỹ, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) - Ảnh: MAI CÔNG PHÁO |
Tôi viết thư này để cảm ơn cô Alison R.Bishop, phóng viên Phương Thùy và quý tòa soạn về bài báo rất có giá trị “Hãy nói lời xin lỗi” trong số báo ra ngày 27-2. Tôi cũng xin được trình bày cảm nghĩ của mình về những nội dung đã đăng trong bài báo ấy.
Văn hóa ứng xử ở VN còn thấp
Cô A.R.Bishop chỉ kể ba câu chuyện nhưng bấy nhiêu cũng đủ để đề cập cả một vấn đề rất lớn là văn hóa ứng xử trong giao tiếp của người Việt. Vì lòng tự ái, tôi đã muốn bênh vực đồng bào mình trong các câu chuyện này, rằng họ chỉ là những người có vị trí thấp trong xã hội, rằng họ không biết tiếng Anh, rằng họ gặp khó khăn nên lúng túng khi phải giao tiếp với người nước ngoài...
Nhưng thái độ và cử chỉ của họ đối với khách đã bác bỏ hết các lập luận của tôi. Sống ở VN, chắc rằng cô Bishop đã biết nhiều vụ người ta đâm chém nhau chỉ vì xảy ra sự va quẹt xe trên đường, thậm chí chỉ vì một câu nói hay một ánh mắt được cho là “nhìn đểu”.
Tất cả những hiện tượng như trên đã và đang làm xã hội nhức nhối vô cùng. Tuy nhiên, tôi có thể khẳng định sự thấp kém đó không có nguồn gốc từ nền văn hóa truyền thống của dân tộc. Ngược lại, văn hóa ứng xử truyền thống của VN hết sức tốt đẹp, với sự chú trọng đặc biệt vào tình nghĩa con người cùng chữ “lễ” trong mọi quan hệ giao tiếp.
Các gia đình VN còn giữ được truyền thống văn hóa đều dạy con phải biết chào hỏi lễ phép, biết nói “cảm ơn”, “xin lỗi”, “làm ơn”, “cảm phiền” trong những trường hợp thích đáng, như các gia đình ở Mỹ và các nước văn minh khác. Nhờ đó, đa số du khách nước ngoài đến VN đều thừa nhận dân tộc này rất hiếu khách, rất thân thiện và cởi mở với họ.
Hiệu trưởng cũng quên cách ứng xử
Trở lại với A.R.Bishop, tôi xin kể một chuyện của chính mình để chia sẻ với cô. Tôi là cựu học sinh một trường trung học danh tiếng lâu đời và luôn lưu giữ tình cảm sâu nặng với trường cũ. Trong dịp kỷ niệm 85 năm thành lập trường, tôi được đọc cuốn kỷ yếu quý báu do trường xuất bản và phát hiện một số sai sót, quan trọng nhất là việc người cha quá cố của tôi, một hiệu trưởng trong lịch sử nhà trường, đã bị lãng quên và thay thế bằng tên người khác.
Với lời lẽ kính trọng và khiêm nhường, tôi gửi thư cho vị hiệu trưởng đương nhiệm, chỉ rõ những sai sót ấy để trường có dịp đính chính. Nhà giáo dục này đáp lại tôi bằng sự im lặng không trả lời. Năm năm sau, trước lễ kỷ niệm lần thứ 90 của trường, tôi lại gửi thư cho bà hiệu trưởng (mới nhậm chức thay ông kia), nhắc lại những sai sót đã nêu trong bức thư trước, kèm theo cả ảnh chân dung và lý lịch của cha tôi.
Cẩn thận hơn, tôi còn gọi điện cho bà để được biết thư đã đến tay người nhận. Song, giống y như người tiền nhiệm của mình, bà hiệu trưởng này cũng đáp lại tôi bằng sự im lặng không trả lời.
Phản ứng trước sự ứng xử vô văn hóa của những người quản lý và phục vụ quán phở, cô Bishop đã giận dữ bỏ bữa ăn và quyết không trở lại đó nữa. Còn tôi, phản ứng tương tự cô, đã bỏ kế hoạch trở về mái trường xưa, không dự buổi lễ kỷ niệm mà lẽ ra là rất thiêng liêng và đầy cảm xúc với mình.
Tôi có nhờ vị đại diện cựu học sinh trường hỏi lại bà hiệu trưởng về trường hợp của cha tôi ngay tại buổi lễ. Bà thản nhiên thanh minh với ông này: “Thời bác ấy làm hiệu trưởng thì chúng em chưa ra đời nên làm sao biết được!”.
Quả thật, bà hiệu trưởng và cả người tiền nhiệm của bà đã không biết. Nhưng cái mà họ không biết nằm ở chỗ khác. Họ không biết rằng đối với một người có văn hóa, khi nhận được một bức thư thì phải viết thư trả lời người gửi (chưa kể người gửi ấy là đồng nghiệp và là con của bậc tiền bối của mình).
Họ cũng không biết rằng nếu có người chỉ dẫn cho mình những sai sót để khắc phục thì phải xin lỗi về những sai sót đó, và cảm ơn người đã chỉ dẫn mình.
Cũng như cô, tôi cho rằng chỉ cần dạy trẻ em có thói quen nói lời xin lỗi hay cảm ơn đúng lúc và đúng chỗ, là có thể giảm thiểu được rất nhiều vụ xung đột trong xã hội hay nạn bạo lực trong học đường. Vấn đề là ai sẽ dạy và dạy thế nào?
Nhưng sự thấp kém về văn hóa ứng xử trong giao tiếp của người Việt có nguồn gốc từ sự đứt gãy của nền văn hóa truyền thống dân tộc do lịch sử tạo nên, cùng với những thiếu sót trong nền giáo dục hiện hành. Do đó, để khắc phục sự thấp kém này, cần có những giải pháp đồng bộ cả về văn hóa và giáo dục.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận