07/11/2014 09:55 GMT+7

​Cầm giấy đọc có phải là phát biểu không?

TT - Vẫn còn không ít đại biểu chỉ biết cầm giấy để đọc, trong đó hầu hết nội dung chẳng có gì mới, thường chỉ là nhắc lại các báo cáo đã nêu trước đó.

Theo dõi các buổi thảo luận công khai tại hội trường Quốc hội (được truyền hình trực tiếp), cử tri dễ dàng nhận ra bên cạnh những đại biểu tỏ ra am hiểu sâu sắc vấn đề, lập luận rõ ràng, chặt chẽ; tiếc thay vẫn còn không ít đại biểu chỉ biết cầm giấy để đọc, trong đó hầu hết nội dung chẳng có gì mới, thường chỉ là nhắc lại các báo cáo đã nêu trước đó, còn phần kiến nghị, đề xuất (của cá nhân) thì chung chung. 

Cá biệt, có đại biểu còn đề nghị cần “luật hóa” việc đặt tên con (trái với điều 26 của Bộ luật dân sự năm 2005 về “Quyền đối với họ, tên”); rồi lại có đại biểu kiến nghị nên giảm bớt bóng đèn trên các con đường mới làm để... tiết kiệm điện (!).

Để nâng tầm hơn đại biểu Quốc hội, đồng thời để không lãng phí thời gian, chúng tôi đề nghị trong thảo luận (ở tổ hoặc hội trường), nếu đại biểu nào chỉ biết viết ra giấy mà không có khả năng tự ứng khẩu trình bày thì nên gửi văn bản cho đoàn thư ký tổng hợp, không cần phải cầm giấy đọc (giấy chỉ nên là “công cụ hỗ trợ” như dạng gạch đầu dòng để nhớ, không bỏ sót ý).

Còn về nội dung phát biểu của đại biểu, các lãnh đạo đoàn cũng nên góp ý trước (nhất là phần kiến nghị) để tránh nêu ra những vấn đề lặt vặt, không đáng... Có như thế, cử tri mới không đánh giá thấp “cái tầm” của đại biểu Quốc hội.

PHAN TRỌNG HIỀN  (TP.HCM)

Đừng để cử tri ngỡ ngàng

Kỳ họp Quốc hội nào, cử tri cũng phải “bất đắc dĩ” được nghe những phát biểu có thể nói trở thành “bất hủ”. Ví như lần này, có đại biểu đề nghị nên đưa quy định chỉ được đặt tên “thuần Việt” mà thật ra không thể định nghĩa “thế nào là thuần Việt?” và bản thân tên của vị đại biểu đưa ra đề nghị này cũng có đến hai từ Hán - Việt, nghĩa là cũng không hề “thuần Việt” chút nào.

Hay như một vị đại biểu khác phát biểu hùng hồn với báo chí rằng “Trên thế giới không có quốc gia nào quản lý bài bản như Việt Nam”(!) cũng khiến nhiều cử tri ngỡ ngàng...

Thiết nghĩ, đại biểu Quốc hội đến với kỳ họp không chỉ với tư cách cá nhân, mà quan trọng hơn, thay mặt người dân có tiếng nói với những vấn đề hệ trọng của đất nước. Vậy nên, hãy suy nghĩ kỹ trước khi phát biểu, trước khi đưa ra bất cứ đề nghị nào.

Chúng tôi - những cử tri - rất mong các vị đại biểu có trách nhiệm với phát biểu của mình, đừng để cử tri phải cảm thấy ngỡ ngàng đến khó chịu với phát biểu của các vị.

Mời bạn đọc tiếp tục tham gia góp ý, đề xuất những giải pháp liên quan đến những vấn đề đang được xã hội quan tâm qua theo dõi kỳ họp Quốc hội đang diễn ra. Bài vở, ý kiến góp ý cho mục “Ý kiến cử tri” gửi về ntu@tuoitre.com.vn.

NHẤT NGUYÊN (TP.HCM)

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên